Từ trước 1999, Hội An chỉ là một phố cũ điêu tàn, hoang phế và thiếu sức sống. Nhưng khi được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới, du lịch phát triển, Hội An thay đổi đến khó tin. Cao điểm, có năm Hội An, Quảng Nam đón trên 7 triệu lượt khách tham quan, lưu trú, trong đó trên 4 triệu khách quốc tế (2019). Tuy vậy, với Hội An, yếu tố con người luôn được xem là di sản quan trọng nhất. Vì vậy, chính quyền luôn chú trọng việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa thuần hậu, nhân tình vốn là thế mạnh...
Hai năm đóng cửa du lịch, Hội An vắng vẻ, tĩnh lặng. Ảnh: T.C
Văn hóa luôn là giá trị hút khách du lịch
Từ sau năm 1999, Hội An, Mỹ Sơn đã bắt đầu “sống lại” từ phế tích. Khi UNESCO công nhận 2 địa chỉ này là di sản văn hóa thế giới, người dân, du khách mới biết đến nhiều. Ban đầu, có thể du khách đến tham quan vì di sản vật thể. Tuy nhiên, về những năm sau, người ta trở lại, tiếp tục đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng... phần lớn là vì những giá trị văn hóa phi vật thể. Nói khác đi là những lễ hội, các hoạt động truyền thống, là nếp sinh hoạt, ứng xử... là con người Hội An mới chính là điều hấp dẫn du khách. Đến Hội An là được thư giãn, được nghỉ ngơi, được hưởng thụ một không gian yên bình, một môi trường tin cậy, dễ chịu trong giao tiếp, trong ăn uống, sinh hoạt...
Những đóng góp của khách cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương rất quan trọng. Đặc biệt góp phần giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho người dân. Tuy vậy, Hội An, Quảng Nam luôn hướng đến việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống để sự phát triển mang tính bền vững.
Điều này, nguyên Bí thư thành phố Hội An, ông Nguyễn Sự đã nhiều năm theo đuổi. Theo ông Sự, chính môi trường tự nhiên khác lạ, con người thuần hậu, chẳng giống nơi nào như Cù Lao Chàm, Hội An... mới là sản phẩm độc đáo để thu hút khách du lịch. Nhất là người Châu Âu, họ không thiếu khu nghỉ dưỡng cao cấp, không thiếu các dịch vụ chăm sóc cá nhân hiện đại, nhưng họ bị hấp dẫn bởi một Việt Nam xinh đẹp, hài hòa với môi trường và con người thân thiện, thuần hậu. Đánh mất giá trị này thì có cung ứng nhiều resort cao cấp, dịch vụ hiện đại cũng khó thu hút được du khách. Điều quan trọng hơn là sẽ đánh mất chính mình.
Phát triển nhưng luôn giữ mình
Phải thừa nhận là có những lúc Hội An đã quá tải trong cơn sốt du lịch. Sự phát triển nóng về lợi nhuận kinh tế, nguồn khách, đôi khi khiến Hội An trở nên nhàm chán, thất vọng với nhiều du khách. Người Hội An ngày nay ít nhiều trở nên thực dụng hơn, các thông tin và hình ảnh thiếu tích cực về đời sống xã hội trở nên phổ biến hơn và những diễn biến xấu có nguy cơ lấn át sự tử tế trong văn hóa Hội An ngày càng được nhắc đến nhiều hơn.
Chủ tịch UBND thành phố Hội An, ông Nguyễn Văn Sơn nhận định, thay vì đón nhiều du khách Âu, Mỹ như trước, trong những năm gần đây, Hội An đón nhiều dòng khách đông bắc Á. Tuy phát triển nhanh, đông đúc nhưng không bền vững. Năm 2018, Quảng Nam đón 6,5 triệu lượt khách tham quan lưu trú. Trong đó 3,8 triệu khách quốc tế, nhưng dòng khách Đông Bắc Á, tăng 70% so với cùng kỳ. Năm 2019, tiếp tục tăng trưởng cao hơn, nhưng cũng rất đông dòng khách phi truyền thống này. Đông đúc, quá tải, bát nháo, thiếu thân thiện, thiếu tin cậy... đó là những biểu hiện đáng lo ngại cho Hội An.
Tuy vậy, Chính quyền Hội An, Quảng Nam luôn tỉnh táo, không vì lợi ích lớn về kinh tế trước mắt mà đánh mất mình. Chính vì thế, từ đầu năm 2019, chính quyền đã nỗ lực khôi phục lại những giá trị tốt đẹp của người Hội An xưa trong lối sống và cách đối nhân xử thế làm tấm gương cho con cháu ngày nay, thành phố Hội An đã xây dựng đề án “Hội An - Nhân tình thuần hậu” với 9 nội dung rất cụ thể để vận động nhân dân địa phương cùng nhau thực hiện.
Đề án được kỳ vọng sẽ khơi gợi lại những bài học quý giá về đạo đức, lối sống của các thế hệ đi trước từ đó thay đổi nhân sinh quan của thế hệ hôm nay theo hướng tích cực hơn. Hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19 tràn lan, Hội An đóng cửa với du lịch. Đây cũng là thời gian, cơ hội để người dân, chính quyền tĩnh tâm, nhìn nhận lại giá trị đích thực của mình để gìn giữ, bảo tồn và phát triển đúng hướng.
9 nội dung vận động bao gồm:
1. Ông bà, cha mẹ sống mẫu mực. Con cháu sống hiếu thảo, chăm ngoan.
2. Nhường nhịn, giúp đỡ người già, người tàn tật, phụ nữ có thai, trẻ em; thân thiện với mọi người. Thực hiện “văn hóa xếp hàng”.
3. Nhường đường, chào tiễn biệt,… khi gặp đám tang.
4. Tôn trọng các phần đường hoặc lề đường ưu tiên, khu vực dành cho người đi bộ. Hạn chế bấm còi, bật đèn chiếu xa; không rồ ga, phóng nhanh, vượt ẩu khi tham gia giao thông.
5. Không xả rác và vận động những người xung quanh không xả rác. Hạn chế tối đa sử dụng túi nilon.
6. Trang phục lịch sự, phù hợp khi buôn bán, trong các di tích và nơi công cộng.
7. Không gian lận, chèo kéo, chèn ép khách hàng. Không nói tục, chửi thề, cãi vã, gây ồn ào tại nơi ở và nơi công cộng.
8. Luôn chăm sóc và bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên.
9. Cố gắng làm nhiều việc tốt, việc có ích hằng ngày
laodong