Hội An - Nhân tình thuần hậu

Hội An - Nhân tình thuần hậu

Vẫn đằm thắm nếp sống nhân tình thuần hậu

Những câu chuyện tương thân tương ái trong đời sống của người Hội An là cách để nếp sống thuần hậu luôn “đơm hoa kết trái” ở chiều sâu tâm tưởng...

Phiên chợ 0 đồng tại Hội An. Ảnh: Q.Tuấn

Nếp ứng xử đầy đặn

Chiều cuối năm năm ấy, nhân đi đám tang một thầy giáo lão niên trong phố - trong lúc chờ các sư thầy tụng kinh buổi chiều, ngồi bên hiên nhà thầy - thấy một cụ ông chừng trên tám mươi, mặc đồ lao động ngày thường đi ngang qua nhà có đám tang, tay giở mũ, cúi đầu chào, rồi lặng lẽ đi... Ấm áp xiết bao nếp cư xử “tương kính” của người Hội An mà trong nhịp sống hiện tại nhiều người xao nhãng...

Mấy năm trước hình ảnh hai cháu bé ở Hội An trên đường đến trường gặp đám tang đã đứng lại, giở mũ, cúi đầu chào đã làm nhiều người xúc động.

Nét cư xử này hẳn là do cuộc vận động phát huy nếp sống nhân tình thuần hậu của cả cộng đồng phối hợp với gia đình và nhà trường căn dặn các em để các em có được nếp ứng xử tốt đẹp ấy - nếp ứng xử đầy đặn, chỉn chu của người sống với người đã mất.

Có lẽ chỉ có những cử chỉ ứng xử “nhân hậu” như vậy mới giữ được “phẩm chất người” trong mỗi con người. Còn nhớ đâu đó lời của một triết gia cổ đại rằng “trong các loài sinh vật chỉ có con người mới biết chôn cất và làm nghi lễ tiếc thương đồng loại”...

Thời gian dịch bệnh cao điểm, không có cảnh “phố chật người đông” nhưng phố vẫn ấm áp tình người trong gian khó. Còn nhớ những chuyến xe “tình nguyện” chở người mắc Covid đêm ngày của người thanh niên có lòng từ tâm ở Minh An, những suất cơm không đồng, phiên chợ không đồng “của ít lòng nhiều” tương trợ nhau vượt qua dịch giã, đặc biệt những chuyến bay, những đội xe đưa “đồng hương” gặp khó từ phía Nam về quê của đồng hương Hội An, Quảng Nam.

Rồi gần như cả cộng đồng chung tay góp sức cho những hộ nghèo trong dịch qua “thời-người-có-khúc” - những khúc đoạn cần sự trợ giúp của mọi người, từng hạt gạo, từng gói mì, hộp sữa, bó rau...

Những luận giải

Một người bạn Hà Nội từng hỏi người viết bài này nguyên nhân sâu xa về tính cách “nhân tình thuần hậu” của người Hội An? Vì vốn có thói quen “nói có sách...” nên người viết dẫn chứng bao nhiêu là tư liệu. Trước hết nội chuyện “lòng nhân ái” người Hội An vốn đã “tinh lọc” chữ Nhân truyền lưu từ Nho học của cha ông - hễ làm người phải biết thương người, quý trọng con người.

Còn với các tôn giáo lớn - Hội An từng là chiếc nôi của dòng Thiền Lâm Tế xứ Đàng Trong từ đầu thế kỷ 17 với tổ đình Chúc Thánh, Phước Lâm... Với Thiên Chúa giáo, cùng với Đà Nẵng, Hội An được ghi danh trong lịch sử truyền giáo Việt Nam: ngày 18.1.1615 được Tòa Thánh Vatican chọn là “ngày bắt đầu công cuộc truyền giáo vào Việt Nam”...

Trong cuốn sách “Việt Nam - thế kỷ 17 - những góc nhìn từ bên ngoài”, hãy nghe Christoforo Borri nói về người Đàng Trong, người Hội An: “Họ là những người hòa nhã và lịch sự nhất trong các nước Á Đông... khi gặp người Tây dương họ túm tụm đến hỏi chúng tôi rất nhiều điều, mời mọc ăn uống và nhanh chóng đối đãi thân tình, lịch thiệp với chúng tôi...

Bối cảnh sống dễ chịu và chan hòa tình người là căn nguyên khiến người dân nơi đây sống hòa thuận với nhau, họ đối xử qua lại thân thiết như anh em một nhà dù chưa từng gặp mặt hay quen biết trước đó và nếu như một người được hưởng một món gì đó thì dù có ít ỏi nhường nào người đó cũng đem chia cho người xung quanh, bằng không sẽ bị xem là người ti tiện...”.

Những ngày cuối năm là dịp cả cộng đồng chung tay góp sức để hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đón tết. Như việc chung tay mua và tặng quà tết, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm cây cảnh, hoa tết bằng cách tiếp tục miễn giảm lệ phí trong hội hoa xuân...

Nhiều thật nhiều những câu chuyện tương thân tương ái trong đời sống của người Hội An nhưng vốn là những người “kín tiếng” bởi quan niệm giúp người cốt ở tâm không phải kể công nên đó cũng là cách để nếp sống thuần hậu luôn “đơm hoa kết trái” ở chiều sâu tâm tưởng...

Phùng Tấn Đông- Báo Quảng Nam

Go top