Họ - một người cả đời gắn bó phố Hội, một người từ nơi khác đến gá duyên với mảnh đất này, nhưng trong sâu thẳm cõi lòng gặp nhau ở những đau đáu về một Hội An xưa hồn hậu, nơi các giá trị văn hóa, tình cảm, ứng xử giữa người với người luôn nồng ấm, thân thương.
Nếp xưa “dễ ăn khó ở”
Đã sắp bước qua tuổi 80 với gần 60 năm gắn bó cùng Hội An, cụ Võ Văn Lân (phường Sơn Phong) mặc nhiên nhận mình là người con của phố Hội, dù quê gốc ông ở Huế. Trong ký ức của ông, Hội An xưa là một mảnh đất bình yên với những con người bình dị, gần gũi, “ra đường thấy nhau từ xa đã giơ tay chào hoặc dừng lại hỏi dăm ba câu chuyện”. Sở dĩ như vậy, vì người Hội An ai cũng biết nhau, sống chan hòa đoàn kết, keo sơn gắn bó nhau trong một không gian nhỏ hẹp “thượng Chùa Cầu hạ Âm Bổn”. Còn bây giờ điều kiện kinh tế phát triển, người dân khắp nơi đổ về nhiều, những người gốc Hội An xưa nay bán nhà bán đất ra vùng ven, trong phố chỉ còn những người nơi khác ở và buôn bán kinh doanh nên ít nghĩ đến đời sống văn hóa tinh thần, con người Hội An trở nên xa cách.
Cụ Võ Văn Lân
Cụ Lân cho rằng, xã hội phát triển cũng kéo theo lối sống hiện đại với những tập tính xấu thể hiện qua ăn uống, nhậu nhẹt bia rượu bày bán tràn lan ven đường làm mất đi tính… lịch sự của phố, nên phải tổ chức sắp xếp lại cho kín đáo văn minh, tránh ảnh hưởng đến người khác. Rồi chuyện ăn uống cũng cần phải điều chỉnh. “Người nước ngoài đến đây nói rằng Hội An được mệnh danh ra thành phố sinh thái văn hóa, người Việt Nam được xem là dân tộc hiếu sinh mà đem những con heo, con gà ra quay giữa đường trông rất phản cảm. Dù đây chỉ là những việc nhỏ, nhưng nếu thay đổi được sẽ góp một phần vào việc bảo vệ khơi dậy các giá trị tốt đẹp của Hội An để nhân tình Hội An thuần hậu rồi mới nghĩ đến nhân hậu” - cụ Lân nói.
Không chỉ cụ Võ Văn Lân, mà trong tâm khảm của những vị cao niên sống ở Hội An, nét đẹp người phố Hội xưa thể hiện khá rõ qua lối sống, ứng xử hàng ngày của từng cá nhân, từng người dân, từng gia đình. Đó là truyền thống đoàn kết, keo sơn gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau, một đức tính mà không phải nơi nào cũng có được. Cụ Phan Quốc Hoành (84 tuổi, tổ 12, phường Minh An) nhìn nhận, nếp sống bây giờ chưa hẳn không tốt nhưng nếu so sánh xưa và nay thì đã khác nhau nhiều. “Không gian phố cổ Hội An trước đây chỉ gồm “thượng Chùa Cầu hạ Âm Bổn”. Chính vì phố nhỏ, con người ở với nhau phải gắn bó, giữ gìn ý tứ, nên nói Hội An dễ ăn khó ở là vậy. Dễ ăn vì hàng hóa rẻ, phong phú, còn khó ở là nếu mình có một sơ suất gì mọi người biết ngay. Do đó, sống với nhau phải đùm bọc thương yêu, dựa vào nhau mà sống, vì tiếng lành đồn xa, tiếng dữ cũng đồn xa, nên những người sống với nhau phải có một khuôn khổ, phải biết tự mình trau dồi đạo đức bản thân. Bây giờ, không gian Hội An đã rộng hơn, người cũng đông hơn, nhưng tôi tin Hội An vẫn còn lớp người xưa đang giữ gìn những đức tính, phong tục đẹp, vẫn còn mơ những điều tốt ngày xưa nên nếu các cấp chính quyền Hội An nếu khơi lại được những phong tục, tính cách tốt đẹp đó chắc chắn Hội An sẽ lại thuần hậu, đẹp đẽ như xưa” - cụ Hoành bộc bạch.
Bắt đầu từ những điều nhỏ nhất
Thay đổi nhận thức của một thế hệ hay một xã hội là điều không đơn giản. Nhưng mỗi cá nhân biết thay đổi hành vi nhỏ nhặt của mình về lâu dài sẽ góp phần làm chuyển biến nhận thức của một cộng đồng. Theo cụ Võ Văn Lân, xây dựng “Hội An nhân tình thuần hậu” nên kết hợp giữa việc điều chỉnh hành vi trong đời sống hằng ngày với biện pháp giáo dục. Trong đó, ngoài lồng ghép chương trình giảng dạy thì khuyến khích học sinh đọc sách vì muốn nâng cao dân trí, thay đổi nhân sinh không gì khác phải đọc sách. “Trước năm 1975, dù là một thị xã rất nhỏ nhưng Hội An cũng có 5 tiệm sách, ngày nghỉ Chủ nhật mọi người gặp nhau ở tiệm sách. Bây giờ tìm cả thành phố không ra tiệm sách đúng nghĩa. Những nhà sách hiện nay thực chất chủ yếu bán văn phòng phẩm, nên việc Hội An mở được Thư viện Thanh Hóa rất hay. Nhưng hiện tại phong trào đọc sách trong giới trẻ rất ít, nên chúng ta phải đưa phong trào đọc sách vào trường học. Khi đời sống tinh thần cao thì sẽ giảm bớt những tiêu cực xã hội hoặc ít ra cũng cân bằng. Tôi cảm giác hiện nay lớp trẻ có vẻ dồn công sức tiền bạc vào các quán nhậu, quán cà phê, trong khi thời giờ đó nếu dành để đọc sách sẽ tốt hơn” - cụ Lân nói.
Còn cụ Phan Quốc Hoành cho rằng, muốn xây dựng “Hội An nhân tình thuần hậu” trước mắt cần tập trung vào 2 vấn đề. Thứ nhất, phải dẹp bỏ những tiêu cực đang phát triển do ảnh hưởng của kinh tế thị trường dẫn đến một số người ham tiền, bất chấp tất cả gây tác động xấu đến những giá trị văn hóa tốt đẹp của người Hội An. Điển hình như kinh doanh chụp giựt, buôn bán hàng rong, ăn nói thô tục… Điều này chính quyền thành phố phải kiên quyết làm mạnh nhưng cũng phải biết khơi gợi được những điều tốt đẹp. Thứ hai là giáo dục, không chỉ trong nhà trường mà gia đình cũng chính là môi trường giáo dục quan trọng. Trong đó, ông bà, cha mẹ phải làm gương cho con cháu. “Đề án nhân tình thuần hậu, nghe thì có vẻ cồng kềnh nhưng thật ra chỉ cần khơi dậy được những hiểu biết, phong tục hay của người Hội An xưa, những điều tốt đẹp nhất của cha ông để lại, triệt tiêu những cái xấu, thay đổi nhận thức thông qua giáo dục trong trường học và gia đình. Nếu chính quyền và nhân dân có sự đồng thuận trong việc khơi gợi những nét đẹp xưa thì đề án sẽ thành công. Do vậy phải có sự cùng vào cuộc của các cấp ngành, chứ không riêng gì ngành văn hóa. Ví dụ như ngành giáo dục phải nói lên nét văn hóa đẹp của Hội An, của con người Hội An cho học sinh hiểu biết, nên tất cả phải đồng bộ. Khi mọi người đồng lòng, tôi nghĩ đề án này chắc chắn sẽ thành công. Vì một lẽ, số người ở Hội An còn yêu mến, giữ được nếp xưa phố cổ vẫn nhiều lắm” - cụ Hoành chia sẻ.
Vĩnh Lộc