Giới thiệu

Giới thiệu

quote

Nằm ở miền Trung Việt Nam, tọa lạc bên dòng sông Hoài thơ mộng. Hội An được biết đến là đô thị cổ được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới vào ngày 4/12/1999. Hiện nay Hội An là một trong những điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách toàn cầu.

Ngược dòng lịch sử, từ những bước chân đầu tiên con người có mặt trên mảnh đất này cho đến bây giờ. Vùng đất nhỏ vẫn luôn mang theo ước mơ và khát vọng của những con người khai hoang mở cõi; những người mang trong mình khát khao tự do, ý chí vươn lên và tư duy đầy sáng tạo để tồn tại, phát triển.

Vị trí địa lý của Hội An được xem là nơi “hội thủy” bởi một mặt tiếp giáp với biển Đông - tuyến hàng hải nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Vùng biển này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thương mại hàng hải toàn cầu và là nơi hợp lưu các dòng chảy lớn của xứ Quảng trước khi đổ ra biển lớn. Đây là một trong những yếu tố chính giúp đưa Hội An trở thành thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực Đông Nam Á ở thế kỷ 16, 17.

Những thương thuyền từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan, Bồ Đào Nha, … tấp nập đến Hội An để giao thương. Có người còn gắn bó lâu dài làm hình thành nên các cộng đồng dân cư và lưu lại trên mảnh đất này những di sản về lịch sử, kiến trúc, văn hóa, sinh hoạt tín ngưỡng, … Trong quá trình cộng cư ấy, trải qua bao thế hệ sinh ra, lớn lên rồi già đi, quá trình giao lưu, tiếp biến với nhiều nền văn minh lớn trên thế giới. Từ đó những “mạch nguồn văn hóa và sáng tạo” vẫn không ngừng được nuôi dưỡng, bồi đắp và lan tỏa đến từng cá thể cư dân nơi đây, tạo nên một “chất Hội An” riêng biệt.

Từ các yếu tố “thiên thời, địa lợi”, người Hội An lại càng nỗ lực lao động để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của bản thân và không ngừng phát huy khả năng tư duy, sáng tạo trong mọi lĩnh vực của đời sống như: văn nghệ, ẩm thực, xây dựng, sản xuất, nghệ thuật, … Trong đó, hai lĩnh vực được đầu tư hàm lượng sáng tạo và phát triển mạnh mẽ ở Hội An chính là văn nghệ dân gian và nghề thủ công truyền thống.

Các nghề và làng nghề được hình thành gắn với những điều kiện tự nhiên và xã hội của địa phương có thể kể đến như: làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, nghề làm tranh, tre Cẩm Thanh, … Các sản phẩm từ làng nghề Hội An được chế tác tỉ mỉ qua bàn tay các nghệ nhân, thợ thủ công tài hoa, sáng tạo đã theo các thương thuyền tỏa đi khắp các nơi, phục vụ đời sống của cộng đồng và mang lại tiếng vang cho mảnh đất này.

Sau những giờ phút lao động hăng say, cộng đồng cư dân Hội An lại sáng tác ra các câu hò khoan đối đáp, các làn điệu dân ca, hay những điệu vè, lý, … vừa mang tính giải trí sau những buổi lao động vất vả; vừa giao lưu, bồi đắp thêm tình cảm và còn làm giàu thêm cả một đời sống văn hóa, tinh thần của người dân bản địa. Ngày nay, lĩnh vực văn nghệ dân gian của Hội An với các loại hình như Hô hát Bài chòi, Bả trạo, Hát bội, … được đưa vào hoạt động du lịch đã mang lại nhiều trải nghiệm mới lạ cho du khách đến tham quan Hội An và còn được mang đi lưu diễn ở nhiều quốc gia trên thế giới.        

Trước những đổi thay, Hội An từ thành phố di sản hướng đến mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo. Chính quyền và nhân dân Hội An có sự thích ứng linh hoạt khi vừa tìm cách bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, vừa phát triển sức mạnh nội tại, tư duy sáng tạo để các yếu tố nội sinh và ngoại sinh được cộng hưởng, mang đến những giá trị vững bền cho nhân dân bản địa và du khách đến tham quan Hội An.

Diện tích (km2)
61.71
Diện tích (km2)
Dân số ( người )
99.531
Dân số ( người )
GRDP ( triệu Đồng )
62.4
GRDP ( triệu Đồng )
Lượt khách du lịch
26.040.544
Lượt khách du lịch

Vị trí địa lý

Thành phố Hội An nằm ở vùng hạ lưu ngã 3 sông Thu Bồn thuộc vùng đồng bằng ven biển Tỉnh Quảng Nam, cách Thành phố Ðà Nẵng về phía Nam 28 km.

Toạ độ địa lý

Vĩ độ Bắc: 15015'26" đến 15055'15"

Kinh độ Ðông: 108017'08" đến 108023'10"

- Phía Ðông giáp biển Ðông

- Phía Nam giáp Huyện Duy Xuyên

- Phía Tây và Bắc giáp Huyện Ðiện Bàn

Vị trí địa lý

Khí hậu & Tài nguyên

Khí hậu:

- Nhiệt độ trung bình năm: 25o - 30C

- Ðộ ẩm không khí trung bình năm: 82%

- Lượng mưa trung bình năm: 2.066 mm

Tài nguyên thiên niên nổi bật:

Nguồn tài nguyên thiên nhiên của Hội An khá phong phú bao gồm cả sông, biển, núi, cung cấp thủy hải sản, khoáng sản. Khoảng 35% diện tích đất thành phố sử dụng cho nông, lâm, ngư nghiệp và mặt nước chiếm khoảng 23%. Cù Lao Chàm - Hội An được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào ngày 26/5/2009 với vùng lõi (8 hòn đảo và vùng biển quanh đảo), vùng đệm (vùng biển tiếp giáp vùng lõi, vùng dừa nước và ngập mặn), vùng chuyển tiếp (Khu phố cổ Hội An). Cù Lao Chàm - Hội An không chỉ khẳng định được những ưu trội về môi trường sinh thái mà còn là điển hình về sự kết nối giữa Di sản văn hóa thế giới với Sinh quyển thế giới.

Hội An là thành phố cửa sông - ven biển, có không gian khá thoáng, diện tích vùng nông thôn còn khá lớn. Hệ thống thủy vực gồm các nhánh sông (sông Đế Võng, sông Đò, sông Hoài, sông Thu Bồn...) chảy dọc thành phố cùng hệ thống mương, lạch, đầm, hồ, bàu dày đặc, làm cho Hội An thừa hưởng một hệ thống các hệ sinh thái có mức độ đa dạng sinh học cao.

Khí hậu & Tài nguyên
Go top