Ai xa quê ắt lâu lâu vẫn thao thức trong mình một câu ca dao không biết xuất hiện từ bao giờ: “Hội An đất chật người đông, Nhân tình thuần hậu lá bông đủ màu”. Câu lục, Hội An là danh từ, tên chỉ địa phương, đồng thời hé mở ý niệm "Đất", một thuật ngữ chỉ các vật chất có trên đó, là một thực thể tự nhiên với những quá trình phức tạp và đa dạng diễn ra trong nó, đất là không gian, là diện tích cụ thể, là nơi cư trú của cộng đồng.
Từ "Chật" gợi nét hình dung thể tích chật, diện tích đầy, ở đó có người sống đông đúc nên dẫu đất có rộng vẫn chật, tạo cảm giác chật chội, "đất chật người đông". Chỉ một nét phác thảo đơn sơ về một Hội An nhỏ bé. Vế sau miêu tả thêm để chuyển sang trạng thái khác "người đông". Đây là nơi nhỏ bé, chật chội nhưng lại có hấp lực lớn, là nơi hội tụ những điều an lành nên thu hút nhiều người từ mọi nơi xa dồn đến. Vậy là 2 thái cực đã rõ: đất chật nhưng người đông. Câu lục nêu vấn đề, để làm nền cho những lý giải phía sau. Câu bát kế sau đó khắc họa sâu hơn hình ảnh một Hội An với con người và cảnh vật. Câu ca khéo léo khai thác chiều sâu của tình người dưới góc độ "Nhân tình". Việc đảo ngữ "Nhân tình" để nhấn nhá sâu hơn về tình người. Khi nói nhân tình sẽ nghĩ ngay đến thành ngữ "nhân tình-thế thái" tức phản ánh tình trạng hay cái tình người trong môi trường sống, bối cảnh sống, hiện trạng xã hội, đất nước. "Nhân tình" trong trường hợp này là nói đến thái độ ứng xử, tấm lòng, tình cảm của người Hội An.
Những nội dung đó sẽ được bộc lộ qua khuôn mặt, thái độ, cách xã giao, tiếp xúc, đối đãi với nhau trong cuộc sống đời thường. Con người Phố Hội đã dần hiện lên cùng phẩm chất tuyệt vời của mình. Hai từ "Thuần hậu" để khắc họa sâu hơn nét thuần khiết được chắt lọc từ lịch sử văn hóa Hội An. Nhìn cách ứng xử của họ là thấy ngay nét tinh tế, sâu lắng, nhân hậu, thủy chung, dễ gần, dễ mến.
Chính vì thế, khi khách đến Phố Hội, Chùa Cầu thì người Phố Hội đã sẵn mức độ tình cảm sâu đậm "... Để sầu cho khách vãng lai, Để thương để nhớ cho ai chịu sầu". Đến Hội An là đến với nhân tình thuần hậu đầy sự cảm thông gắn bó, dung dị mà đầm ấm, giản đơn mà tha thiết thân quen đến khó quên. Nguyên cớ chính bởi họ luôn luôn quan niệm "Ra ngõ vừa gặp bạn hiền, Cũng bằng ăn quả đào tiên trên trời". Khách đến Hội An đều là bạn nên đều cùng cung bậc mừng vui may mắn đáng trân trọng. Ngược lại, chính người Hội An có cách "đối nhân xử thế" thì khách mới có cảm giác phố vui, người đẹp nhưng đặc biệt hơn vẫn là nghĩa, là tình “Ra về vẫn nhớ Hội An, Phố vui, người đẹp chứa chan nghĩa tình”. Cũng cung bậc như vậy, nghĩa trước tình sau, nghĩa đậm đà để cho tình sâu sắc.
Người Hội An hãnh diện về vùng đất, về con người của mình, ngẩng cao đầu bản lãnh và sẵn sàng đối sánh với các địa phương khác trong tư thái tự hào về quê hương thanh cảnh, yên bình, sôi động ngựa xe “Cây đa mô cao bằng cây đa Bàn Lãnh, Đất mô thanh cảnh cho bằng đất Hội An, Chỗ mô vui cho bằng chỗ Phố, chỗ Hàn, Dưới sông tàu chạy trên đàng ngựa với xe”. Hình ảnh về Hội An được vẽ lên đầy quyến rũ nao nức lòng người. Trước hết Hội An vẫn là đô thị - thương cảng tụ hội hàng hóa, đầy ắp các hoạt động kinh tế của một trung tâm thương mại mậu dịch quốc tế nên mới có cảnh thuyền buôn, thuyền bán “Hội An là chốn hữu tình, Thuyền buôn thuyền bán dập dình bến sông”.
Ở thế kỷ XVIII, trong Phủ biên tạp lục, nhà bác học Lê Quý Đôn miêu tả: "Thuyền từ Sơn Nam về chỉ mua được một thứ củ nâu, từ Thuận Hóa về cũng chỉ mua được một thứ hồ tiêu còn từ Quảng Nam (tức Hội An) về thì hàng hóa không thứ gì không có. Phàm hóa vật sản xuất ở các Phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Bình Khang và Dinh Nha Trang, đường bộ, đường thủy, đi ngựa đếu hội tập ở phố Hội An. Trước đây hàng hóa nhiều lắm, dù một trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được (theo tư liệu của các nhà nghiên cứu Nhật Bản, tàu Nhật Bản, Trung Hoa ở thời kỳ này đều có sức chứa từ 600 đến 800 tấn). Sức hút lớn nhất của Hội An bên cạnh sự tụ hội hàng hóa của cả vùng, vẫn còn yếu tố khác chi phối “Hội An trăm vật trăm ngon, Người thanh, cảnh lịch tiếng đồn chẳng sai”. Yếu tố con người nổi lên quyết định cho hấp lực của Hội An.
Ở các địa phương khác, chỉ thấy nhắc đến con người thanh lịch, do những yếu tố riêng của họ, còn ở Hội An thanh lịch được tách ra, người thanh là người mang phong cách làm chủ bề thế, đàng hoàng có cách xã giao thân thiện dễ gần nhưng ẩn trong đó là sự cao sang của bề dày văn hóa. Cảnh lịch là phản ánh đến môi trường sống, môi trường xã hội không ồn ào xô bồ, đảm bảo an ninh trật tự. Nói như ngôn từ ngày nay là "nơi đáng sống", yên tâm làm ăn, tin tưởng gửi gắm cuộc sống của mình trong quan hệ đời thường. Người thanh cảnh lịch trở thành khái niệm nhân sinh trên nền tảng truyền thống văn hóa có lớp lang, có trật tự cho một cộng đồng yên tâm sống, lao động xây dựng quê hương. Có cảnh lịch bởi khi có người thanh và người Hội An cần hiểu là tập hợp thể các dân cư từ nhiều nguồn, nhiều nơi cùng hội tụ, trong môi trường cảnh lịch tất yếu lại được Hội An hóa, gắn bó với nhau cùng trách nhiệm thành người Hội An, vì Hội An.
Chính những yếu tố này đã tạo nên một phong cách sống rất Hội An, rất riêng không dễ gặp ở những nơi khác, đó là một “Hội An đất chật người đông, Nhân tình thuần hậu lá bông đủ màu". Lá bông đủ màu để khẳng định mức độ hội tụ hàng hóa nhiều sắc màu, phong phú nhiều chủng loại, là cách giới thiệu khéo léo nhưng rất khái quát về một trung tâm Đô thị - Thương mại có tính quốc tế, tương tự như câu “Hàng bánh hàng trái là hàng bà già, Hàng bông hàng hoa là hàng Nhật Bản”. Như vậy bằng câu tám đã khóa lại một định nghĩa Hội An: Con người có nhân tình thuần hậu, hàng hóa dồi dào như lá bông đủ màu.
Thấm thía những biến động về quan hệ tình người, những nguy cơ mai một truyền thống văn hóa, UBND thành phố đã giao cho Trung tâm Văn hóa Thể thao làm đơn vị xung kích chủ trì lập và phối hợp với 2 phường Minh An, Cẩm Phô và các ban ngành liên quan triển khai “Đề án Hội An-Nhân tình thuần hậu”. Mục đích chính của Đề án là tạo xung lực cần thiết để bảo tồn, khôi phục lại nếp sống, lối sống tốt đẹp của người dân trong phố cổ từ giao tiếp đến ứng xử, sinh hoạt đời thường, góp phần xây dựng Hội An - Thành phố Sinh thái, Văn hóa, Du lịch. Tập trung xây dựng các hành vi, các phát ngôn ứng xử văn hóa - văn minh và chống các hành vi thiếu văn hoá, vi phạm nếp sống văn hóa - văn minh đô thị, xa rời truyền thống thuần phong, mỹ tục giữa cộng đồng dân cư với nhau, với khách du lịch. Góp phần giáo dục thế hệ trẻ có thái độ tốt trong giao tiếp - ứng xử với con người, với môi trường.
Tạo cho Hội An một sức quyến rũ mới bằng cách phục hồi những giá trị văn hóa truyền thống và từng bước trả lại tính chân xác trên lĩnh vực Văn hóa Phi Vật thể cho Khu Phố cổ, đồng thời Đề án không chỉ nhằm tăng tính hấp dẫn cho văn hóa, du lịch Hội An mà còn tạo được môi trường sống đầy thân thiện đáng sống, đáng tự hào, hãnh diện và đáng gần gũi gắn bó giữa con người với con người, đảm bảo thiết lập, duy trì môi trường an ninh, trật tự thật trong lành với các quy định và biện pháp quản lý chặt chẽ. Qua đây nhằm đáp ứng được những mong muốn của những người thực sự có tâm huyết đối với việc gìn giữ, bảo tồn “cái hồn” của Khu Phố cổ. Sau triển khai, từ kinh nghiệm thực tiễn sẽ tổng kết Đề án để nhân rộng ra các địa bàn khác ở các phường của Thành phố.
Người Hội An vốn đã mang trong mình truyền thống tốt đẹp nên một khi tạo điều kiện, tạo không khí, môi trường phù hợp sẽ đủ năng lực để đáp ứng tốt các yêu cầu, nội dung Đề án. Vì một lẽ khác nữa là quá trình tổ chức các hoạt động bảo tồn Văn hóa Vật thể và Phi vật thể lâu nay đã giúp Hội An đủ kinh nghiệm để thực hiện Đề án, nhân dân sống trên địa bàn Phố cổ đã có nhận thức tốt về chung tay bảo tồn di sản, đặc biệt trước các hoạt động và sự kiện văn hóa. Qua tiếp xúc du lịch, nhiều nhân sĩ, các nhà nghiên cứu văn hóa, du lịch đều chung ý kiến mong chờ, kỳ vọng về Hội An sẽ có biện pháp khơi gợi lại truyền thống ứng xử Văn hóa truyền thống từ xa xưa đã làm nên tính cách văn hóa riêng của người Hội An. Bên cạnh đó, phải kể đến đã và đang có ở Hội An đội ngũ chuyên môn hoạt động văn hóa, du lịch nhiều kinh nghiệm, năng động, nhiệt tình, giàu tâm huyết và sáng tạo, sẵn sàng vì một Hội An Di sản đẹp và uy tín hơn trong lòng bè bạn. Khi mọi người đều cùng tâm thức “Vì một Hội An Nhân tình Thuần hậu”, chắc chắn sẽ làm nên một sản phẩm du lịch nhiều giá trị văn hóa, sâu nặng tình người và tác động đa chiều không chỉ cho người Hội An mà còn cho và với cả du khách.
Tết Bính Thân về khơi gợi trong lòng người biết bao háo hức trong tâm can về một nơi “đáng sống”, “đáng yêu” và để cùng thao thức mãi về ý nghĩa chữ Hội An, nơi hội tụ những điều an lành, hạnh phúc, thuần hậu, ân tình.
Tác giả: Nguyễn Đức Minh
Nguồn tin: nghiencuuxuquang.com