Hội An - Nhân tình thuần hậu

Hội An - Nhân tình thuần hậu

Giữ gìn di sản từ nếp sống

Việc đặt vấn đề con người Hội An trong bảo tồn di sản bắt đầu từ văn hóa ứng xử, nếp sống là vấn đề có tính lâu dài và bền vững cho di sản Hội An.


Thay đổi…


Năm 2009, khi thực hiện một khảo sát ngẫu nhiên 45 di tích trong khu phố cổ về tình trạng sử dụng sau tu bổ, Trung Tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, 24 di tích chưa đạt yêu cầu về mục đích sử dụng, chiếm 53%. Việc sử dụng không gian bên trong của các di tích, ngôi nhà cổ đã thay đổi hẳn. Hầu hết đều được tận dụng để kinh doanh, buôn bán, không còn là nơi để thời tự, ở hoặc sinh hoạt gia đình như trước.

83 ngôi nhà cổ đã chuyển nhượng, 181 ngôi nhà khác trong khu phố cổ đã cho thuê chỉ sau 10 năm Đô thị cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới. Điều đó đồng nghĩa với việc đã có 264 chủ nhà – chủ di tích, tương đương với 3.000 cư dân phố cổ đã phải rời khỏi nhà của mình vì đã bán hoặc cho người khác thuê chỉ để kinh doanh.


Là một người Hội An, nhà nhiếp ảnh Vĩnh Tân, chi sẻ: “Hội An hiếu khách, tình người rất là trong mà bây giờ đã phai mờ. Người ở nơi khác tới họ chưa biết phong tục ở đây đâu nên tôi thấy có mất mát đi nhiều. Bây giờ con cháu làm ăn khá hơn ông bà ngày xưa nhưng cũng mong con cháu biết gìn giữ phần nào gia phong và nếp sống cổ xưa của người Hội An”.


Từ xưa đến nay, hình thức cư trú nguyên gốc của cư dân Hội An trong các ngôi nhà cổ là vừa cư trú vừa buôn bán. Tuy nhiên, hiện có hàng chục ngôi nhà hoạt động kinh doanh nhưng không có người cư trú, điều mà trước đây hoàn toàn không có. Hàng chục ngôi nhà khác cũng đã cho người nước ngoài hoặc người khác địa phương thuê để buôn bán. Thêm vào đó, do nhu cầu mở rộng diện tích kinh doanh, tăng không gian cho trưng bày hàng hoá, nhiều ngôi nhà cổ đã bị tháo dỡ vách ngăn, không gian thờ tự, khiến cho bố cục không gian nhà truyền thống bị thay đổi.


Ông Nguyễn Sự – Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho rằng, khi được công nhận di sản thì kinh tế Hội An phát triển, đời sống nhân dân khá lên, nhưng tất cả chỉ tập trung vào phố cổ thì sự tĩnh lặng của Hội An sẽ mất đi. Nếu Hội An nhốn nháo, ồn ào, xô bồ như những thành phố khác thì chúng ta thua ngay từ đầu. Vì lẽ đó, việc đặt vấn đề con người Hội An trong bảo tồn di sản bắt đầu từ văn hóa ứng xử, nếp sống hay nói cách khác từ “nếp ăn, nếp ở” là vấn đề số một. “Phố có thể còn đó, nhà cổ còn đó, con đường, hội quán, đình chùa có thể còn đó nhưng mà nếp sống bị phai nhạt, thậm chí bị thay đổi thì như vậy cái Hội An hiền hòa, Hội An chậm rãi, yên tĩnh, Hội An hiếu khách, lịch sự không khéo trở thành ký ức. Mà khi trở thành ký ức thì ngồi nhớ và tiếc thôi !” – Ông Nguyễn Sự, nói.

Khuyến cáo lâu dài…


Năm 2011, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản – JICA đã đưa ra nhận định, thành quả lớn nhất của công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản tại Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An là nhận thức của người dân, đặc biệt là các chủ di tích ngày càng được nâng cao. Trước đó, cơ quan này cũng đã từng khuyến cáo sẽ hỗ trợ kinh phí để trùng tu di tích tại Hội An, thậm chí đến 100% tổng giá trị công trình chỉ với một điều kiện, đó là chủ di tích phải ở trong ngôi nhà của mình và không được bán cho ai.


“JICA hy vọng thời gian tới, di tích Chùa Cầu sẽ được tu bổ thành công. Trong quá trình trùng tu, các bên liên quan không chỉ chú trọng đến các yếu tố kiến trúc mà còn quan tâm đặc biệt đến các giá trị văn hóa của di tích” – Ông Ihara Hidenori – Phó Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam, chia sẻ.

Từ chuyện này có thể hiểu, phải giữ gìn các dấu vết kiến trúc bên cạnh giềng mối sinh hoạt, nếp sống thường nhật mới có thể giữ lại phần “hồn” của cả một quần thể di sản vốn đã được cộng đồng quốc tế công nhận bởi “những giá trị không trùng lặp” của nó.


Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Chí Trung – Chủ tịch Hội Khoa học – Lịch sử TP. Hội An, giá trị nổi bật toàn cầu của Hội An là giá trị văn hóa phi vật thể, hay nói cách khác là “bảo tàng sống”, con người vẫn sống cuộc sống đời thường trong lòng phố cổ. Nhưng với sự thay đổi như hiện nay, tất nhiên nó ảnh hưởng rất lớn.


Nhà nghiên cứu Nguyễn Chí Trung, nói: “Khi con người thay đổi thì văn hóa phi vật thể bao gồm sinh hoạt, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, nếp gia phong, tình làng nghĩa xóm cũng bị thay đổi, mất đi nhiều. Chắc chắn, chính quyền và các ngành chuyên môn phải đặt vấn đề này trong tương lai để phát triển bền vững, mới có thể giữ được Hội An thực sự là di sản sống của di sản thế giới.”


Như vậy, với mục tiêu vừa bảo tồn một cách tốt nhất những di sản của cha ông để lại, vừa phải đáp ứng tối ưu những nhu cầu của cư dân đương đại, việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và có cách thức phù hợp là quan trọng hàng đầu. Vì thế, giữ gìn, bảo lưu và phát huy các giá trị văn hóa ứng xử của cộng đồng là thách thức vô cùng lớn nhưng cũng chính là hướng bảo tồn mang tính lâu dài và bền vững cho di sản Hội An./.

Bài và ảnh: Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An

Go top