Hội An là nơi ghi dấu ấn mối quan hệ ngoại giao và hợp tác, hữu nghị giữa 2 đất nước, 2 dân tộc Việt Nam và Nhật Bản. Mối quan hệ tốt đẹp đó đã có từ lâu đời và đang tiếp tục được vun đắp, thúc đẩy trong thời hội nhập và phát triển mới.
Dự án Tu bổ di tích Chùa Cầu, còn có tên gọi là cầu Nhật Bản (nghĩa là cầu của người Nhật Bản), hay Lai Viễn Kiều do Chúa Nguyễn Phúc Chu đặt năm 1719 (tức là cầu của người phương xa đến) đã được TP.Hội An khởi công vào cuối năm 2022 và được triển khai thực hiện từng bước hết sức thận trọng, kỹ lưỡng với tinh thần trách nhiệm cao, đảm bảo tính chân xác và khoa học cao của các đơn vị liên quan, sẽ được khánh thành vào chiều ngày 3/8/2024 tới đây.
Di tích cầu Nhật Bản đã trở thành biểu tượng ở Hội An
*Hợp tác hỗ trợ:
Quá trình triền khai dự án đã nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ quý báu của các cấp thẩm quyền ở Trung ương, ở Tỉnh cùng sự chung tay góp sức của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước, cũng như các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân địa phương. Bên cạnh đó, dự án đã nhận được sự tài trợ quý giá về kinh phí để nghiên cứu từ Quỹ Sumitomo và hỗ trợ chuyên gia tư vấn từ Tổ chức JICA Nhật Bản. Ông Shimizu Akira – Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam nói: “Chúng tôi hy vọng, Chùa Cầu – biểu tượng của lịch sử giao lưu Việt – Nhật, được tu bổ thành công là bước ngoặt lớn, giúp thu hút thêm nhiều khách du lịch hơn, và công trình này sẽ trở thành cầu nối thúc đẩy hơn nữa giao lưu giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản nói chung, và giữa TP.Hội An và Nhật Bản nói riêng”.
Ông Shimizu Akira – Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho biết thêm, hơn 20 năm qua, JICA đã và đang tích cực hỗ trợ một cách liên tục và đa dạng đối với việc bảo tồn phố cổ Hội An. Trước khi Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới vào năm 1999, JICA đã phái cử 5 chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật về bảo tồn và tu bổ công trình kiến trúc truyền thống; và từ năm 2003 đã phái cử 11 tình nguyện viên Nhật Bản tới làm việc tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An. Kết quả của sự hợp tác lâu dài này là việc tu bổ các công trình kiến trúc truyền thống và bảo tồn toàn bộ các dãy phố của khu vực phố cổ đều đã được tiến hành một cách thuận lợi. Ngoài ra, JICA đã thực hiện dự án viện trợ không hoàn lại nhằm cải thiện chất lượng nước và môi trường vệ sinh tại khu vực Chùa Cầu, nỗ lực hỗ trợ một cách toàn diện nhằm bảo vệ môi trường khu vực này.
Có thể nói, mối giao lưu hợp tác giữa Hội An – Nhật Bản là mối quan hệ hữu nghị truyền thống có từ lâu đời. Từ năm 2003 đến nay, trừ 2 năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19, Hội An tổ chức được 20 lần sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản”. Đây là hoạt động do UBND thành phố phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội và các tổ chức, địa phương của Nhật Bản tổ chức, trở thành một điểm hẹn văn hóa ấn tượng, nhận được sự hưởng ứng và tham gia của đông đảo người dân và du khách khi đến với Hội An.
*Giao lưu văn hóa:
Bên cạnh đó, cũng hiếm có nơi nào trong nước tổ chức và duy trì thường xuyên hoạt động của Không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản như ở Hội An. Toàn bộ Không gian được tái hiện trên tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai và khu vực xung quanh Chùa Cầu (đoạn đường, mặt sông từ ngã ba đường Bạch Đằng – Châu Thượng Văn). Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND thành phố cho biết, vào tháng 11 năm 2017, trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC tại Việt Nam, Không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản đã được khai trương, góp phần thúc đẩy hoạt động giao lưu văn hóa và mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam và các tổ chức, địa phương của Nhật Bản nói riêng, giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam – Nhật Bản nói chung. “Từ đó đến nay, Không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản được duy trì và phát huy với nhiều hoạt động thú vị, đặc sắc, thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm mỗi năm”, ông Sơn nói.
Điểm nhấn nổi bật của Không gian là cổng chào, biểu tượng và mô hình Châu Ấn thuyền do thành phố Nagasaki – Nhật Bản tặng. Đây là mô hình con thuyền mà thời trung đại (thế kỷ 16 – 17) các thương nhân Nagasaki (Nhật Bản) dùng để qua lại, giao thương tại thương cảng Hội An. Đây cũng là con thuyền đã đưa Công nữ Ngọc Hoa – con gái của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên theo chồng là thương nhân Araki Sotaro về Nagasaki vào năm 1619 (cách đây hơn 400 năm). Tên Nhật của bà là Wakaku (Vương Gia Cửu), tên thân mật là Anio-san. Bà tạ thế ở Nagasaki năm 1645, được thờ tại đền Daionji ở Nagasaki. Ngài Watanabe Shige – Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam xác định, Hội An là địa điểm ghi dấu mối giao lưu giữa lãnh đạo cấp cao Nhật Bản và Việt Nam nhưng không chỉ dừng lại ở đó… “Dù đã trải qua hơn 400 năm nhưng đến nay, câu chuyện về Araki Sotaro, thương nhân tiến hành giao thương bằng Châu Ấn thuyền vào thế kỷ 17 và công nữ Ngọc Hoa thời Chúa Nguyễn vẫn được nhắc tới trong “Sự kiện Giao lưu Văn hóa Hội An– Nhật Bản” và trong một phân cảnh của Lễ hội “Nagasaki Kunchi” được tái hiện 7 năm 1 lần”, Ngài Watanabe cho biết.
Trải dài trong Không gian từ lúc khai trương đến nay thường xuyên diễn ra nhiều hoạt động như: trình diễn trà đạo Nhật Bản, trà xanh Matcha Nhật Bản; trưng bày bonsai Nhật Bản và Việt Nam; giới thiệu sản phẩm mỹ nghệ Việt Nam, Nhật Bản; giới thiệu ẩm thực Hội An, Nhật Bản; biểu diễn trang phục với chủ đề “Ký ức thời gian”; trình diễn thư pháp; trình tấu nhạc cụ dân tộc 2 nước… Ngoài ra còn có các hoạt động trò chơi trẻ em Nhật Bản, Việt Nam, gấp giấy Origami…
Cũng trong khoảng thời gian đó, cùng với những nỗ lực tổ chức hoạt động của chính quyền và nhân dân thành phố, “Không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản” tại Hội An đã nhận được sự hỗ trợ, đóng góp thiết thực của nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp… phía Nhật Bản. Tỉnh Nagasaki sau khi tặng Châu Ấn thuyền đã hỗ trợ chi phí để đưa nhân lực sang Nhật đào tạo bảo dưỡng thuyền. Công ty Takara đã tài trợ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho hoạt động trưng bày, trang phục Nhật Bản (áo Yukata, guốc, trâm cài…), đưa nghệ nhân sang đào tạo cho nhân viên và cộng tác viên Văn phòng Hướng dẫn tham quan Hội An về chế trà đạo, gấp giấy Origami Nhật Bản, tặng tranh cổ, tặng lồng đèn Nhật Bản để trang trí… với tổng giá trị khoảng 500 triệu đồng. Công ty thời trang May – Nohashi tài trợ vải Nhật để may trang phục cổ truyền Việt Nam, tài trợ đèn lồng, tặng “Tủ sách Nhật Chiêu” trị giá khoảng 50 triệu đồng. Thành phố Nihonbashi và Nishhijin Kyoto tặng hàng lưu niệm gồm: đèn lồng, tranh Phù thế Ukiyoe, Kimono, Obi, vải gói đồ truyền thống của Nhật Furoshiki, túi tiền và tấm lót chén đĩa. Thành phố Sakai cũng tặng nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống Nhật Bản…
Trong không gian này, tháng 8/2022 nhân những ngày “Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản”, TP.Hội An đã chính thức khai trương Nhà trưng bày văn hóa Nhật Bản tại số nhà số 6 đường Nguyễn Thị Minh Khai. Đây là một trong những ngôi nhà cổ đẹp nhất của quần thể kiến trúc khu phố cổ Hội An. Nơi này trưng bày và giới thiệu về lịch sử, văn hóa – du lịch, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của các địa phương Nhật Bản có mối quan hệ giao lưu mật thiết với tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An như: tỉnh Nagasaki, thành phố Sakai, thành phố Matsusaka…; tổ chức không gian trình diễn, trải nghiệm các sinh hoạt, sản phẩm văn hóa đặc sắc của Nhật Bản như: trà đạo, gấp giấy Origami, truyện tranh Nhật Bản, làm búp bê thời tiết Nhật Bản…, đặc biệt trưng bày các tranh ảnh, hiện vật liên quan đến Ngài Sugi Ryotaro – Nguyên Đại sứ đặc biệt Việt Nam – Nhật Bản, người đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc kết nối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong những năm qua. Bà Trương thị Ngọc Cẩm – Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH Hội An nói: “Không gian này là một sản phẩm du lịch mới, một địa chỉ văn hóa giới thiệu đến bạn bè và du khách những giá trị văn hóa của xứ sở Mặt trời mọc cũng như nét đẹp văn hóa của Hội An. Từ khi đưa vào tuyến tham quan du lịch Hội An, nơi đây trở thành địa chỉ thật sự ấn tượng và có chiều sâu khi khách đến với Hội An”.
Đỗ Huấn