Nghề thủ công

Nghề thủ công

Ước vọng sống với nghề mộc đóng thuyền truyền thống

Với tâm nguyện bảo tồn giữ gìn nghề truyền thống, sau khi đi bộ đội về, anh Nguyễn Mạnh Tây (ở thôn Đông Hà, xã Cẩm Kim) đã cùng cha mình gầy dựng một địa điểm để làm nghề đóng thuyền. Gia đình anh đang mong muốn trở thành một điểm đến gắn liền với ở đồng ruộng, làng quê, làng nghề của Cẩm Kim để du khách biết về một nghề nghiệp từng nổi tiếng trong quá khứ ở Hội An, vẫn còn tồn tại và được phát huy trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi Hội An gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu, trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.

Anh Nguyễn Mạnh Tây (áo xanh) với nghề đóng thuyền của gia đình

 

Trong một ngày mưa lạnh vừa đây, có dịp về thôn Đông Hà, xã Cẩm Kim, đi đến cuối làng, chúng tôi nghe thấy văng vẳng âm thanh của những nhát đục đẽo phát ra từ phía những người thợ mộc đang làm việc miệt mài bên những chiếc thuyền gỗ, ở phía sát dòng sông Thu Bồn. Đi một quãng, thật bất ngờ khi xuất hiện một khu vực được thiết kế để làm một điểm bảo tồn nghề mộc đóng thuyền. Hỏi ra mới biết, khu vực này do cha con ông Nguyễn Mạnh Thấn, một truyền nhân của nghề đóng thuyền ở làng mộc Kim Bồng hình thành nên từ vài năm nay.

Trước kia, khu vực này là bãi đất của gia đình ông Thấn nhưng sau thời gian không canh tác đã trở thành bãi cỏ cây, rác thải. Anh Nguyễn Mạnh Tây, người con trai của ông Thấn sau khi đi nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, biết rõ lòng cha đau đáu mong muốn giữ gìn nghề đóng thuyền, đã bàn với cha, vay vốn về cải tạo thành nơi để cha con anh đóng thuyền, có thể sau này gắn kết với du lịch. Vậy là ông Nguyễn Mạnh Thấn và Nguyễn Mạnh Tây đã phát dọn, san lấp mặt bằng, trồng một số cây như dừa, hoa, dựng những căn lều tre dừa, sắp đặt những mẫu thuyền, mẫu ghe bầu và trang trí khung cảnh xung quanh như ý tưởng của cha con ông. Dưới rặng tre xanh mát, bên bờ sông Thu Bồn yên ả, lẫn khuất trong rặng dừa nước, điểm bảo tồn tiếp giáp với cánh đồng trồng lúa nước của xã Cẩm Kim trở nên thanh tĩnh, yên bình, phù hợp với cảnh quan chung của làng quê sinh thái Cẩm Kim.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Thấn, nghề đóng thuyền rớ gắn liền với nghề đóng ghe bầu ở Cẩm Kim là do các bậc tiền nhân từ vùng đất Thanh Nghệ Tĩnh di chuyển vào Hội An từ thời chúa Nguyễn. Trải qua mấy trăm năm, làng mộc Kim Bồng đã có nhiều thế hệ kế nối nghề này. Sản phẩm ghe thuyền của làng mộc Kim Bồng không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại đường thủy kinh doanh buôn bán làm ăn của thương cảng sầm uất, xứ đàng trong Hội An mà còn được bán cho các cư dân vùng sông nước ở nhiều tỉnh thành miền trung như trong tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế, Quảng Bình…. Theo thời gian, giờ đây, người theo nghề đóng ghe bầu, đóng thuyền ít dần và nhu cầu làm sản phẩm ghe thuyền cũng ít hơn trước. Chính vì nhìn thấy nguy cơ mai một, mất đi một nghề truyền thống, dù đã lớn tuổi nhưng ông Nguyễn Mạnh Thấn luôn ấp ủ mong ước giữ được nghề đóng ghe bầu, đóng thuyền của cha ông, không phụ công lao của các bậc tiền nhân đã tạo dựng nên nghề và làng nghề mộc Kim Bồng. Ông Thấn xúc động bộc bạch: “Thấy tình cảnh của ông cha mình từ hồi mô đến giờ, từ ngày trước, cái rìu, cái đục, cái cưa đợi mà làm ra, làm nên lịch sử nghề, nhà có tới mấy thế hệ, mấy anh em làm nghề nên giờ chú gần 70 tuổi rồi, chú vẫn giữ cái nghề ni, 2 đứa con cũng nghề ni. Thấy lịch sử cha ông mình khổ cực với nghề rồi nên chú vẫn mong muốn giữ lấy cái nghề ni, phục tồn lại cái nghề nên chú bỏ công sức ra. Ham cái nghề, chú làm được, làm sao giữ nghề cho con cháu. Chú cố gắng hết sức để phục tồn cái nghề.”

Hiểu được nỗi lòng của cha, người con trai Nguyễn Mạnh Tây cũng có nhiều cố gắng. Anh Tây cho biết, trước đây, ở khu vực này từng có rất nhiều trại ghe như trại ghe Hương Lời, Hương Thiện, Trần Huy…. Các ghe bầu đóng cho thương cảng Hội An một thời vàng son, cả ghe thuyền bán cho các thuyền đà ở vùng miền khác đều xuất phát từ bàn tay tài hoa, khéo léo của các trại ghe ở làng mộc Kim Bồng nhưng cho đến nay, nghề đóng ghe, thuyền đã dần dần mai một. Theo thời gian, những mẫu ghe cũ xưa không còn nhu cầu đóng mới, thay vào đó là những mẫu ghe mới hơn. Vì vậy, tại điểm bảo tồn này, cùng với việc làm ra những chiếc ghe mẫu mới, anh Tây đã cùng cha làm ra những mẫu ghe cũ để trưng bày, với hy vọng một ngày nào đó có thể giới thiệu đến khách du lịch về những sản phẩm đặc trưng, truyền thống của làng nghề. Anh Nguyễn Mạnh Tây nói: “Thật lòng em rất mong muốn du lịch sẽ là điều kiện tốt nhất để mình có thể dựa vào đó mà giữ nghề truyền thống, gắn với hệ sinh thái, rừng dừa nước tại làng mộc Kim Bồng. Như vậy hy vọng sẽ giữ được một nghề đóng ghe bầu khi xưa của cha ông, chứ hiện nay ít nhu cầu quá,  rất dễ nghề từng hoàng kim một thời với lịch sử làng nghề này sẽ đi vào quá vãng, mai một. Mình muốn truyền thống làm nghề của gia đình, của làng nghề mình được phát huy, được nhiều người biết đến.”

Sau gần 4 năm hình thành, trải qua rất nhiều khó khăn, cho đến nay, điểm bảo tồn nghề đóng ghe thuyền của cha con ông Thấn vẫn còn rất đơn sơ, thuần túy. Hàng ngày, có một số hướng dẫn viên đưa khách lẻ qua xã Cẩm Kim thăm quan, vãn cảnh, cũng ghé vào điểm bảo tồn này. Dù chưa thành một dịch vụ du lịch nhưng cha con ông Thấn rất sẵn lòng đón tiếp, sẵn sàng tạo điều kiện cho hướng dẫn viên giới thiệu với khách về công việc và sản phẩm ghe thuyền của gia đình ông. Qua lời kể của các hướng dẫn viên du lịch, khi dẫn khách tới đây, họ đều bày tỏ tình cảm yêu thích đối với làng nghề nói chung và với nghề đóng ghe thuyền nói riêng. Mới đây, có đoàn du khách ghé lại, một du khách Mỹ trầm trồ khen ngợi những sản phẩm và tấm lòng của cha con ông Thấn. Du khách nói: “Hôm nay tôi được đi thăm một vùng quê ở Hội An, đến một địa chỉ đóng thuyền còn rất đơn sơ, được nhìn thấy những chiếc thuyền đặt ở đây, tôi rất có cảm xúc. Vợ và con gái tôi cũng rất thích những sản phẩm này, nhìn nhỏ nhắn nhưng lại là hình mẫu, gắn liền với công việc, đời sống của người dân nơi đây. Quê hương của các bạn vẫn còn những người thợ thủ công rất tỉ mỉ, cần mẫn, chất phát, làm ra các sản phẩm như thế này, đáng quý.

Hiện nay, thành phố Hội An đang có kế hoạch phát huy làng nghề mộc Kim Bồng. Và mới đây, thành phố đã gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu trên lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian. Nghề đóng ghe thuyền truyền thống theo đó cũng sẽ có cơ hội phục hồi. Hy vọng rằng, ước vọng sống được với nghề đóng ghe thuyền để bảo tồn và gìn giữ nghề truyền thống của cha con ông Nguyễn Mạnh Thấn, Nguyễn Mạnh Tây sẽ thành hiện thực. Và trong tương lai không xa, điểm bảo tồn nghề đóng thuyền truyền thống của cha con ông Thấn sẽ được kết nối, xây dựng nên những câu chuyện đẹp trong hành trình du lịch của du khách khi về với Hội An.

Lê Hiền- Đài Hội An

 

Go top