Nghề thủ công

Nghề thủ công

Nét đẹp nghề thủ công Hội An qua chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 50 năm Ngày giải phóng Hội An

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Hội An (28/3/1975-28/3/2025), thành phố Hội An đã tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt vào đêm 27/3 tại sân khấu Công viên Hội An, số 02 Trần Hưng Đạo, thu hút đông đảo khán giả tham dự. Đây là sự kiện không chỉ mang đậm giá trị lịch sử mà còn là cơ hội thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của Hội An, trong đó nghề thủ công và nghệ thuật dân gian.

Chương trình nghệ thuật nhân Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Hội An (28/3/1975-28/3/2025)

Với quy mô dàn dựng hoành tráng và chuyên nghiệp, chương trình đã thể hiện rõ sự sáng tạo và tài năng của nhà biên đạo, nghệ sĩ, ca sĩ và diễn viên qua ba phần biểu diễn: Ra đi từ truyền thống, Ca khúc khải hoànHội An ngày mới. Mỗi phân đoạn biểu diễn không chỉ khắc họa lại quá trình chiến đấu anh dũng của người dân Hội An trong thời kỳ kháng chiến mà còn làm nổi bật vẻ đẹp của Hội An trong thời kỳ hòa bình, nơi cuộc sống con người tại các làng nghề thủ công hiện lên sinh động.

Rừng dừa Cẩm Thanh là điểm đến nổi tiếng hiện nay tại Hội An và cũng là một "địa chỉ đỏ" trong cuộc đấu tranh dành độc lập-tự do- hạnh phúc. Từ nguyên liệu tranh tre dừa, người Hội An đã sáng tạo nên những chiếc ghe nan, các ngôi nhà bằng tranh tre dừa và nhiều món đồ lưu niệm xinh xắn...

Một trong những điểm đặc sắc của chương trình là sự lồng ghép tinh tế các nghề thủ công truyền thống của Hội An qua các phân cảnh biểu diễn. Nghề làm đèn lồng, một trong những biểu tượng đặc trưng của Hội An, được tái hiện sinh động qua từng động tác khéo léo của diễn viên. Cùng với đó, nghề chài lưới, nghề đánh bắt cá trên sông và nghề làm tranh tre dừa Cẩm Thanh thể hiện sự phong phú và đa dạng của các làng nghề thủ công nơi đây.

Tái hiện quang cảnh người Hội An đan lưới, đánh bắt cá trên sông...

Chương trình này không chỉ đơn thuầnsự trình diễn nghệ thuật mà còn là một bức tranh sinh động, tôn vinh những giá trị văn hóa và nghề thủ công truyền thống của Hội An. Hình ảnh của những người thợ lành nghề, cần mẫn, gắn bó với nghề từ thế hệ này qua thế hệ khác, đã gợi nhớ về sự bền bỉ, sáng tạo và tinh thần lao động của người dân khi quê hương, đất nước thái hòa.

Đan lưới là một trong những nghề truyền thống tại địa phương

Ngoài ra, sự kết hợp giữa các yếu tố nghệ thuật dân gian và các chương trình nghệ thuật thực cảnh, sân khấu hóa đã tạo nên một không gian đầy ấn tượng và xúc cảm. Cách lồng ghép giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và yếu tố thời đại đã khiến người xem không chỉ cảm nhận được niềm tự hào về lịch sử đã qua đầy anh dũng, hào hùng mà còn một Hội An đang vươn mình, đổi mới nhưng vẫn giữ gìn được những giá trị văn hóa đặc sắc.

Những chiếc ghe (thuyền) được đóng bởi thợ lành nghề Kim Bồng, Cẩm Kim, Hội An

Bằng sự sáng tạo của tất cả ekip chương trình đã góp phần làm nổi bật lịch sử vẻ vang của Hội An trong đấu tranh, nét độc đáo của nghề thủ công và nghệ thuật dân gian ở Hội An. Qua đó, văn hóa sáng tạo ở thành phố Hội An cũng được thể hiện rõ nét.

Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An

 

Go top