Tài nguyên du lịch

Tài nguyên du lịch

Trải nghiệm trồng quật đất Cẩm Hà

Tại làng quật cảnh Cẩm Hà (TP.Hội An), có một điểm trải nghiệm trồng cây quật đất thật sự độc đáo là KumQuat Farm. Điểm đến này thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, nhất là học sinh, vừa là nơi hỗ trợ đầu ra cho nông dân và gìn giữ gống cây bản địa.

Học sinh tham quan KumQuat Farm
 

Tại số 80 đường Nguyễn Chí Thanh, xã Cẩm Hà (TP.Hội An), hơn 30 em học sinh Trung tâm Anh ngữ Happy Sky tham gia trải nghiệm trồng cây quật đất, tìm hiểu nghề truyền thống của làng trồng quật cảnh nổi tiếng cả miền Trung này.

Các em học sinh thật sự vui thích khi được xem nghệ nhân chiết cành, tạo dáng cho cây quật; tự mình xúc đất, đổ phân để trồng cây quật đất. Sau đó tham quan cơ sở sản xuất và điểm trưng bày sản phẩm từ trái quật. Ấn tượng nhất là trải nghiệm và thưởng thức sản phẩm, nước uống từ trái quật.

Du khách nước ngoài trồng cây với sự hướng dẫn của người dân làng quật

Em Ngô Thị Thanh Hiền - Trung tâm Anh ngữ Happy Sky Hội An chia sẻ: “Con rất thích vì tham gia trồng cây, làm những thức uống. Con biết cây quật còn giúp giải khát vào mùa hè, chữa trị ho, cảm và xổ mũi.”

Nicole Dawn - Giáo viên Anh ngữ nói: “Hôm nay tôi được trải nghiệm không gian rất thiên nhiên, thoải mái và không gian này thật là hữu ích đối với các bạn học sinh và cả tôi nữa”.

Không chỉ với Nicole Dawn, Mô hình du lịch cộng đồng trong làng nghề truyền thống trồng quật - KumQuat Farm, ra mắt từ tháng 4/2024 đến nay đã thu hút hơn 1.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, trong đó có gần 800 học sinh và gần 300 du khách nước ngoài.

Du khách nước ngoài vui thích với haotj động trải nghiệm

Để tổ chức điểm trải nghiệm, Tổ hợp tác Du lịch cộng đồng gắn với nghề truyền thống trồng quật ra đời với 6 thành viên là các nghệ nhân trồng quật cảnh và nhà sản xuất các sản phẩm từ trái quật.

Trên diện tích 1.500 mét vuông (tại số 80, đường Nguyễn Chí Thanh), du khách được xem nghệ nhân chiết cành, tạo dáng cho cây quật, trải nghiệm trồng cây quật đất; tham quan cơ sở sản xuất và điểm trưng bày sản phẩm từ trái quật, trải nghiệm và thưởng thức sản phẩm nước uống từ trái quật.

Bà Phan Thị Ngọc Quý - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Hà cho biết, Tổ hợp tác Du lịch cộng đồng gắn với nghề truyền thống trồng quật là nơi tạo sự tương tác trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân Cẩm Hà, xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với sự tham gia trực tiếp của người dân.

“Cùng với chương trình trải nghiệm trồng cây quật đất, tại đây còn sản xuất 10 sản phẩm từ trái quật và du khách có thể cùng làm các sản phẩm này. Trong đó, sản phẩm quật sấy sợi đã được công nhận là sản phẩm OCOP và “Nhất Cẩm trà” là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu” - bà Ngọc Quý nói.

Qua đó, xây dựng môi trường du lịch thân thiện gắn với chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm để giới thiệu, quảng bá nghề truyền thống trồng quật cảnh Cẩm Hà, thu hút du khách.

Chị Nguyễn Thị Phúc - Người tổ chức mô hình và là chủ dự án khởi nghiệp Phúc Nguyễn Rose với hàng chục sản phẩm trà hoa hồng, nói: “Phúc Nguyễn Rose bắt đầu khởi nghiệp từ hoa hồng, tuy nhiên trên chặng đường khởi nghiệp tôi biết cây quật đất là cây bản địa của quê hương nên muốn phát triển cây quật và các sản phẩm từ quật thông qua KumQuat Farm. Đây là nơi tìm hiểu kinh nghiệm nghề nghiệp trồng quật cảnh, tạo thêm sản phẩm tốt cho sức khỏe, hỗ trợ bà con nông dân có đầu ra ổn định, góp thêm một phần gìn giữ nghề truyền thống của quê mình”.

Mô hình du lịch cộng đồng trong làng nghề truyền thống trồng quật" xã Cẩm Hà cũng vừa được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận và công bố đồng giải Ba trong các ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo năm 2024.

Bài và ảnh: Quốc Hải - Báo Quảng Nam

Go top