Hội An vẫn cần tiếp diễn những quá trình nuôi dưỡng, tiếp biến, sáng tạo di sản văn hóa của cộng đồng địa phương.
Trong dịp kỷ niệm "Ngày các thành phố Thế giới" vào 31/10 vừa qua, cùng 53 thành phố khác trên thế giới, Đà Lạt và Hội An của Việt Nam vừa chính thức được UNESCO đưa vào danh sách Mạng lưới các thành phố sáng tạo thuộc tổ chức này. Hội An là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thủ công - nghệ thuật dân gian, còn Đà Lạt là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc.
Nghệ thuật bài chòi diễn ra hằng đêm tại Hội An...
Trước đó, năm 2019, Hà Nội cũng được công nhận là thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế. Mạng lưới các thành phố sáng tạo được UNESCO thành lập từ năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố có chung mục tiêu coi sáng tạo là yếu tố chiến lược cho phát triển đô thị bền vững, đặt các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Mạng lưới hiện có 350 thành phố từ hơn 100 quốc gia, tập trung vào 7 lĩnh vực sáng tạo gồm Thiết kế, Văn học, Âm nhạc, Thủ công và Nghệ thuật dân gian, Ẩm thực, Điện ảnh và Nghệ thuật truyền thông.
Trường hợp của Đà Lạt và Hội An nằm trong Đề án phát triển hệ thống các thành phố sáng tạo Việt Nam thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng, thực hiện. Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) là cơ quan chủ trì triển khai Đề án, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam giữ vai trò tư vấn chuyên môn, phối hợp với các địa phương xây dựng hồ sơ, thực hiện các cam kết gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo.
Tại Hội An, thủ công và nghệ thuật dân gian là thế mạnh nổi trội được thành phố Hội An bảo tồn và phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Kinh nghiệm từ Hội An, như PGS TS Đỗ Thị Thanh Thủy, Trưởng ban nghiên cứu văn hóa, Viện văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam qua quá trình thực hiện dự án tư vấn, chia sẻ: "Tôi nhận thấy ở Hội An có một tương tác mật thiết giữa các bên liên quan khác nhau như các doanh nghiệp, chính quyền, cộng đồng cư dân, các tổ chức nghiên cứu, tư vấn, các nhà thực hành nghệ thuật, đối tác truyền thông, giữa các ngành và lĩnh vực khác nhau, điều đã tạo nên một không khí cởi mở và mang tính tham dự, hỗ trợ cho văn hóa sáng tạo nơi đây. Đặc biệt, sự tiên phong của các doanh nghiệp sáng tạo này là điểm sáng, góp phần phát triển Hội An theo định hướng của một thành phố văn hóa, sinh thái- du lịch, một mục tiêu, tầm nhìn chiến lược đã được chính quyền thành phố chính thức đề ra trong những năm gần đây."
Theo lộ trình, từ nay đến năm 2030, mỗi hai năm sẽ có tối đa hai thành phố Việt Nam xây dựng và nộp hồ sơ ứng cử gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo với mục tiêu sẽ có từ 4 đến 6 thành phố được công nhận là Thành phố sáng tạo UNESCO. Để thật sự phát huy tiềm năng tại những thành phố sáng tạo đã được UNESCO công nhận, những thành phố “đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy khả năng tiếp cận văn hóa và tăng cường sức mạnh của sáng tạo trong phát triển đô thị bền vững” như bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO khẳng định; thì Hội An vẫn cần tiếp diễn những quá trình nuôi dưỡng, tiếp biến, sáng tạo di sản văn hóa của cộng đồng địa phương, từ chính quyền đến người dân thuộc mọi tầng lớp, sự sáng tạo thực sự sống động trong từng nhịp sống của thành phố.
Anh Lê Ngọc Thuận – một doanh nhân khởi nghiệp và hiện là Chủ tịch Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.Hội An, người nổi tiếng với những hoạt động khơi dậy sức sáng tạo, gắn kết với cộng đồng ở thành phố này, cho rằng: Luôn luôn cần những suy nghĩ mới, những ý tưởng tiên phong, sự đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu từ các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian đến các doanh nhân, người làm chính sách vv… để các ý tưởng nuôi dưỡng, bảo tồn, phát triển văn hóa dân gian thực sự thành hiện thực, từ đó phục vụ không chỉ đời sống tinh thần mà cả vật chất của cộng đồng dân cư bản địa.
Từ kinh nghiệm của bản thân anh, khi phát triển, sáng tạo từ như di sản văn hóa Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung ( như nghệ thuật từ củi lũ, hồi sinh nghệ thuật gốm Kim Bồng kết hợp nghệ thuật Cơ Tu)… vv, thì ý tưởng hình thành một Công viên nghệ thuật tái chế cho thành phố Hội An của Hội khởi nghiệp sáng tạo thành phố , cũng bắt đầu từ ý thức tái sinh rác thải thành tác phẩm nghệ thuật, cho một môi trường phố Hội xanh hơn, đẹp hơn từ sáng tạo:
Những sản phẩm trang trí sân vườn được làm từ gỗ tái chế tại Hội An.
“Chính quyền có thể phát động những chương trình bảo vệ môi trường. Nhưng mình không thể dừng lại ở việc vớt rác, dọn rác, mà làm sao phải từ rác đó, trong tương lai phải là một thứ tài sản của Quảng Nam. Luôn luôn nhìn đâu cũng phải tạo ra được những tác phẩm và làm ra được những giá trị trong cộng đồng. Ban đầu thực sự rất khó, vì cách làm của mình mới mẻ quá, ít người làm quá. Người Việt mình thích nhìn vào cái gì nhiều người làm, dễ hiểu nhất. Cái mình làm lại đi ngược xu hướng. Cuộc sống người ta luôn luôn nhìn sự hoàn hảo, ít khi nhìn khía cạnh bên lề, còn những người nghệ sĩ, họa sĩ, hay nhà văn…hay nhìn ở những góc khuất – những góc không phải ai cũng nhìn được. Nhưng mình cảm ơn chính quyền, vì khi trình bày về Công viên nghệ thuật tái chế thì phía chính quyền rất hỗ trợ, giúp cho Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hội An về chương trình này. Đó là điều rất mừng. Vì mỗi việc phải bắt đầu từ từ, chứ không thể chỉ 1,2 ngày được. Niềm tin của tôi là: Rồi một ngày sẽ được” - Anh Lê Ngọc Thuận chia sẻ.
PGS TS Đỗ Thị Thanh Thủy cho rằng, cần nhiều chiến lược dài hơi và bền vững - trong đó có việc xây dựng cơ chế đặc thù để thật sự thu hút nguồn lực vào những lĩnh vực sáng tạo được hướng tới. Không chạy theo những nguồn lợi ngắn hạn về du lịch mà làm ảnh hưởng tới tài nguyên văn hóa của mình, vốn văn hóa bản địa được phát huy từ quá khứ, trong hiện tại và hướng tới tương lai, qua đó đảm bảo tính liên tục, bền vững, khả năng thích ứng, phát triển bao trùm và giàu bản sắc, sẽ giúp Hội An vừa có những đặc trưng khác biệt, đặc thù vừa có khả năng hội nhập với thế giới như một thành phố sáng tạo có tính chất toàn cầu.
Việt Anh- VOV