Thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) nộp đơn đề xuất tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO.
Nền tảng xây dựng thành phố sáng tạo
Phố đèn lồng là sáng tạo rất sớm của cư dân Hội An
“Đây là lần đầu tiên tôi tới Hội An nhưng cảm nhận của tôi thành phố có nền văn hóa phong phú và đa dạng”,
Giáo sư Michael Justin O’connor, Trường Công nghiệp Sáng tạo, Đại học Nam Australia.
Hội An có 4 làng nghề, 1 phố nghề được công nhận gồm làng mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rau Trà Quế, tre dừa Cẩm Thanh, phố nghề đèn lồng Hội An. Song đô thị này có nhiều tiềm năng nghề thủ công hơn thế.
Hội An trở thành bảo tàng sống lưu giữ di sản văn hóa phi vật thể như nghệ thuật bài chòi được UNESSCO công nhận. Các nghệ thuật diễn xướng dân gian như hát múa bả trạo, múa sắc bùa, múa tứ linh, hò đưa linh… trong các lễ hội, sinh hoạt, nuôi dưỡng cảm hứng cư dân vùng sông nước.
Con người - “vốn thiêng” của xứ sở được mệnh danh “viên ngọc nhỏ”, chính họ với cuộc sống đời thường đã làm ra và sẽ là chủ nhân của Hội An sáng tạo. “Từng mảnh gỗ, đất sét, thanh tre, sông nước ở đây làm nên bao “nét hoa” nghề thủ công”, PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhận định.
Vào Hội An, chúng tôi như đàn chim sẻ đi đến chỗ nào cũng muốn sà vào xem. Cô bán tượng đầu đường Trần Phú xòe cái mẹt tre đầy tượng đất nung màu đỏ nâu... thu hết Hội An vào trong lòng tay bằng món lưu niệm nhỏ dẫn lối nhớ thương làng gốm Thanh Hà.
Từ đêm phố cổ, người Hội An sớm sáng tạo lồng đèn treo thấp treo cao, mắc dọc giăng ngang lung linh đủ sắc, kiểu dáng cầu kỳ khác biệt đã “chỉ dẫn” miền quê sản sinh ra nó.
Men theo tiếng đục đẽo cọc cọc, chúng tôi gặp vợ chồng nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ trên đường Bạch Đằng. Họ đang điêu khắc gốc tre vô tướng thành các trạng huống hỉ, nộ, ái, ố. Sự xù xì của gốc tre trông “xấu xí” qua bàn tay tài hoa người con làng mộc Kim Bồng tiếp biến văn hóa thành sản phẩm mỹ nghệ độc đáo.
Phần hồn Hội An còn ở những màn múa thúng đỉnh cao trên con nước tròng trành giữa rừng dừa bảy mẫu được thực hiện bởi anh trai thôn Vạn Lăng, Thanh Tam Đông, Cồn Nhàn… hay đêm đêm hát bài chòi mua vui. Họ như những hiền nhân sống khoáng đạt trữ tình trên vùng sông nước êm đềm.
“Mỗi gốc tre là một tác phẩm độc bản. Mỗi lần cầm đục là một lần làm mới”, vợ của anh Đỏ, người đàn bà mộc mạc mắt tinh anh đưa dùi đục vẽ miệng tượng hiền hòa ngồi chế tác chia sẻ.
“Khi cầm mỗi sản phẩm, chúng ta nhận biết được quá khứ và thấy được tương lai. Nếu không có sáng tạo thì làm sao có được làng rau Trà Quế, làm sao biết gốm nào của Thanh Hà. Bảo tồn không phải ôm khư khư di sản”, ông Nguyễn Chí Trung, chi hội trưởng Chi hội Khoa học lịch sử Hội An.
Mộc Kim Bồng Hội An.
Nỗi lo không có lớp kế thừa
Nghề thủ công và văn nghệ dân gian Hội An đẹp, giàu có là thế nhưng trước quy luật biến đổi thời gian cũng đối mặt nhiều thách thức.
Tính “trình diễn” chỉ để phục vụ du lịch dựa vào vài nghệ nhân đã có tuổi đang là lỗ hổng lớn
dẫn tới nguy cơ thất truyền.
Ngồi bên bờ sông Cổ Cò, anh Lê Ngọc Thuận, Chủ tịch Hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hội An nhìn qua bên phía làng mộc Kim Bồng đau đáu chuyện quê chuyện nghề. Đau lòng mỗi lần đi ngang một cơ sở mộc mới khép cửa, anh Thuận thường tìm gặp những người thợ ở các làng nghề. “Tôi nhìn thấy trong ánh mắt nghệ nhân lớn tuổi nỗi bất lực và buồn không cách gì cứu vãn được khi chứng kiến số cơ sở làng nghề ngày một ít dần”, anh Thuận băn khoăn.
Bà Bùi Thị Phước Hiền (khối Nam Diêu) đạp xe ra ven sông từ ngõ làng đón khách du lịch đến với gốm Thanh Hà. Gốm Thanh Hà từng vào Kinh Thành Huế, ra biển khơi đến trời Tây sang đất Á. Bàn tay bà Hiền và những lớp thợ tài hoa trong ngôi làng nhỏ đã trau chuốt với bàn gỗ, đất sét tơi làm nên những cái đẹp không bao giờ lặp lại cho ngàn vạn mái nhà.
Bà Hiền bùi ngùi: “Tôi làm gốm từ nhỏ, nhưng là đời thứ ba của gia đình làm gốm truyền thống. Giờ con tôi đi làm công ty cả không ai theo nghề. Chủ yếu cơ sở gốm Phước Hiền nhà tôi đỏ lửa khi có khách du lịch. Đồ bán được cũng lai rai”. Bà Hiền chỉ cho chúng tôi “vườn hoa” gốm chưng trong nhà.
Nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông: "Chúng tôi rất xót xa khi nghe những chuyện buồn của cán bộ văn hóa bỏ việc, luôn kiêm nhiệm nhiều trách nhiệm nhưng thu nhập không đảm bảo đời sống".
Nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Tấn Đông, Chi hội Văn nghệ Dân gian Hội An nói như rứt ruột: “Công chúng thưởng thức văn nghệ dân gian ngày càng ít. Nghệ thuật hát tuồng, hát bài chòi giờ đây công chúng thưởng thức trọn vẹn còn rất ít. Có sự đứt gãy rất lớn trong công chúng và nghệ nhân”.
“Phụ huynh nào đủ tâm huyết, đủ yêu nghệ thuật cho các em theo nghề khi đầu ra không có đầu vào lại mong manh. Các em học rồi cũng chỉ giữ tình yêu với nghệ thuật dân gian chứ sống được với nghề còn quá ít”, ông Đông thở dài.
Nghĩ cách kiến tạo
Anh Lê Ngọc Thuận vẫn đăm đắm đôi mắt nhìn ra nơi cuối sông đầu biển Cổ Cò, say mê nói về giấc mơ biến bờ sông này thành công viên sáng tạo quốc tế, công viên tái chế. “Hội An phải có thành phố sáng tạo hiện hữu, người ta được mắt thấy, tai nghe, sờ và cảm nhận và tham quan được”.
Sản phẩm tái chế của người trẻ Hội An
Nếu có nền văn hóa đủ bao dung và cởi mở cho các thử nghiệm, Hội An không chỉ có một giấc mơ táo bạo mà sẽ có nhiều giấc mơ khác thu hút giới sáng tạo trong nước và quốc tế đóng góp cho sự phát triển của Hội An.
“Cần một chiến lược bảo tồn, phát huy lâu dài, căn cơ hơn, trong đó ưu tiên sưu tầm, nghiên cứu, nhận diện và tuyên truyền, giới thiệu đến với công chúng. Đào tạo xây dựng đội ngũ thực hành kế thừa. Làm được vấn đề này chúng ta sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian xây dựng Hội An – thành phố Sáng tạo có sự gắn kết chặt chẽ giữa truyền thống và hiện đại”, ông Trần Văn An, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Dân gian Quảng Nam nói.
Cần có chiến lược cho thế hệ kế thừa
“Gần như chúng ta hàng chục năm chưa có chính sách khuyến tài văn hóa nào cụ thể. Về mặt vĩ mô chính phủ và địa phương phải có chính sách văn hóa cụ thể hỗ trợ khoa học vào các khoảng trống cần thiết chứ không phải vung tiền vào”, nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Tấn Đông đề xuất.
Theo đó, Giáo sư Michael Justin O’connor, Trường Công nghiệp Sáng tạo khuyến cáo: UNESCO sẽ rất nghiêm khắc kiểm soát những tác động của du lịch. Bởi vì sẽ có những tác động tiêu cực từ du lịch tới văn hóa. Ông cảnh báo không nhìn nhận đơn giản một thành phố văn hóa gắn với phát triển du lịch ồ ạt thiếu kiểm soát.
Thu hút đầu tư công nghiệp sáng tạo xây dựng bản sắc riêng cho thành phố - giáo sư Michael Justin O’connor nói
Giáo sư cũng cho rằng Hội An cần nhìn thấy những bài học của thành viên mạng lưới thành phố sáng tạo khác trên thế giới để xây dựng hình ảnh, tái tạo diện mạo đô thị thu hút khách du lịch.
Hiện Hội An chỉ mới khởi động cho lộ trình xây dựng thành phố sáng tạo. Sắp tới Hội An còn nhiều việc để làm: thành lập tổ tư vấn, soạn thảo, tọa đàm, hội thảo trong nước, hội thảo quốc tế, xây dựng bộ nhận diện. Sự định hình và xác định vai trò chủ nhân thành phố sáng tạo sẽ là bước đệm tạo đà cho Hội An có sức bật “trẻ lại” nguồn lực và phát triển trong tương lai.
“Thiết nghĩ UBND Hội An sẽ có có sự thay đổi trong suy nghĩ và hành động, từ thuần túy quản lý chúng tôi cố gắng thực hiện chức năng nhà nước phục vụ, khi xã hội sáng tạo nhà nước sẽ kiến tạo để truyền cảm hứng sáng tạo. Tạo ra con đường cho các sáng tạo được công nhận và thăng hoa”, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho hay.
Bảo Hòa
sohuutritue.net.vn