Nhà Trưng bày Văn hóa Nhật Bản tọa lạc tại số 06 Nguyễn Thị Minh Khai, cách di tích Chùa Cầu chừng 30m. Theo nhiều nguồn tư liệu đáng tin cậy, khu vực này vốn là khu phố của các thương nhân Nhật Bản (Nhật Bản Đinh) với các hoạt động giao thương tấp nập vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, là nơi mở đầu cho mối giao lưu văn hóa giữa Hội An, Việt Nam với xứ sở Phù Tang.
Ngôi nhà có niên đại hàng trăm năm tuổi, được xây theo dạng thức hình ống, kiểu xây nhà phổ biến ở thương cảng Hội An thời bấy giờ với 3 nếp nhà. Bộ khung nhà có kết cấu khá độc đáo với phần gác cao bằng gỗ và các hành lang rộng bao quanh, thể hiện sự phát triển về kiến trúc và sự giao lưu giữa các phong cách kiến trúc Á Ðông tại Hội An trong các thế kỷ trước đây. Hệ vì kèo chính được sử dụng là cột trốn kẻ chuyền, với lối kiến trúc khá đơn giản so với nhiều ngôi nhà khác tại Khu phố cổ, tuy nhiên không vì thế mà làm giảm đi nét đẹp của công trình. Di tích nhà số 06 Nguyễn Thị Minh Khai cung cấp nhiều thông tin có giá trị về lối sống của tầng lớp thương nhân tại thương cảng Hội An xưa.
Sau hơn 2 năm chuẩn bị, ngày 26/8/2022, nhân sự kiện Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản lần thứ XVIII, nhà Trưng bày Văn hóa Nhật Bản được khánh thành, đưa vào phục vụ nhân dân và du khách. Đây là nơi trưng bày các hình ảnh, hiện vật về quá trình bang giao khăng khít giữa Hội An nói riêng, Quảng Nam, Việt Nam nói chung với các địa phương của Nhật Bản cách đây hơn 400 năm; các gian hàng về lịch sử, văn hóa, du lịch và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các địa phương có sự giao lưu mật thiết với Hội An, Quảng Nam từ trong quá khứ đến hiện tại như: tỉnh Nagasaki, thành phố Sakai tỉnh Osaka, thành phố Masusaka tỉnh Mie… Đặc biệt, đây còn là nơi tổ chức định kỳ nhiều hoạt động phong phú nhằm trải nghiệm văn hóa Nhật Bản như: Không gian trình diễn và thưởng thức Trà Đạo Nhật Bản, hoạt động gấp giấy Origami, làm búp bê thời tiết, vẽ mặt nạ Nhật Bản, tủ sách truyện tranh Nhật Bản… Nhà Trưng bày Văn hóa Nhật Bản góp phần giúp người dân và du khách cảm nhận rõ hơn về nền văn hóa Nhật Bản và sự giao lưu, gắn kết từ trong quá khứ của nhân dân hai nước hướng tới mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản của ngày hôm nay.
Tọa lạc ngay vị trí trung tâm nếp nhà trước là chiếc kiệu do ông Sugi Ryotaro, nguyên đại sứ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Nhật Bản tặng. Ông Sugi Ryotaro sinh năm 1944 tại Kobe, Nhật Bản là một tên tuổi lớn của nền nghệ thuật xứ Phù Tang, nổi tiếng trong các mảng âm nhạc, điện ảnh, hội họa và hoạt động xã hội. Ông đến Việt Nam lần đầu năm 1989, bằng tình yêu với đất nước này ngay từ lần đầu gặp mặt, ông đã có hơn 30 năm gắn bó với Việt Nam trong các hoạt động thiện nguyện, quảng bá văn hóa, kết nối nhân dân hai nước Việt Nam – Nhật Bản. Ông hiện là cha nuôi của 152 em bé Việt Nam tại làng trẻ em Berla( Hà Nội). Với nhiều nỗ lực đưa nhân dân 2 nước Việt – Nhật xích lại gần nhau hơn, góp phần tạo nền tảng cho mối quan hệ sâu sắc giữa hai đất nước, nhà trưng bày dành 1 gian ở tầng 2 giới thiệu về Sugi Ryotaro và các hoạt động của ông tại Việt Nam.
Tầng 1 của ngôi nhà còn là nơi trưng bày bản chụp của các tư liệu lịch sử liên quan đến hệ thống thương mại Châu Ấn thuyền, kết nối Hội An, Đàng Trong với các địa phương của Nhật Bản. Hệ thống thương mại Châu Ấn thuyền được phát triển dưới triều Mạc phủ, bắt đầu từ năm 1553, Tokugawa Ieyasu đã có chủ trương thiết lập quan hệ hữu nghị với các nước thông qua việc phát triển các hoạt động thương mại. Chỉ những thuyền buôn có mang dấu đỏ (Châu Ấn) của Mạc phủ mới được xuất dương buôn bán với mục đích đảm bảo an toàn cho các tàu buôn Nhật và xác lập uy quyền của nhà Mạc phủ. Theo các tài liệu của Viện nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản). Từ 1600 đến 1635, trong số hơn 350 Châu ấn thuyền được cấp phép đi các nước Đông Nam Á, đã có 71 chiếc cập bến Hội An chứng tỏ mối quan hệ giao thương nồng ấm giữa Hội An và các địa phương của Nhật Bản. Ngay trung tâm gian nhà cầu là bản chụp của bức tranh “Giao chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ” nổi tiếng, mô tả hành trình của tàu buôn Nhật thuộc dòng họ Chaya, một gia tộc hào thương có thế lực của Nhật Bản thời đó xuất bến từ Nagasaki đến Hội An, Đàng Trong buôn bán. Bức tranh mô tả chi tiết quang cảnh của Nagasaki và Hội An với phố Nhật, phố Khách, Phủ chúa… là tư liệu quan trọng minh chứng cho sự gắn kết về văn hóa, thương mại trong quá khứ. Bản gốc của bức tranh với chiều dài 4,98m hiện đang lưu giữ tại chùa Jomyo, tỉnh Nagoya.
Tầng 2 của ngôi nhà trưng bày các hình ảnh, hiện vật về các địa phương có nhiều gắn kết với Hội An trong quá khứ và hiên tại:
- Gian trưng bày tỉnh Nagasaki với các hình ảnh về lễ hội mùa thu Okunchi, một lễ hội dân gian của thành phố Nagasaki có truyền thống hơn 400 năm trong đấy cứ 7 năm 1 lần sẽ có phân cảnh tái hiện đám cưới của công nương Ngọc Hoa, con gái nuôi của chúa Nguyễn Phúc Nguyên với thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro. Với nhiều đóng góp cho mối quan hệ bang giao giữa 2 nước, công nương Ngọc Hoa được người dân Nagasaki gọi thân mật bằng cái tên Anio-san và mối lương duyên giữa bà và thương nhân Araki Sotaro đến tận ngày nay vẫn được chúc phúc thông qua các nghi lễ tái hiện đám cưới. Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Nagasaki là nơi đón nhận sự giao thoa văn hóa giữa Nhật Bản và nhiều nền văn minh trên thế giới. Cư dân Nagasaki cũng nổi tiếng thân thiện, luôn tiếp đón các du khách đến đây bằng lòng hiếu khách cùng tinh thần hào sảng khi nhắc đến nền văn hóa, lịch sử và ẩm thực của địa phương. Một số đặc sản nổi tiếng của Nagasaki như rượu Shochu, rượu Sake, bánh Castella, mì Champon….
- Gian trưng bày thành phố Masusaka, tỉnh Mie: là một thành phố có truyền thống thương mại lâu đời của Nhật Bản với nhiều gia tộc buôn bán nổi tiếng. Masusaka cũng là một thành phố có nhiều nét tương đồng và có sự gắn kết với Hội An trong quá khứ. Một số địa điểm tham quan nổi tiếng như “khu phố thương nhân”có niên đại hơn 400 năm giúp du khách tìm hiểu về sự thịnh vượng thời hoàng kim của Masusaka. Một số sản phẩm nổi tiếng của thành phố như thịt bò Matsusaka và đặt biệt ngành dệt vải và may mặc kimono nổi tiếng cả nước Nhật, trong đấy nổi tiếng và được ưa chuộng nhất là loại vải chàm Matsusaka Momen với kỹ thuật dệt sọc dọc có nguồn gốc từ Đàng Trong của Việt Nam. Matsusaka Momen đặc trưng bởi kỹ thuật nhuộm những sắc chàm khác nhau và dệt nên những tấm vải cotton sọc xanh mang tính di sản, trở thành một minh chứng cho bề dày lịch sử của mối giao lưu văn hóa Việt – Nhật.
- Gian trưng bày thành phố Sakai, tỉnh Osaka: là một hải cảng quan trọng của Nhật Bản thời Trung đại, có nhiều mối quan hệ giao thương với thương cảng Hội An trong quá khứ và cũng là một trong những địa phương nước ngoài kết nghĩa sớm nhất với Hội An từ những năm 2000 của thế kỷ XX. Sakai là quê hương của GoSokukun, thị trưởng đầu tiên của khu phố Nhật tại Hội An. Hiện nay phần mộ của ông nằm tại phường Tân An, Hội An vẫn được nhân dân Hội An và con cháu ông ở Nhật Bản thường xuyên chăm sóc, phụng thờ như một biểu trưng cho tình hữu nghị giữa 2 địa phương. Sakai là thành phố của các khu lăng mộ Mozu Furuichi- di sản văn hóa thế giới, ngọn hải đăng gỗ… Là thành phố nổi tiếng với các ngành nghề sản xuất công nghiệp lâu đời của Nhật Bản, Sakai là một trong những trung tâm sản xuất dao rèn thủ công và đồ gia dụng bằng kim loại được ưu chuộng hàng đầu tại Nhật Bản. Đây cũng là địa phương nổi tiếng với các đồ thủ công nghiệp tinh xảo đặc biệt là nhang, vải Chusen, xe đạp Precision…
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Văn phòng Hướng dẫn tham quan Đô thị cổ Hội An
Điện thoại: +84.843428888
Địa chỉ: 08 Hoàng Diệu – Minh An – Hội An