Hội An không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp cổ kính mà còn là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa. Trong các thế kỷ XVI - XVII, thương cảng Hội An là điểm giao thương sầm uất, thu hút thương nhân từ Nhật Bản, Trung Hoa và phương Tây về buôn bán, trao đổi hàng hóa. Những dấu ấn văn hóa ấy vẫn được lưu giữ qua kiến trúc, phong tục, lễ hội và đời sống người dân, tạo nên một bức tranh văn hóa và lịch sử đa sắc.
Dấu ấn Nhật Bản
Nhắc đến dấu ấn Nhật Bản tại Hội An, không thể không nhắc đến di tích Chùa Cầu (hay còn gọi là Cầu Nhật Bản hoặc Lai Viễn Kiều). Công trình này do thương nhân Nhật Bản đầu tư xây dựng vào thế kỷ XVII.
Chùa Cầu là di tích biểu tượng của Hội An hiện nay
Chùa Cầu là di tích vừa mang nét kiến trúc Nhật Bản, Trung Hoa kết hợp với kiến trúc Việt Nam, giao hòa với nhau. Với chiếc cầu gỗ uốn cong có mái che độc đáo, vừa là phương tiện giao thông đi lại và có cả miếu thờ Bắc Đế Trấn Võ bên cạnh. Theo các nhà nghiên cứu, Chùa Cầu được đầu tư xây dựng bởi những thương gia người Nhật và Hoa giàu có lúc bấy giờ, nhưng thợ thi công xây dựng chính là người Việt. Và di tích này được xây dựng ngay trong lòng phố Nhật xưa. Đây là minh chứng rõ nét cho sự giao thoa văn hóa Việt - Nhật- Hoa tại Hội An, đồng thời là biểu tượng đặc trưng của thành phố Hội An hiện nay.
Dấu ấn Trung Hoa
Người Hoa đến Hội An từ rất sớm và để lại nhiều dấu ấn qua các công trình Hội quán còn lại hiện nay.
Hội quán Phúc Kiến- hội quán lớn nhất của Cộng đồng người Hoa tại Hội An hiện nay
- Hội quán Phúc Kiến: đây là hội quán lớn nhất của người Hoa đến từ bang Phúc Kiến. Bên trong thờ Thiên Hậu thánh mẫu và một số vị thần khác.
- Hội quán Quảng Đông: Mang phong cách kiến trúc Quảng Đông với những đường nét chạm trổ tinh xảo, tạo nên không gian linh thiêng và cổ kính. Bên trong thờ Quan Thánh Đế Quân.
Ngoài ra, tại Hội An hiện nay còn có một số hội quán khác của người Hoa như: Ngũ Bang (Trung Hoa) hội quán; Triều Châu hội quán; Hải Nam hội quán.
Ngoài hội quán, một số ngôi nhà cổ ở Hội An với vài chi tiết kiến trúc, trang trí có ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa như mái vòm cong tên là “Bì cua vỏ rùa” với hình dáng cong như lưng con cua hay vỏ rùa tượng trưng cho sự may mắn, trường tồn.
Không chỉ trong kiến trúc, văn hóa và tín ngưỡng Trung Hoa vẫn còn ảnh hưởng tới người Hội An qua các lễ hội như Tết Nguyên Tiêu, lễ cúng Ông Táo. Bên cạnh đó, nền ẩm thực Hội An cũng có ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa với các món ăn đặc trưng như hoành thánh, xí mà phù, bánh bao - bánh vạc.
Dấu ấn phương Tây
Dấu ấn phương Tây tại Hội An thể hiện rõ qua các công trình kiến trúc như nhà thờ Công giáo, biệt thự cổ, các ngôi nhà màu vàng đặc trưng với cửa sổ vòm, lan can sắt mang phong cách châu Âu. Sự kết hợp này tạo nên một Hội An vừa cổ kính vừa hiện đại.
Công trình mang dấu ấn kiến trúc Pháp tại khu phố cổ Hội An
Ở Hội An hiện nay có khu phố Pháp trên đường Phan Bội Châu và một vài nơi trong khu phố cổ và vùng lân cận khu phố cổ vẫn có một vài công trình kiến trúc Pháp còn lưu lại qua thời gian.
Những giá trị văn hóa này không chỉ làm nên nét đặc trưng của phố cổ mà còn góp phần khẳng định vị thế của vùng đất giao thương, giao lưu quốc tế, giao lưu văn hóa của Hội An trên bản đồ di sản thế giới.
Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An