Khi góc phố mình sinh sống hiện diện chỉ dấu của những giá trị xưa là lúc thị dân biết rằng không gian đô thị mình nương náu vẫn còn vương vị quê nhà mỗi độ xuân sang.
Nhớ phố xưa
Nhớ phố xưa. Ảnh: Lê Trọng Khang
Mọi nẻo đường vào phố thị những ngày này chộn rộn cờ hoa. Hương xuân đã ngập tràn thành phố. Có lẽ điều làm không khí tết ở Hội An dậy lên gam màu đặc trưng so với sắc thái chung đô thị chính là những cây nêu. Rải rác khắp các cơ quan, đình chùa, nhà sinh hoạt cộng đồng và cả khu lưu trú, quán cà phê… ở phố Hội đều bắt đầu dựng nêu đón tết.
Ở điểm đến Silk Village (Làng Lụa) - đường Nguyễn Tất Thành, TP.Hội An, từ nửa sau tháng Chạp cây nêu đã được dựng lên trong khuôn viên Silk Village.
Đây là một điểm đến khám phá văn hóa nên việc dựng nêu đón tết sẽ càng ý nghĩa, thực tế nhiều du khách ghé thăm cũng rất ấn tượng bởi cây nêu như khiến không gian Silk Village trở nên đặc sắc hơn.
Khi những tờ lịch cuối cùng của năm cũ dần rơi xuống, nhiều khoảng không của phố Hội bỗng ngập tràn hương quê. Một mái nhà tranh, dăm gánh cúc mâm xôi hay câu đối đỏ như khiến lòng người trở nên ấm áp hơn khi bắt gặp trong một chiều se lạnh cuối năm. Tết năm nay, người dân phố Hội nói riêng và những ai yêu Hội An đều có chung cảm xúc: nhớ Chùa Cầu.
Một nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng là người Hội An chia sẻ trên trang cá nhân: “Ở Hội An mà nhớ Chùa Cầu là có thật!”. Dòng cảm xúc xúc ấy khiến nhiều người giật mình, bởi trên đường du xuân năm nay, góc “check-in” làm nên thương hiệu của xứ đất ấy đang trong giai đoạn trùng tu.
Giá như có một mô hình Chùa Câu bằng tre được dựng lên bên cạnh, để những thao thiết nhớ vơi đi, để mỗi bước chân về phố bớt chênh chao. Như cái cách Nguyễn Bính nhớ quê xứ trong “Xóm Ngự Viên” vẫn còn nguyên vẹn: “Hôm nay có một người du khách/ Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên”...
Len lỏi trong các ngõ nhỏ của phố, những trang trí, sắp đặt không chỉ để thêm một chút sắc màu tươi mới cho phố xá. Tìm về giá trị xưa là cách mà thị dân gửi gắm vào không gian của phố như để nhắc nhớ rằng thẳm sâu vỉa tầng quê xứ vẫn âm thầm len lỏi trong mạch nguồn phát triển của đô thị.
Níu giữ hồn phố
Đã có nhiều cảnh báo e ngại về sự chuyển động của đô thị hóa sẽ làm phai nhạt bản sắc phố cổ Hội An. Trong độ tết về, một chiều nọ thưa dần lũ trẻ xúm xít xem ông đồ cho chữ.
Đêm giao thừa, trên các ngõ phố chính chỉ còn rải rác gia chủ chỉn chu cúng kính nguyện cầu những điều tốt đẹp cho năm mới. Là khi đó, mùi tết từ nén nhang trầm, sự ấm áp từ đốm lửa bập bùng đã vơi đi ít nhiều trong không gian phố thị.
Trong 5 yếu tố chính được Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) nhận diện có thể tác động đến di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam thì gần như phố cổ Hội An đều đang vấp phải.
Bao gồm: nguy cơ phát triển hạ tầng, sức ép môi trường, nguy cơ rủi ro thiên nhiên, sức ép từ du lịch và người dân sinh sống tại di sản.
Có thể thấy, Hội An đang rất chật vật trong việc gìn giữ và khôi phục được các nếp xưa phố cũ giữa vô vàn thách thức của nhịp sống đô thị hiện đại.
Tại một hội thảo về bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới được tổ chức ở Hội An, GS.TS Nguyễn Văn Kim - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, ý thức sâu sắc về nguồn cội, về không gian sinh tồn và những giá trị văn hóa riêng biệt là sức mạnh nội sinh, nhân tố căn bản để các thế hệ người Việt Nam vừa thâu nhận, bản địa hóa những yếu tố văn hóa bên ngoài vừa củng cố cấu trúc xã hội, văn hóa truyền thống, bên trong.
“Cấu trúc đó được bảo tồn trong các phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa và cảm thức sâu xa về giá trị nguồn cội. Trong thẳm sâu tâm thức mỗi người, chúng ta đều hiểu rằng con người từ khi sinh ra đã sống trong cái nôi văn hóa và lúc “trở về” cũng là về với những giá trị, không gian văn hóa nguồn cội” - GS.TS Nguyễn Văn Kim nói.
Đô thị và thị dân có sự tương tác, cộng sinh mạnh mẽ trong tiến trình phát triển. Chừng nào lớp thị dân gắn đời mình với phố còn trân quý những nếp xưa cấu thành dáng dấp phố thị, thì khi đó đô thị vẫn giữ được bản sắc của mình, nhất là trong mỗi độ tết đến xuân về…
Quốc Tuấn- Báo QN