Nghề truyền thống làm nhà hoàn toàn bằng vật liệu từ tre và cây dừa nước của người dân xã Cẩm Thanh (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) vừa được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, mang lại niềm tự hào cho cộng đồng thực hành di sản; đồng thời tiếp thêm động lực bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của địa phương.
Du khách trải nghiệm một lớp học làm đồ thủ công mỹ nghệ từ tre, dừa.
Không chỉ trực tiếp mang lại giá trị kinh tế cho người dân, nghề làm nhà bằng vật liệu từ tre và cây dừa nước còn là một nét văn hóa đặc sắc góp phần thu hút du khách, quảng bá hình ảnh Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung đến đông đảo công chúng trong nước và quốc tế.
Xã Cẩm Thanh nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, có địa thế gần như một bán đảo với bốn bề sông nước. Vị trí cửa sông ven biển cùng khí hậu đặc trưng tạo điều kiện thuận lợi cho cây dừa nước phát triển, quanh năm xanh tốt. Theo một số tài liệu lịch sử như địa bạ làng Thanh Châu, tư liệu làng Minh Hương, hiện được lưu trữ tại Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, thì cây dừa nước xuất hiện ở Cẩm Thanh khoảng đầu thế kỷ 18. Còn theo nhiều giai thoại trong dân gian, rừng dừa nước Cẩm Thanh có nguồn gốc từ các tỉnh miền nam, cư dân ở làng quê này trong quá trình giao thương bằng tàu bè trên sông, biển, đã đem giống cây này về trồng.
Tận dụng nguyên liệu tự nhiên cộng với sự sáng tạo, khéo léo của những người thợ, nghề làm nhà bằng tre và cây dừa nước đã hình thành và phát triển, gắn liền với làng quê Cẩm Thanh. Ngôi nhà làm bằng vật liệu tre và dừa nước có giá thành rẻ mà thời gian sử dụng lên đến 15-20 năm; mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát và luôn sạch sẽ, khô ráo trong khí hậu cửa biển mặn mòi. Ông Trần Bừa (thôn Thanh Tam, xã Cẩm Thanh) cho biết, từ năm 12 tuổi, ông được học nghề làm nhà tre và dừa nước từ ông nội. Đến nay, lão nông 84 tuổi này lại đang truyền nghề cho các con, các cháu và những người trẻ trong thôn có nhu cầu học.
Sau Cẩm Thanh, nghề làm nhà bằng tre và dừa nước cũng lan dần sang các vùng lân cận như Cẩm Châu, Cẩm Nam, Cẩm Kim... Để tạo dựng một ngôi nhà hoàn chỉnh thì khâu xử lý, gia công nguyên vật liệu là quan trọng hàng đầu. Bởi dù cho nhiều công đoạn có thể được máy móc hỗ trợ, thì tính thẩm mỹ và độ bền của thành phẩm hoàn toàn được quyết định bởi kinh nghiệm và tâm huyết của người thợ qua những thao tác thủ công nhất. Chẳng hạn như, tàu dừa phải được thu hoạch vào tháng 3 hoặc tháng 8 để đạt độ già tiêu chuẩn, tách ra sau đó ngâm nước rồi phơi khô. Tre phải được thu hoạch khi không ở mùa đẻ măng, thường là thu mua ở các huyện miền núi sau đó vận chuyển bằng đường sông xuống Cẩm Thanh... Tri thức dân gian được trao truyền qua nhiều đời, kinh nghiệm tích lũy theo thời gian và trở thành nghề truyền thống của một cộng đồng. Để sản phẩm hoàn chỉnh và đạt chất lượng, những người thợ không những phải kiên nhẫn, chăm chỉ mà còn có sự liên kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Do đó, nghề làm nhà từ vật liệu tre và cây dừa nước cũng phản ánh lịch sử, văn hóa làng quê ở Cẩm Thanh và cả đô thị - thương cảng Hội An (Faifo) trong tiến trình phát triển.
Khi đời sống khấm khá hơn, người dân ở các vùng nông thôn ưa chuộng các kiểu nhà hiện đại với vật liệu xây dựng mới thì nghề làm nhà bằng tre và cây dừa nước cũng từng có giai đoạn suy thoái. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình vẫn duy trì việc dùng tre, cây dừa nước để dựng hàng quán, điểm dừng chân phục vụ du khách. Cho đến những năm gần đây, nghề truyền thống này ở Cẩm Thanh có cơ hội phục hồi và vươn xa hơn khi số khách tham quan, du lịch ngày càng đông cũng như xu hướng du lịch xanh, du lịch sinh thái ngày càng thịnh hành. Rất nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, cửa hàng quà tặng trên địa bàn Hội An giờ đây ưu tiên vật liệu bản địa thân thiện với môi trường, chú trọng xây dựng và tạo cảnh quan bằng tre và cây dừa nước. Hàng thủ công mỹ nghệ, đồ nội thất làm hoàn toàn bằng tre, bằng cây dừa nước cũng là một dòng sản phẩm tiềm năng, mang lại giá trị gia tăng gấp nhiều lần nguyên liệu thô, được khách hàng đánh giá cao nhờ chất lượng và bản sắc văn hóa Việt Nam.
Hiện ở Cẩm Thanh có gần 200 thợ lành nghề, tạo sinh kế ổn định. Một số cơ sở sản xuất vật liệu từ tre và dừa nước còn trở thành điểm du lịch hấp dẫn, như xưởng tre của anh Võ Tấn Tân, xưởng tranh giấy dừa của anh Trương Tấn Thọ... Điểm chung của các nghệ nhân này là sinh ra và lớn lên tại chính xứ dừa nước Cẩm Thanh, được thừa hưởng kỹ năng và được trao truyền tình cảm, sự tâm huyết từ các thế hệ ông cha. Nghề truyền thống vẫn được họ chung tay giữ gìn và phát triển theo hướng nâng cao cả tính nghệ thuật lẫn tính ứng dụng; như các sản phẩm bằng tre, nứa đa dạng và hữu ích trong mọi gia đình: Các loại bình, giỏ, kệ, ghế, bát, cốc, ống hút, đồ chơi trẻ em...; hay tranh trang trí làm từ giấy dừa độc đáo và tinh xảo, hiếm nơi có được.
Song song với việc bảo tồn nghề truyền thống, chính quyền và người dân Hội An cũng nỗ lực khơi mở, phát huy giá trị nội tại để phát triển du lịch làng nghề theo hướng xanh và bền vững. Thời gian qua, Ủy ban nhân dân xã Cẩm Thanh đã triển khai và kêu gọi cư dân tham gia dự án phục hồi và bảo tồn rừng dừa nước Cẩm Thanh, chăm sóc và trồng mới để tăng diện tích cây, phục vụ phát triển du lịch và tạo nguồn nguyên liệu bền vững cho nghề truyền thống làm nhà tre, dừa. Trong các tour tham quan rừng dừa nước bằng thuyền thúng, người lái thuyền và hướng dẫn viên thường hướng dẫn khách tự làm một số món đồ đơn giản từ lá dừa như mũ, nhẫn, vòng, con rối... và được đón nhận tích cực. Việc được ghi nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh là một dấu mốc quan trọng trong việc nhận diện, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng cư dân làng nghề tre, dừa Cẩm Thanh. Với 6 nghề thủ công truyền thống được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tổng số gần 50 nghề thủ công truyền thống đang duy trì, thành phố Hội An có nguồn lực khá dồi dào khi tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO
Nhandan