Ngày nay, miếu Quan Công (hay còn gọi là chùa Ông) vẫn ở vị trí đối diện khu chợ chính của Hội An. Lần tu bổ vào thế kỷ XIX, đã định hình diện mạo kiến trúc của Quan Công miếu như hiện nay. Đến đây, chúng ta có thể nhìn thấy hệ khung mái được làm theo kiểu riêng rất độc đáo và những pho tượng được tạo tác hết sức mỹ thuật. Di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1991.
Trong tín ngưỡng dân gian ở Hội An, Quan Vân Trường (Quan Công, Quan Vũ)-danh tướng thời Tam Quốc (Trung Quốc) là một người khí tiết, trung, tín, nghĩa vẹn toàn nên được tôn sùng là Quan Thánh Đế Quân và lập miếu thờ tự. Ở Hội An, Quan Thánh Đế Quân còn được thờ trong nhiều gia đình, di tích cộng đồng của người Hoa, Minh Hương. Trong đó, thiết chế tín ngưỡng quan trọng, nổi tiếng nhất thờ Quan Thánh Đế Quân là Quan Công miếu, tên gọi khác là Chùa Ông, Trừng Hán Cung,… tọa lạc tại số 24 Trần Phú. Liền kề phía sau Quan Công miếu là chùa Bà (Minh Hương Phật tự).
Sách Đại Nam nhất thống chí (quyển 5) có chép “Miếu Quan Công ở phố Hội An huyện Diên Phước, do người Minh Hương xây thờ Quan Thánh Đế Quân, quy chế lộng lẫy. Năm Minh Mạng thứ 6, Thánh Tổ Hoàng Đế du tuần phương Nam, xa giá qua đền, ban thưởng cho 300 lạng bạc...”. Văn bia trong miếu - niên đại năm Qúy Dậu 1753 có ghi “Quan Thánh Đế Miếu và Quan Âm Phật tự bản xã đã xây dựng hơn trăm năm” như vậy thì muộn nhất là năm 1653 miếu đã được xây dựng. Tác phẩm Hải ngoại kỷ sự cho biết, Thiền sư người Hoa Thích Đại Sán khi hoằng pháp ở xứ Đàng Trong thời Chúa Nguyễn năm 1695 -1696 ông đã nghỉ chân tại Quan Phu Tử miếu (Miếu Quan Công) một thời gian. Một biển sắc phong bằng gỗ hiện treo trước miếu có ghi niên đại Khánh Đức Qúy Tỵ niên (1653). Căn cứ vào văn bia hiện còn tại miếu cho biết di tích đã trải qua nhiều lần tu sửa vào các năm 1753, 1783, 1827, 1864, 1904, 1966.
Chính giữa không gian thờ tự của miếu là tượng Quan Thánh Đế Quân, Quan Bình, Châu Xương, hai ngựa Bạch Thố và Xích Thố hai bên. Đặc biệt, nội thất được trang hoàng với hơn 30 bức hoành và 10 bộ câu đối ca ngợi công đức Quan Thánh Đế Quân như “Chí tại Xuân Thu công tại Hán - Trung đồng nhật nguyệt nghĩa đồng thiên” (nghĩa là: Chí tại sách Xuân Thu, lập công lao cho nhà Hán - Trung nghĩa từ nhật nguyệt, nghĩa khí cao bằng trời) hay “Tam Quốc anh hùng vô đối thủ - Nhất trường trung liệt hữu hoàn nhân” (nghĩa là: Thời Tam Quốc không có ai là đối thủ - trong trường trung liệt ngài là người hoàn hảo nhất). Trong miếu còn có các bảng khắc gỗ những bài thơ, bài tán của Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm – thân sinh đại thi hào Nguyễn Du và hai tùy tướng là tiến sĩ Nguyễn Lệnh Tân và tiến sĩ Uông Sĩ Dư khi đến Hội An vào năm 1775.
Quan Công Miếu là một trong những di tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, đặc biệt là kiến trúc nghệ thuật văn học, Hán Nôm. Mặc dù đây là di tích mang kiểu thức kiến trúc Hoa nhưng cũng đậm kết cấu, trang trí Việt do thợ địa phương (làng Kim Bồng) thực hiện. Đặc biệt, hệ thống hoành phi, câu đối chứa đựng nhiều giá trị đạo đức, nhân sinh lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Với những giá trị nổi bật về mặt kiến trúc nghệ thuật lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng và ý nghĩa về giáo dục, miếu Quan Công được cấp bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1991.
Nguồn: Trung tâm QLBTDS Hội An