Hội An không chỉ xinh đẹp bởi những danh lanh thắng cảnh tự nhiên mà còn bởi những kiến trúc văn hóa mang nét lịch sử đã trường tồn theo nhiều năm tháng; trong đó có nhà cổ Tấn Ký.
Đôi nét về nhà cổ Tấn Ký
Nhà cổ Tấn Ký tọa lạc tại số 101 trên con đường Nguyễn Thái Học thuộc Phường Minh An, Thành phố Hội An. Vị trí này rất đẹp vì cùng trên con đường đó là những địa điểm văn hóa - lịch sử nổi tiếng khác, có thể kể đến như: Bảo tàng Văn hoá Dân gian Hội An, Nhà biểu diễn Nghệ thuật Cổ truyền Hội An. Bên cạnh đó, từ đường Nguyễn Thái Học chạy ra tới ngã ba Châu Thượng Văn bạn sẽ bắt gặp ngay sông Thu Bồn - được mệnh danh là sông Mẹ của tỉnh Quảng Nam.
Giờ mở cửa tham quan nhà cổ Tấn Ký (từ Thứ 2 - Chủ Nhật)
08:00–11:30
13:30–17:45
Về lịch sử hình thành
Nhà cổ Tấn Ký được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1741 thuộc thế kỷ 18 bởi một thương nhân gốc Hoa thời bấy giờ mang tên Lê Công. Sau này khi đến đời sau, hậu duệ của ông đã đặt tên ngôi nhà là Tấn Ký. Đến nay, nơi đây đã có hơn 200 năm tuổi đời, được canh giữ bởi hậu duệ đời thứ 7 với đa phần kiến trúc vẫn được bảo tồn tốt dẫu cho đã trải qua nhiều đợt thiên tai. Vào năm 1990, nhà cổ Tấn Ký được chính thức công nhận là di sản văn hóa thế giới bởi UNESCO và đồng thời vinh danh là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.
Về kiến trúc
Nhìn từ bên ngoài, nhà cổ Tấn Ký khắc họa rõ nét kiến trúc hình ống cùng mái ngói âm dương thời xưa pha trộn cùng điểm nhấn thường thấy trong lối trang trí của người Trung Hoa là biển hiệu lớn khắc tiếng Hán và bên dưới có đề tiếng Việt để giới thiệu về tên gọi của căn nhà này.
Nhà cổ Tấn ký gồm tổng cộng 3 gian nhà, 2 gian hai bên và một gian giữa với lối kiến trúc giao thoa của 3 nền văn hóa Việt - Trung - Nhật và điểm đặc biệt là ngôi nhà này không có cửa sổ, ánh nắng được chiếu sáng qua những mảnh sân, hiên và gian nhà.
Tại nhà cổ Tấn Ký bạn có thể dễ dàng bắt gặp những chữ viết tiếng Hán khắc ghi trên các cột, các bàn ghế dùng để đãi khách, thưởng trà được chạm trổ hoa văn tinh xảo vừa cổ kính vừa sang trọng. Được biết, các loại gỗ được dùng đều là những loại gỗ quý, có thể kể đến như gỗ Lim,... thể hiện sự sung túc của chủ nhân. Trên trần nhà, thay cho bóng đèn hiện đại chính là những chiếc đèn lồng vàng thắp sáng không gian cùng xà nhà bằng gỗ, tất cả đều ánh lên nét cổ điển trong lối thiết kế kiến trúc nội thất.
Ngoài ra, một trong những cổ vật quý giá nhất được trưng bày tại nhà cổ Tấn Ký chính là chiếc chén Khổng Tử độc nhất vô nhị ở Việt Nam ta, có niên đại từ 550-600 năm về trước và được đựng trong lồng kính để du khách có thể đến và chiêm ngưỡng.
Một số lưu ý khi đi tham quan nhà cổ Tấn Ký
Khi tham quan hãy hạn chế tiếng ồn do tầng dưới nhà cổ Tấn Ký được mở cửa tham quan cho công chúng còn tầng trên thì gia đình chủ nhân vẫn còn sinh sống
Để tránh gây hư hại các cổ vật quý, quý khách vui lòng không chạm tay vào hiện vật
Sau khi tham quan, bạn có thể ghé quầy lưu niệm ở đây để mua quà về cho người thân và bạn bè
Bài và ảnh: Traveloka.com