Khi tới Hội An buôn bán ngày trước, giới thương gia có thể trao đổi, mua bán các mặt hàng “không thứ gì là không có”. Đó là những sản vật tiêu biểu ở vùng này như: tơ, cau, quế, hồ tiêu, trầm hương, yến sào, đường cát, đường phổi, cá muối, vàng bạc, trai ốc, gỗ quý, thuốc nam…
Thương cảng quốc tế Hội An ngày trước. Ảnh: ST
Có thể nói, bước sang thế kỷ 17,18 các nghề và làng nghề ở Hội An phát triển thật sự sôi động. Người Hội An đã sản xuất và trao đổi tấp nập nhiều mặt hàng. Điều kiện thuận lợi về chính sách, hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ là lý do chính để các nghề truyền thống Hội An hình thành và phát triển sâu rộng, tạo nền móng để các thế kỷ sau này một số nghề vẫn có thể tồn tại dù trải qua nhiều thay đổi, biến chuyển. Cộng thêm sự chịu thương, chịu khó, tìm tòi và sáng tạo của con người, nhiều ngành nghề ở Hội An không những được giữ gìn mà còn “sinh sôi, nảy nở” biểu hiện ở các hình thái, sắc thái khác nhau!
Sản phẩm làng gốm Thanh Hà, Hội An
Xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội lúc bấy giờ, các nghề được hình thành tập trung ở từng làng, thôn, xóm. Trước đó, nhiều nghề manh nha ra đời nhưng còn hoạt động nhỏ lẻ, manh mún thì đến lúc này đã hoạt động chuyên nghiệp hơn theo từng cụm làng, xã. Như ở Cẩm Phô, Minh Hương có các nghề bốc thuốc, lâm thổ sản. Ở Cẩm Kim có nghề mộc, đóng thuyền. Thanh Châu có nghề khai thác, chế biến yến…
Các nghề khai thác, chế tác trầm hương, yến sào, các sản phẩm từ gỗ rừng, làm lược sừng, thuốc bắc, thuốc nam… phù hợp thị hiếu của các nhà buôn nên bước vào giai đoạn “như cá gặp nước”.
Làng mộc Kim Bồng, Hội An
Khi nhu cầu thị trường lớn, ngoài việc khai thác các sản vật sẵn có, buộc con người phải khám phá, tìm kiếm, sáng tạo thêm trên nền ưu đãi của thiên nhiên. Dù các mặt hàng còn thô sơ và chưa có kỹ thuật chế tác, xử lý tinh vi nhưng đa số sản vật Hội An nói riêng, Quảng Nam, Việt Nam nói chung vẫn được các nhà buôn trên thế giới ưa chuộng.
Sản phẩm mộc Kim Bồng
Đến nay, một số nghề Hội An đứng trước cơ hội phát triển mạnh như may mặc, đồ mỹ nghệ, làm lồng đèn… để phục vụ thị trường du lịch. Trong thời gian tới, với nhiều chính sách hữu hiệu trong quá trình cam kết thực hiện các sáng kiến của thành phố sáng tạo, chắc rằng các nghề và làng nghề truyền thống Hội An sẽ được tiếp thêm sức mạnh, tạo đà để có thể cạnh tranh với các làng nghề, ngành nghề khác trên cả nước và trợ lực vào quá trình phát triển du lịch thành phố. Từ đó, góp phần tạo nên bản sắc độc đáo và tạo thêm thu nhập cho người địa phương.
Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An