Địa bàn hoạt động của nghề tre, dừa trước đây phân bố rải rác ở vùng Cẩm Châu, Cẩm Kim và nhất là khu vực Cẩm Thanh của thành phố Hội An. Nhưng hiện nay chỉ còn tập trung ở Cẩm Thanh, chủ yếu ở các thôn: Thanh Tam Đông, Thanh Tam Tây, Thanh Nhất, Cồn Nhàn, Thanh Nhì, Võng Nhi và một số ít hộ ở Cẩm Châu. Những địa phận này nằm ở phía Nam, Đông Nam thành phố Hội An, thuộc hạ lưu sông Thu Bồn và gần biển Cửa Đại do vậy vùng nước này thường xuyên bị ngập mặn, là địa bàn sinh trưởng của cây dừa nước.
Trong đó, xã Cẩm Thanh có vùng dừa nước với diện tích khá rộng lớn (84 hecta), dân gian gọi là rừng dừa bảy mẫu, phân bố ở các thôn: Thanh Tam Tây, Thanh Tam Đông, Thanh Nhất, Thanh Nhì, Vạn Lăng. Rừng dừa nước không chỉ có giá trị về mặt môi trường mà còn cung cấp nguyên liệu cho nghề truyền thống làm nhà bằng tre, lá dừa nước và một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác. Đây là điều kiện địa hình thuận lợi để nghề tre, dừa nước hình thành và phát triển.
Cẩm Thanh là xã ngoại ô nằm ở phía Đông thành phố Hội An, phía Bắc giáp phường Cửa Đại bởi sông Ba Chươm, phía Tây giáp phường Cẩm Châu bởi sông Cổ Cò, phía Nam giáp xã Duy Nghĩa bởi hạ lưu sông Thu Bồn, phía Đông giáp Cửa Đại, với hệ thống kênh rạch chằng chịt, chính vì thế từ xa xưa ở Cẩm Thanh đã hình thành nên nghề buôn bán bằng ghe bầu, cũng từ đó cây dừa nước ở tận Nam Bộ (theo ý kiến của một số nhân chứng thì giống dừa nước được đem từ Đồng Nai, Sông Bé, Long Xuyên về) đã được mang về bởi các thương lái ghe bầu.
Lúc đầu người ta đem dừa về trồng để chắn sóng, chắn gió nhưng qua thời gian với nhu cầu của cuộc sống, người ta đã biết vận dụng cây dừa để làm vật che nắng, che mưa. Bên cạnh vật liệu là dừa nước, Cẩm Thanh trước đây là làng quê thuần Việt, với nhiều luỹ tre đầu làng, vì thế tre cũng là vật liệu sẵn có tại địa phương. Ban đầu có thể chỉ là những người thợ khéo tay, kết hợp với nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương (tre và dừa) đã tự làm nên ngôi nhà cho chính gia đình mình, tiến đến tranh thủ thời gian nông nhàn nhận làm những ngôi nhà tre dừa cho những hộ trong làng, dần dần người ta đã hình thành nên phương thức làm nhà bằng tre dừa và cũng từ đó nghề làm nhà bằng tre, dừa nước đã hình thành trên mảnh đất Cẩm Thanh và lan dần sang các vùng khác như Cẩm Châu, Cẩm An, Cẩm Kim… Theo các cụ cao niên sống lâu năm trong nghề tại địa phương thì nghề làm nhà bằng tre, dừa ở Hội An có từ rất lâu đời, từ đời ông cố các cụ đã có dừa nước và họ đã biết làm nhà bằng dừa để ở.
Theo ông Trần Bừa, năm nay 75 tuổi, ở tại thôn Thanh Tam Đông - xã Cẩm Thanh - một trong những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, hiện vẫn còn theo nghề thì từ đời ông cố ông Bừa đã trồng cây dừa nước và làm nhà để ở, tiếp đến là đời ông nội là ông Trần Văn Huynh và ông đã học nghề này từ cha ông là ông Trần Ruộng từ năm 12 tuổi và làm cho đến nay. Như vậy, có thể khẳng định nghề làm nhà bằng tre, dừa nước ở Cẩm Thanh đã có từ những năm đầu thế kỷ XIX. Cũng theo các cụ, cách đây khoảng 60 năm ở Hội An có hàng chục hộ chuyên làm nghề sản xuất nhà tre dừa, ngoài ra còn có nhiều người có thể tự làm nhà dừa cho gia đình mình.
Trải qua năm tháng tồn tại và phát triển, nghề tre dừa nước Cẩm Thanh cũng có lúc tưởng như lụi tàn, mai một do sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều vật liệu xây dựng mới với giá rẻ, bền được ra đời thay thế dần vật liệu làm nhà bằng tre, dừa. Bên cạnh đó đời sống của người dân ở vùng nông thôn ngày càng khá lên, nhu cầu xây dựng nhà bằng tre dừa nước ngày càng ít dần, những người làm nghề lâu năm phải chuyển sang lĩnh vực khác đẻ tìm kế sinh sống, còn lại một số ít người duy trì nghề truyền thống. Tuy nhiên, những năm gần 4 đây kinh tế du lịch phát triển mạnh, lượng khách tham quan đến Thành phố ngày càng đông đã tác động thúc đẩy nhiều hoạt động dịch vụ mới hình thành, nhu cầu khôi phục, xây dựng mới các ngôi nhà truyền thống, hàng quán, hàng thủ công mỹ nghệ bằng chất liệu tre dừa ngày càng nhiều, nhờ đó nghề tre dừa nước ở Cẩm Thanh đã có cơ hội, điều kiện khôi phục lại.
Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An