1. Lịch sử hình thành Nghề thủ công Hội An
Đàng Trong nói chung, xứ Quảng, Hội An nói riêng, vốn là một vùng đất trù phú, giàu có về các loại nông - lâm - thủy - hải sản... Do đó, cộng đồng cư dân Hội An, ngoài việc kế thừa những gì vốn có ở cố hương trước khi đến đây, họ còn tiếp thu hoặc điều chỉnh để hình thành một số nghề thủ công và các nghề khai thác, chế biến khác... nhằm đáp ứng cho nhu cầu cuộc sống của họ. Tuy nhiên, ban đầu, về cơ bản, cũng như ở người Việt nói chung, ngành nghề thủ công hoặc các nghề khai thác, chế biến... đều được khai sinh từ nông nghiệp, người thợ vốn là người nông dân. Hàng loạt ngành nghề ra đời đều nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt tự cung, tự cấp của mình. Và như vậy, hoạt động các ngành nghề đều với tư cách là hỗ trợ nông nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu người nông dân trong sinh hoạt hàng ngày. Tính chất, cơ cấu của các ngành nghề về căn bản vẫn là mô hình sản xuất mang tính gia đình, công cụ dùng trong nghề nghiệp rất đơn giản, chủ yếu sử dụng sức người, sự bền chí và khéo tay. Thậm chí phần lớn hoạt động thường sản xuất theo kiểu nông nhàn, lực lượng lao động không chuyên nghiệp hóa đến mức tách hẳn khỏi nông nghiệp và trong khi sản xuất mọi thành viên gia đình đều có thể tham gia theo khả năng của mình.
Nhưng, vào đầu thế kỷ XVII, Hội An với vai trò là trung tâm trung chuyển mậu dịch, giao thương trong nước và cả khu vực, với sự nhập cư mạnh mẽ của thương nhân các nước Trung Hoa, Nhật Bản, sự giao lưu buôn bán của thương nhân các nước Đông Nam Á và phương Tây... trên cơ sở kế thừa thương cảng từ thời vương quốc Champa, nơi đây tiếp tục phát triển cực thịnh trong vai trò là một Đô thị thương cảng quốc tế nổi tiếng suốt gần 3 thế kỷ XVII, XVIII, XIX. Và đây chính là cơ may phát triển cho các ngành nghề thủ công và khai thác chế biến nông lâm - thủy hải sản... ở Hội An, với nhiều ngành nghề nhưng hết sức đa dạng, phong phú. Hơn nữa các ngành nghề này không chỉ đáp ứng cho nhu cầu của địa phương mà sản phẩm của họ còn đáp ứng cho nhu cầu dịch vụ của một cảng thị quốc tế đồng thời đã thoát ra khỏi ranh giới bó hẹp của một làng nông để trở thành hàng hóa xuất khẩu, cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt trên một địa bàn dân cư rộng lớn hơn ở trong nước, trong khu vực. Các ngành nghề này ở Hội An nằm rải rác khắp nơi gồm có:
- Nghề rèn: Nằm rải rác ở các điểm giao thông liên làng - xã, thôn - ấp.
- Nghề thau - thiếc: Tập trung ở làng Mậu Tài (nay ở phường Sơn Phong).
- Nghề làm gương lược (hàng xén): Tập trung ở Xuân Mỹ (nguyên là phường trực lệ - nay ở Thanh Hà).
- Nghề đan lát, làm nhà tre/ dừa, làm lồng đèn, liễn đối (bằng tre, gỗ),...: Tập trung ở các làng An Mỹ, Sơn Phô, Thanh Hà, Thanh Châu,...
- Nghề dệt vải, dệt chiếu, thêu: Tập trung ở các làng Cẩm Phô, Kim Bồng, Thanh Châu,...
- Nghề làm đường, làm dầu phụng, dầu mè: Ở An Mỹ, Thanh Châu, Sơn Phô, Thanh Hà, Kim Bồng.
- Nghề muối cà, muối mắm, làm nước mắm: Ở An Bàng, Phước Trạch, Thanh Châu, Cẩm Phô, Thanh Hà...
- Nghề nung vôi: Tập trung ở các điểm ven sông của làng Thanh Hà, Sơn Phô, Thanh Nam...
- Nghề làm thuốc Bắc, làm vàng mã - lịch, thợ kim hoàn: tập trung ở làng Minh Hương, Hội An.
- Nghề chế biến thực phẩm (tương ớt, chao, trứng vịt muối, xì dầu...), chế biến - đóng gói (cau, chè, trầu, quế...): tập trung ở các làng Minh Hương, Hội An, Cẩm Phô,...
- Nghề buôn ghe bầu của một số cư dân các làng ven sông chính như Thanh Châu, Cẩm Phô, Kim Bồng, Thanh Hà,...
- Nghề nề/ thợ hồ - xây dựng tập trung ở các làng Cẩm Phô, Kim Bồng.
Tuy nhiên, các nghề thủ công, khai thác có quy mô lớn, tập trung, thu hút nhiều lao động và sản phẩm có giá trị cao, nổi tiếng đáng kể ở Hội An đó là: Nghề mộc ở Kim Bồng, nghề gốm ở Thanh Hà và nghề yến ở Thanh Châu.
Có thể nói, yếu tố chủ đạo về kết cấu kinh tế của các làng/xã ở Hội An xưa phổ biến vẫn là nghề nông thường kết hợp với nhiều nghề phụ: Như đánh cá ở ven sông, ao, đầm, biển hoặc chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc thủ công (đan lát, rèn, làm nghề gốm, dệt, chế biến nông sản,...), buôn bán... Tiến hơn một bước có sự hình thành của làng buôn gắn với đô thị thương cảng bằng các nghề thủ công - chế biến, nông, lâm, hải sản hoặc làng thuần ngư nghiệp - nghề biển. Phải chăng, xuất phát từ điều kiện đặc thù của địa bàn cư trú, nguồn gốc dân cư và nhiều yếu tố lịch sử - xã hội khác nhau mà trên cơ sở nghề nông, các nghề truyền thống khác ở Hội An đã được hình thành một cách thích ứng, rất đa dạng, phong phú. Nhìn trên phạm vi tổng thể của từng làng/xã và của cả khu vực Hội An vừa có sự chuyên ngành, chuyên nghề, lại vừa có sự đan xen đa ngành, đa nghề. Chính vì thế khi nghiên cứu về gốc độ dân tộc học, chúng ta có thể thấy rất rõ vai trò của các xóm - phổ - vạn - phe/giáp... nghề trong không gian văn hóa làng/xã ở Hội An. Đây là yếu tố văn hóa đáng được quan tâm nghiên cứu.
2. Một số đặc điểm của làng nghề, nghề truyền thống:
Trong các thế kỷ trước, với vai trò là một đô thị - thương cảng có lịch sử lâu đời và là nơi tụ cư, hợp cư của nhiều thành phần cư dân liên tục trong nhiều thời kỳ, nhiều thế kỷ nên tại thương cảng Hội An, cùng với việc phát triển về hoạt động thương nghiệp - ngoại thương là sự ra đời và hoạt động nhộn nhịp của các ngành nghề, làng nghề thủ công. Qua khảo sát thực địa, đối chiếu với các tư liệu thư tịch và tư liệu dân gian, chúng tôi thấy rằng hoạt động của các nghề thủ công truyền thống, các làng nghề truyền thống ở Hội An có một số đặc điểm cần lưu ý.
2.1. Sự ra đời của các ngành nghề, làng nghề thủ công truyền thống ở Hội An là kết quả tất yếu của quá trình phát triển đô thị nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của các tầng lớp cư dân ở đô thị - thương cảng Hội An cũng như của thương khách nước ngoài. Có thể nói việc phát triển của các ngành nghề, làng nghề thủ công truyền thống ở Hội An và các vùng ven Hội An là biểu hiện sinh động của quá trình phát triển kinh tế thương nghiệp - ngoại thương, của quá trình đô thị hóa mà cụ thể là sự tách ra mạnh mẽ khỏi nông nghiệp của các ngành nghề truyền thống, của các hoạt động dịch vụ.
2.2. Các ngành nghề, làng nghề truyền thống ở Hội An phát triển đa dạng, phong phú, bao gồm nhiều nhóm nghề khác nhau, trong đó nổi bật là các nhóm nghề truyền thống liên quan đến hoạt động buôn bán, dịch vụ.
2.3. Sự phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống ở Hội An là sự tiếp nối truyền thống ngành nghề từ các vùng châu thổ Bắc bộ, Bắc Trung bộ trong điều kiện cư trú, sinh thái - nhân văn mới có sự tiếp thu, hoà nhập với truyền thống ngành nghề của cư dân bản địa là người Chăm, với cư dân các nước đã đến cư trú , buôn bán ở Hội An, đặc biệt là cư dân Trung Hoa và Nhật Bản.
Một thực tế cho thấy nhiều làng nghề truyền thống ở Hội An gắn sự phát triển lịch sử của mình với các tộc họ tiền hiền có nguồn gốc từ các vùng Thanh Nghệ như làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế v.v... Một số truyền thuyết về ngành nghề cũng cho thấy chúng có nguồn gốc từ các địa phương ở Bắc Trung Bộ như nghề làm thau cước Mậu Tài, nghề gốm Nam Diêu...
Việc chung cư với người Chăm, với cư dân Trung Hoa, Nhật Bản và Phương Tây đã tạo điều kiện để cư dân địa phương hình thành, phát triển một số nghề thủ công mang đậm dấu ấn giao lưu - hội nhập về văn hoá như nghề đóng ghe bầu, nghề làm kim hoàn, nghề làm vàng mã, nghề chụp ảnh và một số nghề dịch vụ khác...
2.4. Do quá trình chuyển vùng, quá trình giao lưu - tiếp biến nên phần lớn các ngành nghề, làng nghề ở Hội An:không xác định được danh tánh, lai lịch cụ thể của tổ nghề như ở Đàng Ngoài. Hiện tượng chung là nhiều nghề thờ những vị thần cổ đại có nguồn gốc từ Trung Hoa như Cửu Thiên huyền nữ, Ngũ hành tiên nương, Lỗ Ban, Lỗ Bốc hoặc dùng một danh hiệu chung là Bách nghệ tiên sư, Tổ sư, Thiên công...
Một số ít làng nghề, ngành nghề còn lưu truyền danh tánh những vị khai sáng, hoặc truyền nghề thì đó là những nhân vật có lai lịch muộn, gắn với quá trình di dân của người Việt vào các thế kỷ XVI - XVII như truyền thuyết về ông Trần Tiến, người làng Thanh Châu có công phát hiện ra yến sào, hoặc bà Phước và bà Tích, có công phổ biến nghề gốm ở Nam Diêu.
2.5. Các làng nghề, ngành nghề ở Hội An cũng gắn với một không gian văn hoá nhất định, với một địa bàn cư trú và một nhóm cư dân nhất định có mối liên quan về ngành nghề. Tuy vậy, cách thức tổ chức quản lý thường không chặt chẽ như các làng nghề ở Đàng Ngoài. Không gian cư trú, không gian văn hoá của nhiều làng nghề, xóm nghề ở Hội An là không gian mở, thông thoáng với nhiều đường giao thông cả về thuỷ lẫn bộ. Cho đến nay hầu như chúng tôi chưa tìm thấy một văn bản nào liên quan đến quy định, quy chế về tổ chức quản lý của các ngành nghề, làng nghề ở Hội An. Các hiệp thợ, nhóm thợ và những người cùng nghề ở đây cũng tổ chức hành nghề theo các phường, hội, phổ, vạn. Tuy nhiên qua khảo sát chúng tôi thấy rằng mối liên kết của các tổ chức này cũng mang tính mở, không gò bó, ép buộc. Mục đích tương tế, tín ngưỡng nổi lên như một yếu tố để liên kết các cá nhân trong cùng một tổ chức nghề nghiệp hơn là các quy định, quy chế mang tính nhà nước. Mỗi phường, hội, phổ, vạn thường có những địa điểm thờ tự các vị tổ nghề, các vị thần bảo hộ riêng, có ngày cúng vào dịp khai trương mở nghề đầu năm và tạ tổ cuối năm. Đây là một đặc điểm cần lưu ý khi khôi phục, phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống ở địa phương.
2.6. Một thực tế khá phổ biến ở Hội An là một làng thường chuyên về một số nghề, trong đó có những nghề nổi trội, phát triển mạnh tại một số xóm ấp của làng. Từ đó hình thành nên các xóm nghề, các vạn nghề nằm trong làng. Hiếm thấy trường hợp một làng chỉ chuyên về một nghề, có chăng thì chỉ thấy ở một số làng chài lưới mà thôi. Thực tế này đặt ra vấn đề cần phải định danh các làng nghề, xóm nghề một cách phù hợp cũng như việc xác định không gian văn hoá mang tính đặc trưng của từng xóm nằm trong làng hoặc xã. Có thể thấy điều này qua xóm gốm Nam Diêu, xóm rau Trà Quế, khai thác yến Trà Quân...
2.7. Phương thức truyền nghề lưu hành phổ biến của các làng nghề, ngành nghề ở Hội An cũng được thực hiện chủ yếu theo quan hệ gia đình, thân tộc. Tuy vậy, yếu tố giữ bí mật, bí quyết ngành nghề không nặng nề như một số nơi ở Đàng Ngoài, trừ trường hợp đối với một số nghề đặc biệt như làm vi cước cá, chế biến một số món ăn đặc sản. Quyết định sự phát triển của nghề là sự tiếp nối, kế thừa kỹ năng, kỹ xảo giữa các thế hệ thợ, nghệ nhân. Một thực tế cho thấy, do nhiều nguyên nhân, sự kế thừa này càng về sau càng yếu dần do lực lượng thợ trẻ không còn mặn mà với nghề cũ của cha ông chứ không phải do sự bí mật về nghề nghiệp. Thực tế này đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp về đào tạo, về tăng mức thu nhập của những người làm nghề thủ công truyền thống nếu muốn khôi phục, phát huy một số nghề của địa phương.
Các làng nghề, xóm nghề, ngành nghề truyền thống ở Hội An là những thực thể văn hoá sống động, gắn với quá trình phát triển của các vùng đất và cộng đồng dân cư, với không gian văn hoá, cảnh quan địa lý - sinh thái của từng làng xã, địa phương cụ thể. Vì vậy, có thể nói rằng, nếu đánh mất những thực thể này hoặc làm biến dạng chúng cũng có nghĩa là chúng ta đã đánh mất đi vốn di sản văn hoá mà cha ông đã dày công bồi đắp và truyền lại từ hàng trăm năm trước. Việc bảo tồn và phục hồi lại diện mạo sống động, nhộn nhịp của một số làng nghề, xóm nghề, ngành nghề truyền thống đặc trưng của địa phương tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng chắc chắn sẽ đạt được kết quả nếu chúng ta có những nhận thức đầy đủ, toàn diện về vai trò, vị trí, giá trị văn hoá của chúng, có những biện pháp phù hợp, có sự tham gia góp sức của nhiều cấp chính quyền, nhiều nhà chuyên môn và sự đồng thuận cao của nhân dân.
(Nguyễn Chí Trung - Trần Văn An, Nghề truyền thống Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn di tích Hội An, 2008)
Ảnh: Visit Hoi An