Nghề thủ công

Nghề thủ công

Nghề lợp ngói âm dương ở Hội An

Nhìn chung đây là một truyền thống có từ lâu đời, có thể được phát triển mạnh ở Hội An từ thế kỷ XVII. Hiện nay nghề này cũng đang duy trì hoạt động nhưng với qui mô hẹp dần trong khi nhu cầu lợp ngói âm dương cho các ngôi nhà truyền thống, di tích cổ là rất lớn. Sự phát triển của nghề này có vai trò quan trọng đối với công tác tu bổ di tích Hội An.

Nghề này có liên hệ mật thiết với nghề mộc xây dựng và nghề nề (chuyên về tô, xây). Sự thành công trong lợp mái ngói âm dương yêu cầu sự trao đổi, thông hiểu lẫn nhau của các kíp thợ trên. - Đội ngũ thợ lợp ngói âm dương cao tuổi hiện nay còn nhiều, đang lưu giữ nhiều tri thức dân gian liên quan đến nghề này nói riêng cũng như nghề xây dựng và nghề làm ngói âm dương nói chung. Những nghệ nhân này đang muốn truyền dạy nghề này cho lớp trẻ.

Qua tham khảo tư liệu, phỏng vấn nhân chứng và đối chiếu với niên đại của các di tích ở Khu phố cổ Hội An thì chúng tôi bước đầu suy đoán rằng nghề lợp ngói âm dương ra đời muộn nhất là từ thế kỷ XVII tức là thời gian Hội An là thương cảng phồn thịnh, nhiều công trình xây dựng phục vụ hoạt động thương mại và là thời gian nghề gốm Thanh Hà đã được hình thành và phát triển.

 Về hoạt động của nghề này trong thế kỷ XX, các nghệ nhân cao tuổi của nghề này kể rằng: vùng Kim Bồng, Cẩm Châu, Cẩm Phô là nơi có nghề lợp ngói âm dương phát triển. Ở Cẩm Châu có nhiều thợ, trong đó những người có tay nghề cao, làm lâu năm là ông Thương, ông Nho, ông Ngọt...; Ở Cẩm Phô có ông Ba, ông Khách, ông Tuân...; Ở Thanh Hà có ông Sang, ông Lệ, ông Bàn...; ở Cẩm Nam có ông Đi,....; Ở Cẩm Kim có ông Nhâm, ông Chương vừa làm nghề đắp vẽ, vừa là thợ lợp ngói âm dương, ngoài ra còn có ông Ba, ông Công... là những thợ chuyên lợp ngói âm dương.

 Hiện nay thì lực lượng thợ lợp ngói âm dương tập trung nhiều ở phường Thanh Hà. - Cũng có gia đình duy trì nghề này được 2, 3 đời trong thời gian gần đây nhất là gia đình ông Lê Bàn, ông Nhâm, ông Thương... nhưng phần đông số thợ trẻ này đã chuyển sang làm xây dựng. Vì vậy, hiện nay thợ lợp ngói âm dương có độ tuổi cao, chủ yếu là các thợ từ 50 tuổi trở lên. Những người trẻ theo học việc, phụ hồ còn rất ít, chỉ thấy ở nhóm thợ anh Cường. Điều này đang trở nên mâu thuẫn với nhu cầu tu bổ, lợp ngói âm dương hiện nay ở Hội An. Ông Lệ, một thợ lợp ngói cao tuổi lý giải cho việc giới trẻ ít quan tâm đeo đuổi của nghề này là yêu cầu sự chậm rãi, nhẹ nhàng, thận trọng khi thi công, di chuyển và sự chịu đựng mưa nắng tốt, đây là điều mà lớp trẻ hiện nay ít làm được.  Địa bàn thi công của các thợ lợp ngói âm dương ở Hội An chủ yếu ở Hội An và vùng ven Hội An.

Theo kinh nghiệm của các thợ lợp ngói âm dương và các thợ làm (nung) ngói âm dương thì khâu chọn ngói rất quan trọng, có tính quyết định đối với chất lượng, tuổi thọ, tính mỹ thuật của công trình.

Cũng theo kinh nghiệm của các thợ làm ngói và thợ lợp ngói thì trong 10.000 viên ngói của một mẻ nung có khoảng 1.000 ngói tím là ngói chín đều, có độ bền vĩnh viễn vì nằm ở gần cửa lửa nên chịu lửa cao. Nhưng ngói tím do chịu lửa cao nên thường bị vênh, trán. Các thợ lợp ngói cho rằng nên chọn ngói nung củi vì lửa củi nóng chậm, lan đều, thấm lâu vào ngói nên viên ngói cứng. Còn ngói nung than đá không tốt vì than đá cháy nhanh, nhiệt độ cao dễ cháy quắn và nếu có chín thì chín không đều.

Ở Thanh Hà trước đây làm ngói rất nhiều. Trước Giải phóng thì có ông Ban Sáu, ông Võ Công Khanh... làm ngói, gạch. Sau giải phóng thì có Hợp tác xã gạch ngói Cẩm Hà thì có rất nhiều hộ làm gạch, ngói âm dương. Hợp tác xã không bao gồm các hộ làm gốm. Hiện nay, do hoạt động nung đốt ngói âm dương bằng củi bị cấm hoạt động vì làm ô nhiễm môi trường nên người dân phải mua ngói âm dương nung bằng ga, than đá từ Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên. Loại ngói này không có chất lượng cao, làm giảm tuổi thọ của công trình. Ở Thanh Hà, hiện cũng còn một số thợ làm ngói ở Thanh Hà gia công phôi cho các lò ngói ở các địa phương vừa kể trên.

Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Go top