Nghề thủ công

Nghề thủ công

Nghề làm đèn lồng Hội An - nét đặc sắc của mỹ thuật ứng dụng

Nhắc nhắc đến Hội An mọi người thường nhớ đến nghề thủ công mỹ nghệ làm lồng đèn. Hiện tại nơi đây có hơn 10 cơ sở sản xuất lồng đèn truyền thống cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế.

Ảnh minh họa: Visit Hoi An

Từ những chiếc đèn lồng đặc sắc

Nghề làm lồng đèn ở Hội An bắt đầu từ nhiều thế kỷ trước và ngày một hoàn thiện theo thời gian. Có rất nhiều nghệ nhân làm lồng đèn sống rải rác ở Hội An. Một số người chuyên làm về chế tạo khung, đảm bảo tạo hình quả cầu, hình giọt nước, hình trụ... được uốn từ tre. Một nhóm khác là thợ thủ công, họa sĩ vẽ các hình, hoa văn trang trí lên vải tơ lụa để làm lồng đèn. Có những người chuyên vẽ trang trí lồng đèn ở các khách sạn hay treo ở nơi thờ tổ tiên của các gia đình Hội An.

Theo các bậc cao niên sống lâu tại Hội An, “Ông tổ” của nghề làm đèn lồng Hội An có tên là Xã Đường, chuyên làm đầu lân và lồng đèn cho những đêm hội hay các cuộc thi đấu xảo, thi đèn kéo quân… Với việc đô thị cổ Hội An được công nhận di sản thế giới, nghề làm đèn lồng sau thời gian mai một đã có cơ hội hồi sinh và thăng hoa. Tiếp thu kỹ thuật từ những chiếc đèn xưa, người Hội An đã không ngừng cải tiến, mày mò sáng tạo để những chiếc đèn lồng về sau càng đa dạng về mẫu mã và phong phú về chất liệu…


Đèn lồng tô sắc đẹp cho phố. Ảnh: Visit Hoi An

Một trong số những người có công làm sống lại chiếc đèn lồng ở Hội An phải kể đến nghệ nhân Huỳnh Văn Ba, người tiên phong phục chế và tạo dáng lại chiếc đèn lồng, hình thành chiếc đèn lồng khung tre bọc vải ngày nay. Tài năng của ông đã sớm được người Nhật để ý đến, và Chính phủ Nhật đã từng mời ông sang Nhật để giới thiệu về cách làm lồng đèn tại Việt Nam.

Đèn lồng Việt Nam được đánh giá là mang những giá trị tạo hình, thẩm mỹ và văn hóa thuần Việt, đã được Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường chất lượng Quảng Nam công bố tiêu chuẩn với 9 kiểu dáng gồm các đèn hình tròn, bát giác, lục giác, hình trái bí, củ tỏi, hình thùng, hình quả đu đủ, hình bánh ú, hình dù… Ngoài ra còn có cả những chiếc đèn kéo quân, hình rồng, hình con cá với đủ sắc màu. Điều thú vị là tại Hội An vẫn tồn tại những chiếc đèn lồng có tuổi đời hơn trăm năm, được chế tác từ gỗ qúy, chạm trỗ cầu kỳ và trên mỗi tấm kính là một tác phẩm hội họa thực sự. Các gia đình sinh sống lâu đời ở đây đã trân trọng chúng như một cách gìn vàng giữ ngọc, và chỉ đưa ra sử dụng vào những đêm lễ hội hoa đăng.

Ngày 18-12-2008, đèn lồng Hội An đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp chứng nhận “Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể sản phẩm đèn lồng Hội An”, một bước đi quan trọng trong nỗ lực bảo vệ thương hiệu của sản phẩm vốn được xem là hồn của phố cổ.

Trải qua nhiều thời kỳ phát triển, đèn lồng Hội An đã có nhiều biến tấu, phù hợp với thị hiếu người dùng. Nhìn chiếc đèn lồng trông đơn sơ nhưng để làm nên chiếc đèn lồng xinh xắn, hoàn hảo là cả một quá trình đòi hỏi sự tỷ mẩn, từ khâu thiết kế hình dáng đến chọn nguyên liệu, màu sắc, tranh vẽ và cả kỹ thuật lắp ghép… Người thợ làm đèn lồng phải có lòng yêu nghề và sự say mê sáng tạo mới có thể gửi cả tâm tình vào công việc, thổi hồn vào từng sản phẩm, biến mỗi chiếc đèn lồng thành một tác phẩm nghệ thuật thực sự.

Ảnh: Xuân Anh

Nguyên liệu chính để làm lồng đèn là tre và vải lụa. Tre làm đèn lồng phải là loại tre già còn tươi, người thợ sẽ chẻ ra rồi cưa cắt thành từng khúc theo quy cách của mỗi mẫu đèn. Để bảo đảm độ bền và tránh mối mọt, người thợ còn phải nấu kỹ tre rồi ngâm 10 ngày trong nước muối. Tiếp đến đem tre phơi khô, chẻ rồi vót thành từng nan mỏng tùy theo yêu cầu của mỗi loại đèn. Vải bọc phải là vải xoa hoặc lụa tơ tằm có độ dai để khi căng dán không bị rách. Tùy theo màu sắc của vải mà đèn sẽ có những ánh sáng khác nhau, từ màu đỏ may mắn, màu gấm huyết dụ kiêu sa đến sắc xanh dịu ngọt, màu vàng tươi vui…

Quy trình làm đèn lồng gồm hai công đoạn chính là làm khung tre và bọc vải. Trước tiên, nan được gắn vào hai vòng gỗ ở hai đầu để định hình khung và được kết nối bởi những sợi dây dù, tiếp đến người thợ phải chỉnh sửa để có một khung đèn cân xứng. Vải được cắt trước thành nhiều mảnh theo kích thước của đèn, người thợ sẽ bôi keo lên các nan khung rồi dán vải lên khung đèn. Việc căng vải đòi hỏi phải rất khéo léo để căng thẳng góc ở những đoạn cong. Sau khi dán xong vải, người thợ sẽ dùng kéo cắt tỉa những phần dư thừa. Tiếp đến khung đèn sẽ được vẽ hay trang trí trước khi gắn chuôi vào để hoàn thành sản phẩm.

Bằng lao động cần cù và tư duy sáng tạo, nhiều nghệ nhân tâm huyết với nghề đã luôn trăn trở, tìm cách làm mới và phong phú hóa sản phẩm, vận dụng nhiều nguyên liệu mới, thân thiện và gần gũi như hạt cườm, mây, sắt, gỗ, vải hoa, vải bóng nhiều màu sắc và một số loại sợi nhân tạo để đan kết và bọc đèn. Những sáng tạo của những người thợ, nghệ nhân làng nghề nơi đây đã làm cho đèn lồng phố Hội ngày càng đa dạng và bắt mắt hơn.

Đèn lồng Hội An ngày nay không chỉ phô diễn màu sắc, hình dáng, kích cỡ… mà còn biến tấu với nhiều kiểu như thêu ren gắn với các biểu tượng, di tích văn hóa, lịch sử ở địa phương và khu vực, thêu chữ thư pháp… Ngoài những sản phẩm đèn lồng theo cách truyền thống, những nghệ nhân đèn lồng Hội An ngày nay còn nghiên cứu, sáng tạo nên những loại đèn lồng có thể xếp gọn để dễ mang đi xa… Nhiều cơ sở còn thực hiện làm đèn lồng theo mẫu mã và đặt biểu tượng theo nhu cầu của du khách.


Ảnh: Traveller+
 

Đến "Đêm rằm phố cổ" lung linh

Chương trình “Đêm rằm phố cổ” lần đầu tiên vào năm 1998 với bối cảnh là những năm đầu thế kỷ XX. Trong suốt những năm qua, cứ vào đêm 14 âm lịch hàng tháng, phố cổ Hội An lại trở nên lung linh trong ánh sáng của những chiếc đèn lồng.

Vào những ngày này, các tuyến đường ven sông Hoài thuộc khu phố cổ như Trần Phú, Lê lợi, Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai… đều cấm xe cộ lưu thông từ 16 giờ và đến đúng 18 giờ, các đèn lồng được thắp sáng đồng loạt thay cho ánh điện thường ngày, tạo điều kiện cho cư dân phố Hội phô diễn những tiết tấu đèn lồng…

Lạc vào không gian cổ tích, có thể tìm gặp từ những quán mì Quảng, cao lầu nóng hổi thơm ngon bên chiếc đèn dầu le lói sáng, các hàng quán bán nước uống ven sông đến những làn điệu hò khoan, bài chòi hay ngâm thơ, đối đáp làm rộn ràng cả một khu vực… Một điều không kém thú vị là hội thả đèn trên sông Hoài - được tự do thả những chiếc đèn hoa làm bằng giấy xuống mặt nước, biến cả một đoạn sông thành những nét chấm phá lung linh xao động giữa màn đêm…

Từ lâu, những chiếc đèn lồng đã trở nên thân thiết, gắn bó với phố cổ Hội An, đến nỗi thật khó tưởng tượng một phố cổ sẽ như thế nào nếu thiếu sự duyên dáng sinh động của những chiếc đèn lồng… Đèn lồng Hội An không chỉ đi vào đời sống của cư dân phố Hội mà đã trở thành một đặc sản, một động lực kích cầu du lịch, thu hút sự quan tâm của du khách cả trong và ngoài nước.

Bài viết: Ninh Ngọc

 

Go top