Trong lịch sử, nghề gốm Thanh Hà cung cấp ngói, gạch và các phụ liệu khác góp phần xây cất lên các công trình kiến trúc ở Khu phố cổ Hội An. Gốm Thanh Hà được tạo tác mỹ thuật, bền đẹp, phù hợp đời sống dân sinh và xuất khẩu sản phẩm đến nhiều nơi trong, ngoài nước. Thời kỳ thịnh đạt nghề gốm đã sản xuất được hơn 40 loại hình gốm. Thời kỳ đầu xây dựng Kinh kỳ, triều đình đã trưng dụng nhiều thợ gốm lành nghề ra Huế. Có nhiều thợ được vua ban sắc phong và các chức tước Cửu phẩm.
Trải qua bao thăng trầm, nghề gốm Thanh Hà là nơi thể hiện bản lĩnh nghề rõ nhất. Từ năm 2001, UBND thị xã Hội An kịp thời ban hành Quyết định số 320/QĐ-UBND “Phê duyệt phương án tổ chức tuyến tham quan làng gốm Thanh Hà” nên đã đưa làng gốm và nghề gốm Thanh Hà hồi sinh trở lại, song hành việc bảo tồn phát triển nghề và cung ứng du lịch dịch vụ. Theo Văn phòng hướng dẫn tham quan trực thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình Hội An, nếu năm 2001 chỉ có 300 khách, thu vé không đủ chi cho lực lượng bảo vệ, hướng dẫn thì đến năm 2018 kinh phí thu từ vé tham quan làng gốm Thanh Hà đạt 16,541 tỷ đồng.
Nhờ phát triển du lịch nên đời sống nhân dân trên địa bàn khởi sắc. Các hộ sản xuất thu nhập hàng tháng từ sản phẩm gốm làm ra hơn 6 triệu đồng. Đời sống các hộ tham gia làm dịch vụ du lịch và làm gốm được nâng lên. Đặc biệt, một số hộ nhận sản xuất theo đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp xây dựng và du lịch đã có thu nhập lớn, tạo nên không khí hào hứng chung trong làng. Một số thanh niên đã bắt đầu tiếp thu, nâng cao tay nghề từ các nghệ nhân. Số hộ sản xuất gốm đã tăng lên đến con số 32.
Hiện nay kinh phí thu được từ bán vé tham quan làng gốm đã chuyển cho địa phương 60% và có phương án chi riêng, trong đó đặc biệt ưu tiên bồi dưỡng cho lực lượng làm gốm qua 3 loại, đứng đầu là nghệ nhân, tiếp theo là thợ giỏi, cuối cùng là thợ nghề. Bình quân thu nhập hàng tháng từ vé tham quan cho: cấp nghệ nhân là 7 triệu đồng, cấp thợ giỏi là 6 triệu đồng, cấp thợ nghề là 5 triệu đồng. Có thu nhập, hoạt động nghề gốm đã có động lực để cải tiến mẫu mã, nâng cao tay nghề để tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Sản phẩm gốm ở làng gốm Thanh Hà hiện nay bao gồm các chủng loại sau: một là gốm con thổi làm trò chơi; hai là gốm dân dụng, mặt hàng này có phần hạn chế nhưng vẫn tạo nên hình ảnh hấp dẫn, thông dụng với đời thường; ba là gốm phục vụ xây cất, tu bổ di tích, loại này được các nhà thầu đặt hàng tùy theo nhu cầu; bốn là gốm mỹ nghệ trang trí các khách sạn, khuôn viên biệt thự, nhà ở,... loại này có một số được khách đặt, một số làm dư ra để bán cho đối tác tự do. Riêng loại gốm mỹ nghệ này đòi hỏi khâu làm đất phức tạp, công phu hơn, nhờ vậy, người thợ gốm có thể dùng khuôn tạo hình từ trước để sản xuất nhanh hơn.
Khó khăn lớn nhất hiện nay của làng gốm là thiếu không gian sản xuất, nhân lực lao động và áp dụng kỹ thuật, cải tiến mẫu mã. Tại làng, nhiều người bán hàng cho khách du lịch vẫn chưa biết ngoại ngữ gây trở ngại trong giao dịch. Nghiệp vụ thương mại, giao dịch, tiếp xúc ứng xử với du khách chưa được thường xuyên phổ cập nên ít nhiều còn những phiền phức không đáng có.
Hoạt động tham quan du lịch tại làng gốm liên tục phát triển. Chỉ tính riêng năm 2019, hoạt động này đã thu 32 tỷ đồng. Ngày 9/3/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 864/QĐ-UBND về việc công nhận “Điểm du lịch làng gốm Thanh Hà”.
Ngày 27/8/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 2965/QĐ-BVHTTDL công bố Nghề gốm Thanh Hà được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Nguyễn Đức Minh