An Hội (thuộc phường Minh An) là mảnh đất đã từng có lực lượng đông đảo dân cư tham gia dệt chiếu, trở thành xóm sản xuất chiếu chuyên nghiệp với tên gọi “Xóm Chiếu”. Nghề dệt chiếu ở Hội An được hình thành từ nhiều nguyên do khác nhau và đã tồn tại, phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử. Theo hồi cố dân gian, nghề dệt chiếu du nhập vào Hội An muộn nhất vào cuối thế kỷ XIX. Đầu tiên là ở vùng đất phía Nam sông Thu Bồn tiếp giáp với các làng dệt chiếu nổi tiếng của huyện Duy Xuyên, Điện Bàn như làng chiếu Bàn Thạch, An Phước, Triêm Tây. Những làng chiếu này được hình thành từ rất sớm như làng chiếu Bàn Thạch, An Phước vào khoảng thế kỷ XVI, làng chiếu Triêm Tây hình thành vào thế kỷ XVIII. Trong quyển Xứ Đàng Trong năm 1621, Cristophoro Borri mô tả “Trong tất cả nhà cửa người Đàng Trong, dù nghèo nàn đến đâu đi nữa, người ta cũng giữ ba cách ngồi. Cách thứ nhất kém hơn cả là ngồi trên chiếu trải trên đất bằng và đó là cách ngồi của những kẻ cùng cấp bậc. Cách thứ hai là ngồi trên thứ dây bố hay dây da căng thẳng có trải chiếu nhỏ và mịn hơn, dành cho người đáng kính hơn” [1: 52]. Như vậy, vào đầu thế kỷ XVII, chiếu đã trở thành vật dụng phổ biến trong tất cả các gia đình Xứ Đàng Trong nói chung, Hội An nói riêng.
Ngoài những làng chiếu nổi tiếng nói trên, ở Quảng Nam còn có nhiều xóm, làng chuyên dệt chiếu như làng chiếu Thạch Tân ở Tam Kỳ, xóm chiếu Hội Sơn, Nghĩa Lệ ở Duy Nghĩa - Duy Xuyên. Sự hình thành nghề thủ công dệt chiếu ở Quảng Nam gắn liền với quá trình Nam tiến khai hoang lập làng lập xóm của các nhóm cư dân lưu vực sông Hồng, sông Cả, sông Mã. Tương truyền, nghề dệt chiếu được du nhập vào nước ta vào khoảng thời Tiền Lê, Tổ nghề là Phạm Đôn Lễ người làng Hới - Thái Bình [4:102]. Chiếu làng Hới nổi tiếng khắp nơi như câu thành ngữ người dân thường nói: “Ăn cơm Hom, nằm giường Hòm, đắp chiếu Hới”.
Nếu như nghề dệt chiếu ở Phước Thắng ảnh hưởng từ làng chiếu An Phước, Triêm Tây thì nghề dệt chiếu ở Đông Hà lại ảnh hưởng từ làng chiếu Bàn Thạch. Sự ảnh hưởng này không phải ngẫu nhiên mà có nguồn gốc xã hội rõ ràng. Những thiếu nữ làng chiếu lấy chồng rồi mang theo nghề nghiệp của tổ tiên về vun trồng phát nghiệp nơi quê chồng ở đất Hội An.
Trải qua các thời kỳ thăng trầm của lịch sử, do nhiều yếu tố xã hội khác nhau, nghề dệt chiếu ở Hội An từng bước lan tỏa trên phạm vi rộng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiều thợ dệt chiếu của các làng chiếu tiếp giáp với Hội An đến tụ cư sinh sống tại vùng đất bãi bồi ấp Ngọc Thành. Tại đây họ tiếp tục hoạt động sản xuất chiếu, tạo lập nên xóm chuyên nghề dệt - Xóm Chiếu. Xóm Chiếu ngày nay thuộc An Hội, gồm những thợ dệt chiếu là người Nghĩa Lệ, Bàn Thạch, An Phước (thuộc huyện Duy Xuyên). Hoạt động sản xuất chiếu trong thời kỳ này rất sôi nổi, có lúc lên đến hàng trăm khung dệt. Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh nên hoạt động sản xuất của Xóm Chiếu và các nơi khác ở Hội An diễn ra không thường xuyên. Sau ngày thống nhất đất nước, một bộ phận cư dân ở Xóm Chiếu trở về xây dựng lại xóm cũ làng xưa nên số hộ làm chiếu ở An Hội giảm sút đáng kể. Tuy nhiên hoạt động sản xuất trong thời kỳ này vẫn còn mạnh, đặc biệt là trong giai đoạn sản xuất Chiếu xuất khẩu (Chiếu ngoại thương). Với chủ trương tập trung sản xuất, nhiều tổ hợp sản xuất chiếu ra đời như Tổ hợp sản xuất chiếu Cẩm Phô, Tổ hợp sản xuất chiếu An Hội, Hợp tác xã sản xuất chiếu Cẩm Kim. Hoạt động của các tổ hợp sản xuất diễn ra thường xuyên, thu hút được nhiều người tham gia, số lượng khung dệt tăng đáng kể. Ngoài những khung chiếu tại gia đình, ước tính trong thời kỳ này mỗi tổ hợp sản xuất có đến vài chục khung dệt như Tổ hợp sản xuất chiếu An Hội có đến 20 khung. Những tổ hợp sản xuất chiếu này tồn tại đến những năm 1992, 1993 thì bị giải thể.
Trong những năm gần đây, do những đặc điểm nghề nghiệp cũng như nguồn nguyên liệu bị thu hẹp, hiệu quả kinh tế thấp và đặc biệt là sự phát triển của hoạt động dịch vụ du lịch... mà qui mô sản xuất của nghề chiếu bị thu hẹp, lực lượng tham gia sản xuất chỉ còn những người lớn tuổi, hoạt động sản xuất diễn ra không thường xuyên. Trước đây, nhiều nơi như khối I, II phường Cẩm Phô..., nhiều hộ có đến 2 khung dệt như hộ nhà bà Bảy Yên, nhà bà Ngọc... thì nay không còn hộ nào tham gia sản xuất. Vùng An Hội - Xóm Chiếu xưa kia nay chỉ còn 4 khung dệt hoạt động cầm chừng.
Nói như thế không phải nghề dệt chiếu ở Hội An hoàn toàn bị suy thoái. Thực tế, nhiều vùng ở xã Cẩm Kim nghề chiếu đang loan tỏa, phát triển mạnh, thu hút lực lượng lao động nông nhàn hoặc những ngư dân nhàn rỗi trong mùa mưa tham gia. Tuy nhiên, với họ, dệt chiếu chỉ là nghề phụ để kiếm thêm thu nhập và cũng chỉ sản xuất những loại chiếu thường (chiếu hàng chợ).
Cùng với sự phát triển của du lịch, với chủ trương đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển du lịch văn hóa, du lịch làng nghề..., nghề dệt chiếu ở Hội An đang có những biến chuyển tích cực, trở thành đối tượng phục vụ tham quan du lịch với hình thức trình diễn nghề. Nghề dệt chiếu bắt bông (miền Bắc gọi là chiếu cải) dường như đã thất truyền, nay được phục hồi đang góp phần tạo ra những sản phẩm có giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao, đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu mỹ cảm đa dạng của người dân.
Hoạt động sản xuất chiếu ở Hội An diễn ra quanh năm, bắt đầu từ ngày mồng 6 tháng Giêng đến khoảng ngày 25, 26 tháng Chạp Âm lịch. Tuy vậy, thường tập trung vào những tháng cuối năm. Những tháng sau Tết Nguyên Đán số lượng khung dệt hoạt động không nhiều vì một bộ phận lực lượng lao động tham gia công việc đồng án, ngư nghiệp. Vào những tháng mưa, số lượng khung dệt hoạt động tăng lên đáng kể do sự tham gia sản xuất của những người làm nông, đánh bắt sông nước. Khoảng tháng 11, tháng Chạp âm lịch, nhu cầu chiếu trên thị trường tăng đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất chiếu. Số lượng khung dệt hoạt động tăng, có hộ có đến 2 khung dệt hoạt động, lực lượng tham gia đông đảo, sản xuất cả loại chiếu hàng chợ và chiếu hàng đặt. Trong đó chủ yếu là chiếu hàng đặt, loại chiếu có chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Như vậy, thời vụ sản xuất, qui mô sản xuất của nghề chiếu bị ảnh hưởng trực tiếp từ thời vụ sản xuất của một số ngành nghề khác, điều kiện tự nhiên, nhất là nhu cầu thị trường.
Nếu như nhiều nghề thủ công khác ở Hội An, lực lượng lao động tham gia chủ yếu là nam giới như câu thành ngữ mà người dân Kim Bồng thường nói “Đàn bà làm nông, đàn ông làm thợ”, thì đối với nghề dệt chiếu, nữ giới là những người thợ thực thụ, tài hoa. Dệt chiếu là nghề nhẹ nhàng đơn giản dễ học, dễ làm nên thu hút được đông đảo lực lượng là người già và trẻ em. Trẻ con trong nhà khoảng 10 tuổi đã biết làm chiếu.
Tùy thuộc vào vị trí địa lý, nhu cầu của thị trường, tính chuyên nghiệp trong sản xuất mà hình thành một số vùng chuyên sản xuất một loại chiếu nhất định. Các vùng ven Hội An như Đông Hà, Phước Thắng của Cẩm Kim chuyên sản xuất loại chiếu thường (chiếu hàng chợ), trong khi đó thợ dệt chiếu ở vùng An Hội, Cẩm Phô... lại chuyên sản xuất loại chiếu đặt. Trước giải phóng, Xóm chiếu ở An Hội chuyên sản xuất chiếu trắng thì nay chủ yếu dệt chiếu màu, chiếu đặt.
Với tính đặc thù nghề nghiệp nên tổ chức sản xuất chiếu chỉ hoạt động theo từng gia đình. Không có hiện tượng tập trung nhiều người thợ sản xuất vào một tổ chức cụ thể theo kiểu xưởng, trại sản xuất... như ở một số ngành nghề thủ công khác. Trước đây có thời gian tập trung sản xuất theo mô hình tổ hợp có xưởng sản xuất riêng với hàng chục khung dệt do nhà nước quản lý nhưng không tồn tại được lâu dài. Đối với những vùng có nhiều người dệt chiếu thì trong hoạt động sản xuất tồn tại hình thức làm thuê, làm đổi công. Làm chiếu đổi công là hình thức mà trong đó hai người thợ kết hợp với nhau để sản xuất một loại sản phẩm nhất định theo kiểu sản phẩm đầu thuộc về người thợ này thì sản phẩm kế sau thuộc về người kia với điều kiện sản phẩm sẽ thuộc về ai thì dùng nguyên liệu của người đó.
Lực lượng lao động nghề chiếu chia làm hai loại gồm thợ, người học việc. Người học việc đa số là trẻ con trong gia đình. Người thợ có khả năng thực hiện tốt các khâu trong qui trình sản xuất, có khả năng thiết kế mẫu mã sản phẩm. Người học việc được thợ hướng dẫn cách thức làm chiếu theo trình tự các qui trình sản xuất.
Công cụ của nghề dệt chiếu của cư dân Hội An rất đa dạng, thường làm bằng tre, cau, gỗ và kim loại. Những công cụ này rất thô sơ đơn giản. Có lẽ nghề dệt chiếu kham khổ, một nắng hai sương “Hai thước đất suốt một đời lao khổ” nên những công cụ của nghề được người thợ gọi với cái tên cũng rất kham khổ, dân dã như cây lao, chiếc khổ, con ngựa, cái kẹo, cây đòn ngáng (ngang)...
Khung (không) dệt chiếu đóng ở trong nhà. Nhà ở của cư dân Hội An thường chia thành ba không gian với chức năng riêng gồm nhà trên là nơi thờ tự, tiếp khách; nhà dưới là nơi sản xuất thủ công nghiệp, nhà bếp. Khung chiếu thường bố trí ở nhà dưới, mặt hướng ra đường. Khung chiếu có các bộ phận gồm phía sau là hàng nọc (hàng trục) được chôn chặt xuống nền đất. Thông thường có 5 cây cọc bằng gỗ, đầu mỗi cây cọc được đục một lỗ nhỏ để luồn 1 cây tròn gọi là cây trục. Cây trục làm bằng thân cau già vót nhẵn hoặc bằng tre, gỗ. Phía trước có hai cây cọc gỗ được đóng chặt vào nền đất để giữ cây đòn ngáng (ngang). Đòn ngáng (ngang) làm bằng đoạn tre già thẳng, hai đầu buộc hai sợi dây gọi là dây néo. Dây néo vắt choàng qua đòn ngáng và đòn đông. Đòn đông nằm ở trước chiếc khổ để giữ những múi (mối) sân luồn tréo giữa các khe, lỗ của chiếc khổ. Đòn đông làm bằng đoạn tre ống già, thẳng chắc, nhẹ.
Chiếc khổ (miền Bắc gọi là cái go) được làm bằng tre và gỗ, gồm hai bộ phận là vỏ, răng. Hai thanh gỗ có tiết diện hình chữ “V” được gắn lại với nhau bởi 4 thanh tre tạo thành chiếc khung hình chữ nhật gọi là vỏ khổ. Răng khổ làm từ thân tre già vót đều, giữa răng khổ dùi một cái lỗ để xỏ các múi sân. Răng khổ được sắp và đóng chặt vào hai mặt của vỏ khổ sao cho lỗ của răng mặt bên này tương ứng với khoảng cách giữa hai răng khổ mặt bên kia. Khoảng cách giữa hai răng khổ được gọi là kẻ (khe). Làm khổ trở thành một nghề riêng gọi là nghề đóng khổ do một thợ chuyên nghiệp đảm trách. Nếu làm một cái khổ mới gọi là đóng khổ, nếu có sẵn vỏ khổ chỉ cần đóng thêm răng gọi là sắp khổ. Khổ có hai loại: khổ thường, khổ sân đôi. Đóng khổ sân đôi phức tạp hơn đóng khổ thường. Khổ có chiều dài từ 100cm - 170cm, thông thường người thợ đóng khổ có kích thước là con số chẵn gồm khổ dài 1m; 1m20; 1m40; 1m60. Dân làm chiếu ở Hội An thường đặt thợ đóng khổ các ở làng chiếu lân cận thuộc huyện Duy Xuyên đóng mới hoặc sắp lại khổ.
Cây Lụi (Lao) làm từ đoạn tre già hoặc thân cây cau khô đã được đoạn từng khúc và chẻ thành những thanh nhỏ với kích thước thích hợp, sau đó vót nhẵn hay bào láng mặt ngoài, một đầu được mứt (vót) nhọn để quấn cây lát gọi là mũi lụi, đầu kia gọi là gốc lụi. Cây lụi dài khoảng 2m. Thợ dệt chiếu miền Bắc gọi cây lụi là cây chao hay cây văng. Người dân làm nghề dệt chiếu ở Hội An thường mua loại công cụ này ở làng chiếu Bàn Thạch.
Con ngựa làm bằng một đòn tre già nhỏ có đóng chân, dài từ 1m40 - 1m80, được đặt dưới dây sân để nống căng hàng dây sân. Ghế làm chiếu làm bằng gỗ hoặc tre, có bốn chân, dài từ 1m10 -1m60, được đặt dưới chiếc chiếu cho thợ ngồi dệt. Kẹo chắp sân là làm từ lóng tre ống, mặt bên đục một rãnh dài dọc thân, phía trên dùi những lỗ nhỏ để cắm chốt tre, hai đầu đóng 2 cái mấu để treo.
Dao chẻ lát gồm cán làm bằng tre hoặc gỗ dài khoảng 60cm, lưỡi mỏng làm bằng kim loại, có kích thước 8cm x 20cm. Dao chẻ lát được mua hoặc đặt làm ở các lò rèn vùng ven Hội An. Liềm, dằng bứt/cắt lát được đặt mua ở các lò rèn, cấu tạo gồm lưỡi và cán. Cán làm bằng gỗ hoặc tre, lưỡi bằng sắt.
Ghim dùng để ghim những múi sân ở hai đầu chiếc chiếu, thân ghim làm bằng tre, nhỏ như chiếc đũa, một đầu nhọn dẹp, giữa thân có một đường nẻ để kẹp múi sân.
Ngoài ra còn có những công cụ khác như cây bỏ lụi, công cụ để cắt xén, chùi chiếc như dao xén chiếu, dao chùi chiếu. Ông bà ta thường nói: “Có bột mới gột nên hồ”. Trong hoạt động sản xuất của bất kỳ nghề thủ công nào, thao tác đầu tiên cần thực hiện là chuẩn bị nguyên liệu sản xuất. Trong nghề dệt chiếu, lát (cói) và đay (nguyên liệu làm dây sân) là hai nguyên liệu chính. Ngoài ra còn có một số nguyên liệu phụ như phẩm màu...
Đây là loại cây công nghiệp có giá trị cao. Đay không chỉ là nguyên liệu của nghề thủ công dệt chiếu mà còn là nguyên liệu của nhiều ngành công nghiệp, thủ công nghiệp khác như dệt bao bì, giấy, gỗ ép... và se dây thừng. Đay có hai loại là đay xanh, đay cách thuộc hai họ khác nhau. Đay xanh thuộc họ Điền ma còn đay cách thuộc họ bông. Cây đay sinh sống ở miền nhiệt đới. Đất đai thổ nhưỡng nhiều vùng ở Hội An rất thuận lợi cho cây đay sinh trưởng và phát triển như vùng Trung Châu, Phước Thắng thuộc xã Cẩm Kim. Tuy nhiên diện tích sản xuất đay ở các vùng này không nhiều nên thợ dệt chiếu ở Hội An phải mua nguồn nguyên liệu này từ vùng Duy Phước, Duy Vinh, Vĩnh Thọ. Khi thu hoạch đay, người ta bóc bỏ lõi, lấy phần vỏ. Vỏ đay được cạo sạch chất nhờn rồi phơi khô gọi là sân vỏ. Sân vỏ được người thợ dệt chiếu mua về tước thành từng sợi nhỏ rồi chắp thành sợi dài gọi là sân chắp. Thao tác này được gọi là chắp sân. Công cụ để chắp sân là Kẹo chắp sân. Thợ dệt chiếu có thể tự chắp sân để làm hoặc mua từ những người thợ chuyên nghiêp.
Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An