Thoạt tiên ông Hội chỉ sản xuất được loại da cứng (da đế) để làm đế giày, rương da, hòm da các loại cung cấp cho thị trường. Các loại da mềm để làm mặt giày, túi xách, vẫn phải nhập về từ miền Bắc. Sản xuất phát triển đến giai đoạn chín năm kháng chiến chống Pháp (1945- 1954), ủng hộ chủ trương tiêu thổ kháng chiến nên ông đóng xưởng để đi tản cư. Nghề sản xuất da tại Hội An tạm ngưng từ đây.
Mãi cho đến đầu thập niên 60, ông Trần Thanh Ruộng (thường gọi là ông Học Da) người gốc Cẩm Thanh, Hội An mở xưởng sản xuất da thô tại khu vực Xuân Lâm, Cẩm Phô, nay là địa điểm 565 đường Hai Bà Trưng, Hội An. Nhờ nguồn da tươi khá dồi dào, xử dụng nguyên liệu tự nhiên tại địa phương để xử lý nên sản phẩm da của ông có chất lượng tốt, màu sắc đẹp, do đó ngoài việc cung cấp cho thị trường Hội An ông Học Da còn thông qua chủ hiệu Thuận Sanh tại phố Nguyễn Thái Học cung cấp da thô vào Sài Gòn để sản xuất thành da má (da mềm). Công việc phát triển đến năm 1975, sau đó do thị trường sản phẩm da xuống dần vì lý do kinh tế, mặt khác việc vận chuyển hàng hóa vào Sài Gòn có nhiều khó khăn lại không có người nối nghiệp nên ông phải đóng xưởng vào năm 1976.
Một số dụng cụ nghề thuộc da - Ảnh: Trương Nguyên Ngã
Vào giữa thập niên 80 kinh tế có đà khởi sắc, các sản phẩm da lại được ưa chuộng tại Hội An. Nắm bắt được nhu cầu tại địa phương, ông Nguyễn Vui trước đó học nghề thuộc da của ông Nguyễn Chạy ở Cẩm Khê, Tam Kỳ, cho các con trai của mình là Nguyễn Lương, Nguyễn Tưởng vào học nghề thuộc da đế tại hợp tác xã Da Tam Kỳ. Sau khi ra nghề ông Lương, ông Tưởng trở về Hội An mở xưởng sản xuất tại Tu Lễ, trong một kiệt nhỏ tại đường Hùng Vương bây giờ.
Được một thời gian, do nhu cầu thị trường đòi hỏi nên ông Lương vào Sài Gòn học nghề làm da má. Trở về xưởng nhờ tìm hiểu, sáng tạo trên những gì đã học được ông bắt đầu sản xuất các loại da trơn, da màu, và các loại hoa văn trên da như giả da cá sấu từ các nguyên vật liệu tại chỗ, nhờ các loại máy móc như ru- lô nhiệt, lò sấy điện, máy phun sơn tự chế nên giá thành sản phẩm thấp, do vậy sản phẩm của xưởng này có thể cung cấp cho thị trường các tỉnh miền Trung và cả Sài Gòn.
Đến đầu thập niên 90, hàng Trung Quốc ồ ạt nhập vào thị trường Việt Nam trong đó có cả mặt hàng da thành phẩm. Nhờ sản xuất công nghiệp nên da Trung Quốc đa dạng, mềm đẹp hơn da sản xuất tại địa phương, bên cạnh đó họ lại đổi da thành phẩm lấy da tươi để mang về Trung Quốc xử lý nên nguyên liệu da tươi ngày càng khó thu mua. Hơn nữa, các loại simily giả da cũng của Trung Quốc ngày càng chiếm lĩnh thị trường làm sản xuất của xưởng ông Lương, ông Tưởng đình trệ khiến họ phải đóng xưởng, bỏ nghề. Nghề thuộc da tại Hội An có lẽ chấm dứt từ đây.
…Đến sản xuất thủ công các mặt hàng da
Đầu thế kỷ 20, ông Bùi Quý Toại vốn người miền Bắc học được nghề may bóng da và giày da thể thao từ người Pháp, gặp lúc phong trào bóng đá đang phát triển ông Toại lập một đoàn đi khắp Đông Dương để quảng bá cho bóng đá. Ban đêm ông tổ chức đấu võ đài để giao lưu với thanh niên tại những địa phương đoàn đến tạm cư. Ban ngày ông phát bóng và bày cho họ cách chơi đá bóng, khi đoàn rời đi ông bán bóng và giày với giá rẻ cho thanh niên địa phương để họ có thể tiếp tục chơi.
Sau một thời gian lưu lạc ông Toại định cư tại Hội An và mở hiệu giày Tân Dụng, chuyên sản xuất bóng da, giày thể thao và túi xách. Có lẽ đây là hiệu giày đầu tiên ở Hội An. Sau này các con, cháu của ông tiếp tục nối nghiệp như ông Bùi Quý Xuất mở hiệu Lợi Dụng, ông Bùi Quý Ngọc mở hiệu Đồng Lợi trên đường Lê Lợi bây giờ.
Sản xuất sản phẩm da thủ công tại Hội An ngày nay - Ảnh: Trương Nguyên Ngã
Học trò của ông Toại là ông Tưởng Ngọc Vân dân địa phương thường gọi chệch âm là Chín Dân, khi ra nghề cũng mở hiệu Lợi Hưng trên đường Nguyễn Thái Học. Hiệu Lợi Hưng thiên về sản xuất giày tây, dép có quai hậu (sandales), túi xách cho công chức và thị dân ở địa phương. Nhờ có tay nghề khéo nên sản phẩm của hiệu này rất được ưa chuộng.
Tiếng lành đồn xa nên ông Vân được mời tham gia hội chợ Đấu Xảo Kỷ Nghệ lần thứ IV do người Pháp tổ chức tại Đông Dương, diễn ra tại Hội An năm 1939. Theo một bằng chứng nhận do chính quyền thời đó cấp, những sản phẩm của hiệu giày Lợi Hưng có chất lượng tuyệt hảo và đã đoạt huy chương vàng tại hội chợ lần này.
Ông Vương Hữu Chí vốn là rể của ông Nguyễn (Ngọc) Hội cũng mở một cửa hiệu giày da tại đường Nguyễn Thái Học, sau dời về đường Lê Lợi. Sau 1975 ông hành nghề trở lại được vài năm rồi nghỉ hẳn.
Vào thập niên 80 học trò của các hiệu giày bắt đầu mở cửa hiệu trên khu phố cổ, có thể kể đến các hiệu giày nổi tiếng như: Minh Hưng, Chức, Kiệt, Văn Tửu, Tư, Bình, Nam, Thái An, Như Ý,… chủ yếu là sản xuất giày da, dép có quai hậu (sandales) và dép da (sa-po). Vào thời gian này xí nghiệp Giày Da Hội An cũng được thành lập, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, xí nghiệp này hoạt động được vài năm rồi đóng cửa.
Đầu thập kỷ 90 giày dép Trung Quốc tràn ngập thị trường, đa dạng mẫu mã và giá rẻ đã làm cho sản xuất của các hiệu bị đình trệ, tuy có một số cửa hiệu lớn cố gắng cầm cự, nhưng cũng có người bỏ nghề chuyển sang nghề khác.
Cuối thập niên 90 trở lại đây nhờ du lịch phát triển, du khách ngoại quốc nhận thấy các sản phẩm da thủ công được sản xuất tại địa phương có chất lượng cao, tinh xảo, giá thành hợp lý nên rất thích thú đặt mua. Nhiều người trong số họ còn đặt hàng với số lượng lớn để kinh doanh tại chính quốc. Ngành sản xuất các mặt hàng da thủ công tại Hội An như được hồi sinh trở lại.
Học trò tại những cửa hiệu ngày xưa bây giờ có thể trở lại hành nghề, họ lại đào tạo được một thế hệ tay nghề mới để giữ nghề. Hy vọng trong một tương lai không xa sản phẩm da thủ công tại Hội An sẽ có một thương hiệu trên thị trường da thế giới như ngành sản xuất lồng đèn Hội An đã từng có.
Bằng chứng nhận tham gia hội chợ Đấu xảo Kỷ Nghệ Đông Dương lần thứ IV cấp cho hiệu giày Lợi Hưng- 1939. Ảnh: Trương Nguyên Ngã
Nội dung bản dịch:
HỘI CHỢ FAIFO
CHỨNG NHẬN TRIỂN LÃM.
Ngài công sứ Pháp tại Faifo chứng nhận ông: Tưởng Ngọc Vân hiệu giày Lợi Hưng tại Faifo, đã tham gia hội chợ triển lãm lần thứ IV diễn ra từ ngày 27.05 đến ngày 04.06 năm 1939, hàng hóa được trưng bày:
- Kỹ nghệ giày da.
Với chất lượng hàng hóa tuyệt hảo.
Để chứng thực điều này, ông ấy đã được trao bằng chứng nhận và huy chương vàng của hội chợ triển lãm.
Công Sứ Pháp tại Faifo; Chủ tịch hội đồng triển lãm; Tổng đốc Quảng Nam.
Ký tên Ký tên Ký tên
Tác giả bài viết: Trương Nguyên Ngã
Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An