Hội An là vùng đất bao bọc bởi sông biển, nên nghề chài lưới và đánh bắt cá trở nên phổ biến và phát triển từ xưa. Các vùng ven sông ven biển như Cẩm An, Thanh Nam, Cẩm Kim tập trung nhiều hộ dân làm nghề này.
Cẩm An hiện nay là địa điểm tập trung nhiều nhất nghề đánh bắt cá ở Hội An. Các hoạt động nghề diễn ra sôi động, trên nhiều hình thức. Ngoài việc cung cấp sản phẩm phục vụ đời sống, nghề đánh bắt trên biển của ngư Cẩm An còn bảo lưu được vốn văn hóa dân gian. Những kinh nghiệm đi biển, đi sông, đánh bắt, chế biến, hệ thống các từ ngữ chỉ hoạt động ngành nghề, những câu ca dao tục ngữ, những truyền thuyết, chuyện cổ tích giàu trí tưởng tượng. Nhiều làn điệu, hò vè (giựt chì, kéo neo, đẩy thuyền, kéo lưới, bả trạo, vè cá, vè hải trình,....). Ngoài ra còn cả hệ thống các quan niệm, tín ngưỡng, kiêng cữ mang đặc trưng nghề khá đa dạng, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa của cư dân ven biển Hội An.
Thanh Nam xưa có tên là Cồn Chài. Trong lịch sử, làng chài Thanh Nam đã đóng góp rất lớn vào ngành kinh tế ngư nghiệp, cung cấp các sản phẩm phục vụ nhu cầu đời sống nhân dân.
Hiện nay, nghề chài Thanh Nam còn lưu giữ được nhiều công cụ đánh bắt trên sông nước, những tập tục độc đáo, những câu chuyện kể lý thú đầy tính giáo dục nhân văn, những kinh nghiệm nghề riêng không thấy ở các địa phương khác.
Hiện nay với những cảnh quan làng quê yên bình cùng những kinh nghiệm của nghề chài truyền thống còn được giữ gìn, những giá trị lịch sử, văn hóa của làng chài, Thanh Nam đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn tạị Hội An.
Cẩm Kim hiện nay vẫn còn nhiều hộ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông biển. Các vụ mùa đánh bắt thường diễn ra trong mùa gió thuận “trời yên biển lặng”. Một số hộ đầu tư cơ sở vật chất hiện đại để đánh bắt xa bờ. Với những đóng góp lớn vào sản lượng đánh bắt, phục vụ nhu cầu nhân dân và cả xuất khẩu đến các vùng khác, nghề đánh bắt cá tại Cẩm Kim đã góp phần vào việc gia tăng thu nhập và duy trì ngành nghề truyền thống này trên địa bàn xã.
Trung tâm VH-TT&TT-TH Hội An tổng hợp