Phường Cẩm An được xem là một cực phát triển du lịch mới để lan tỏa không gian du lịch Hội An nhưng các sản phẩm du lịch biển ở đây cần được hoàn thiện, nâng cấp để tăng sức hút và tạo ra giá trị lớn hơn cho ngành du lịch.
An Bàng là điểm đến du lịch biển sôi động ở Quảng Nam hiện nay. Ảnh: CTV
Điểm nhấn mới của du lịch Hội An
Hơn 10 năm trước, khu vực biển Cẩm An vẫn là một làng chài heo hút, toàn bộ không gian phường Cẩm An cũng rất hoang sơ, ít có du khách vãng lai dù cách khu phố cổ Hội An không xa.
Từ thời điểm biển Cửa Đại bị sạt lở nặng, Cẩm An mới dần trở thành một điểm đến hấp dẫn. Đến nay, trên địa bàn phường đã có đến 269 cơ sở lưu trú.
Lượng khách du lịch đến địa phương năm 2023 đạt hơn 176 nghìn lượt (trong đó có hơn 80% là khách quốc tế).
Cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành đã được trao Giải thưởng du lịch ASEAN và là điểm nhấn đặc sắc cho du lịch biển Cẩm An. Ảnh: Q.T
Cẩm An là "hiện tượng" thú vị của du lịch Quảng Nam khi trên địa bàn phường có đến 2 mô hình từng nhận được Giải thưởng du lịch ASEAN.
Đó là làng du lịch An Bàng và cộng đồng chợ phiên làng chài Tân Thành. Đồng thời trở thành 2 điểm đến không thể bỏ qua với du khách khi đến Hội An trong những năm gần đây.
Những năm gần đây, việc được vinh danh ở các giải thưởng quốc tế giúp thương hiệu du lịch biển Cẩm An không ngừng nâng cao. Có thể kể đến việc biển An Bàng lọt tốp 50 điểm thư giãn tốt nhất thế giới năm 2023 theo Spa Seekers, tốp 25 bãi biển đẹp nhất châu Á theo Tripadvisor, Shore Club An Bang Beach lọt tốp 10 câu lạc bộ bãi biển sang trọng nhất Đông Nam Á theo SCMP...
Ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm An cho hay, 20 năm từ thời điểm thành lập phường, cơ cấu kinh tế Cẩm An đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ thuần ngư sang kinh tế du lịch - dịch vụ. Giá trị sản xuất ngành du lịch - dịch vụ năm 2023 của phường đạt hơn 176 tỷ đồng (tăng 40% so với năm 2022).
Quang cảnh buổi tọa đàm phát triển du lịch Cẩm An bền vững diễn ra sáng nay 11/1. Ảnh: Q.T
Hoàn chỉnh hệ sinh thái sản phẩm
Là điểm đến mới nổi nên Cẩm An cũng gặp phải nhiều rào cản trong quá trình định vị thương hiệu du lịch.
Ông Nguyễn Thành Công nhìn nhận, không gian phát triển du lịch Cẩm An chưa cân đối, chủ yếu tập trung khu vực ven biển. Sản phẩm du lịch còn ít, đơn điệu, khó giữ chân khách, môi trường du lịch kinh doanh còn nhiều vấn đề ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Cẩm An nói riêng và Hội An nói chung.
Qua nghiên cứu có đến 71,9% khách quốc tế đến các tỉnh ven biển của Việt Nam. Có 59% lượng khách nội địa đến các tỉnh ven biển nước ta. Tổng thu từ khách du lịch của 28 tỉnh, thành ven biển chiếm 67% tổng thu ngành du lịch cả nước.
Theo bà Phạm Quế Anh - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch HoiAn Express, đơn vị đã đưa các bãi biển ở Cẩm An vào khai thác tour du lịch, giới thiệu đến khách nước ngoài từ lâu và vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện, mở rộng.
Cần duy trì thường niên các sự kiện, lễ hội biển ở Cẩm An để thu hút du khách. Ảnh: Q.T
Điều thuận lợi là không gian du lịch biển Cẩm An phù hợp với cả khách nội địa lẫn khách quốc tế. Biển Cẩm An có thể nâng cấp nhiều loại hình như cắm trại, trò chơi gắn kết; du lịch xanh; lễ hội; nghỉ dưỡng, văn hóa... tương ứng với các phân khúc thị trường.
"Địa phương cần đề xuất cấp trên sớm quy hoạch và triển khai lại hoạt động thể thao biển. Duy trì chợ phiên, duy tu các mô hình tái chế trên trục đường Nguyễn Phan Vinh. Vận động duy trì hoạt động kéo lưới thường xuyên để du khách tham quan, trải nghiệm" - bà Anh đề xuất.
Cần sớm quy hoạch và triển khai lại hoạt động thể thao biển ở An Bàng để nâng cao sức hút điểm đến, gia tăng trải nghiệm cho du khách. Ảnh: Q.T
Còn ông Lê Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo TP.Hội An thì cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện các dịch vụ nhằm tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho du lịch Cẩm An. Từ đó tạo cơ sở để du khách tăng cường chi tiêu tại chỗ thay vì chỉ là điểm dừng chân, trong đó cố gắng lấy cộng đồng địa phương làm chủ thể thì mới phát triển bền vững.
baoquangnam