Hội An có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, từ thời Tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh, vùng đất này đã mang những yếu tố của một “cảng thị sơ khai”. Tiếp nối truyền thống ấy, cư dân Lâm Ấp - Champa trên vùng đất Hội An xưa đã tham gia mạnh mẽ vào mạng lưới hải thương của khu vực và thế giới, phát triển vùng đất này với Đại Chiêm hải khẩu thành một Lâm Ấp phố lừng danh một thời.
Vào thời kỳ trung đại, trong quá trình Nam tiến, khai phá xứ Quảng, bằng những chính sách thoáng mở của các chúa Nguyễn đã tạo điều kiện cho sự nhập cư mạnh mẽ của thương nhân các nước Trung Hoa, Nhật Bản, sự giao lưu buôn bán của thương nhân các nước Đông Nam Á và phương Tây,... Hội An tiếp tục phát triển cực thịnh trong vai trò là một Đô thị thương cảng quốc tế nổi tiếng suốt gần 3 thế kỷ XVII, XVIII, XIX.
Đây chính là điều kiện và tiền đề cho sự phát triển các ngành nghề thủ công và khai thác chế biến nông lâm - thủy hải sản,... ở Hội An với nhiều ngành nghề nhưng hết sức đa dạng, phong phú và có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời, trong đó có nhiều nhóm nghề truyền thống liên quan đến các hoạt động buôn bán dịch vụ, đó cũng là nét đặc trưng cơ bản của nghề truyền thống Hội An so với các địa phương khác trong toàn tỉnh Quảng Nam.
Cũng như nghề/làng nghề truyền thống ở đất Quảng ít có nguồn gốc thuần túy bản địa, sự phát triển các nghề/làng nghề truyền thống ở Hội An là sự tiếp nối truyền thống các ngành nghề từ vùng châu thổ Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trong điều kiện cư trú, sinh thái nhân văn mới, có sự tiếp thu hòa nhập với truyền thống các ngành nghề của các cư dân Chăm bản địa, với cư dân các nước đến buôn bán ở Hội An, đặc biệt là Trung Hoa, Nhật Bản và cả phương Tây.
Các ngành nghề này không chỉ đáp ứng cho nhu cầu của địa phương mà còn phục vụ cho nhu cầu dịch vụ của một cảng thị quốc tế, đồng thời đã thoát ra khỏi ranh giới bó hẹp của một làng nông để trở thành hàng hóa xuất khẩu, cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt trên một địa bàn dân cư rộng lớn hơn ở trong nước, trong khu vực.
Do quá trình chuyển vùng, quá trình giao lưu - tiếp biến nên phần lớn các nghề/làng nghề ở Hội An không xác định được danh tánh, lai lịch cụ thể của Tổ nghề như ở Đàng Ngoài. Một số ít làng nghề, ngành nghề còn lưu truyền danh tánh những vị khai sáng, hoặc truyền nghề thì đó là những nhân vật có lai lịch muộn, gắn với quá trình di dân của người Việt vào các thế kỷ XVI - XVII.
Các làng nghề, ngành nghề ở Hội An cũng gắn với một không gian văn hóa nhất định, với một địa bàn cư trú và một nhóm cư dân nhất định có mối liên quan về ngành nghề. Tuy vậy, cách thức tổ chức quản lý thường không chặt chẽ như các làng nghề ở Bắc Bộ. Không gian cư trú, không gian văn hóa của nhiều làng nghề, xóm nghề ở Hội An là không gian mở, thông thoáng với nhiều đường giao thông cả về thuỷ lẫn bộ.
Một thực tế khá phổ biến ở Hội An là một làng thường chuyên về một số nghề, trong đó có những nghề nổi trội, phát triển mạnh tại một số xóm ấp của làng. Từ đó hình thành nên các xóm nghề, các vạn nghề nằm trong làng. Hiếm thấy trường hợp một làng chỉ chuyên về một nghề. Theo khảo sát bước đầu của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa, các ngành nghề này ở Hội An phân bố đều khắp ở các khu vực đô thị và nông thôn và hải đảo Cù Lao Chàm:
- Nghề rèn: Nằm rải rác ở các điểm giao thông liên làng - xã, thôn - ấp; nghề thau - thiếc: tập trung ở làng Mậu Tài (nay ở phường Sơn Phong).
- Nghề làm gương lược (hàng xén): Tập trung ở Xuân Mỹ (nguyên là phường trực lệ - nay ở Thanh Hà).
- Nghề đan lát, làm nhà tre/dừa, làm lồng đèn, liễn đối (bằng tre, gỗ),... tập trung ở các làng An Mỹ, Sơn Phô, Thanh Hà, Thanh Châu,...
- Nghề dệt vải, dệt chiếu, thêu, đan võng ngô đồng,… tập trung ở các làng Cẩm Phô, Kim Bồng, Thanh Châu, Tân Hiệp,...
- Nghề làm đường, làm dầu phụng, dầu mè,… ở An Mỹ, Thanh Châu, Sơn Phô, Thanh Hà, Kim Bồng.
- Nghề muối cà, muối mắm, làm nước mắm: Ở An Bàng, Phước Trạch, Thanh Châu, Cẩm Phô, Thanh Hà, Tân Hiệp,...
- Nghề nung vôi: Tập trung ở các điểm ven sông của làng Thanh Hà, Sơn Phô, Thanh Nam,...
Nghề làm thuốc Bắc, làm vàng mã - lịch, thợ kim hoàn: Tập trung ở làng Minh Hương, Hội An. Nghề chế biến thực phẩm (tương ớt, chao, trứng vịt muối, xì dầu,...), chế biến - đóng gói (cau, chè, trầu, quế,...): tập trung ở các làng Minh Hương, Hội An, Cẩm Phô,...
- Nghề buôn ghe bầu của một số cư dân các làng ven sông chính như Thanh Châu, Cẩm Phô, Kim Bồng, Thanh Hà,…
- Nghề nề/thợ hồ - xây dựng tập trung ở các làng Cẩm Phô, Kim Bồng4.
Tuy nhiên, trong số các ngành nghề truyền thống nêu trên, một số nghề thủ công, sản xuất có quy mô lớn, thu hút nhiều lao động và sản phẩm có giá trị kinh tế cao, quy mô sản xuất có sự tập trung thành các xóm/làng nghề gắn với không gian văn hóa làng/xóm hết sức độc đáo tiêu biểu là: nghề mộc ở Kim Bồng, nghề gốm ở Thanh Hà và nghề khai thác yến sào ở Thanh Châu, nghề trồng rau ở Trà Quế, nghề làm tre tranh dừa ở Cẩm Thanh; các nghề khai thác đánh bắt thủy hải sản tập trung ở An Bàng, Cửa Đại,…
Tóm lại, xuất phát từ điều kiện đặc thù của địa bàn cư trú, nguồn gốc dân cư và nhiều yếu tố lịch sử - xã hội khác nhau mà các nghề truyền thống khác ở Hội An đã được hình thành một cách thích ứng, rất đa dạng, phong phú. Nhìn trên phạm vi tổng thể của từng làng/xã và của cả khu vực Hội An vừa có sự chuyên ngành, chuyên nghề, lại vừa có sự đan xen đa ngành, đa nghề, gắn với hoạt động giao thương - mậu dịch của một đô thị thương cảng truyền thống,… tất cả đã tạo nên những yếu tố đặc trưng của bộ phận di sản văn hóa nghề/làng nghề truyền thống ở Hội An.
Có thể nói, những giá trị đặc sắc về lịch sử văn hóa, kinh tế xã hội của bộ phận di sản nghề truyền thống tại Hội An đã góp phần quan trọng tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của Đô thị cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới. Đồng thời, các sản phẩm của một số nghề truyền thống, cùng với những “bàn tay vàng” của các nghệ nhân từ các nghề như mộc, nề, đắp vẽ Kim Bồng, gốm, gạch, ngói ở Thanh Hà,… cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi, tu bổ, tôn tạo các công trình kiến trúc cổ của phố cổ Hội An và nhiều di tích kiến trúc quan trọng khác ở khu vực vùng ven thành phố.
ThS. Quảng Văn Quý