Nghề thủ công

Nghề thủ công

Mắt cửa- Nghệ thuật tạo hình dân gian độc đáo và sáng tạo của người Hội An

 

Văn hóa Hội An được cấu thành từ nhiều thành tố đặc biệt. Trong đó, khu phố cổ Hội An là vùng lõi, hạt nhân chính trong tổng thể đó. Nổi trội lên là các công trình kiến trúc nghệ thuật phong phú còn được giữ gìn, tồn tại tới ngày hôm nay, thể hiện đa dạng các khía cạnh giao thoa và tiếp biến văn hóa ở Hội An. Ở đó, “Mắt cửa” là chi tiết trang trí thẩm mỹ đặc trưng và mang giá trị tâm linh sâu sắc đối với người địa phương.

 Dọc các con đường ở khu phố cổ, nếu để ý, du khách thường bắt gặp hai khối gỗ được chạm trổ tỉ mỉ với các đường nét hoa văn khéo léo, có phủ vải điều (đỏ) đặt dưới mỗi bảng hiệu phía trước nhà. Nét kiến trúc này chỉ có duy nhất ở Hội An mà không bắt gặp một vùng đất nào ở Việt Nam và trên thế giới.

Nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Tấn Đông phân tích “Đây là tục thờ Môn thần, là thần giữ nhà, giữ đền. Thường ở trong văn hóa Trung Hoa được biểu hiện bằng cách tạc tượng Môn thần trước cửa nhà, hoặc là chạm trổ phù điêu và dán những bùa giấy, tranh vẽ. Tục thờ tại Hội An có lẽ đã được giản lược rồi trở thành mắt cửa”.

Trong bài viết “Mắt cửa - Biểu trưng của hồn phố Hội An” của Ông Trần Ánh – Bí thư Thành ủy Hội An nhận định: “Có lẽ ban đầu nó chỉ là hai chốt gỗ mang công năng kiến trúc là chính, sau này chủ nhà khoác lên chúng những ý nghĩa tâm linh hay thậm chí mang màu sắc tín ngưỡng hàm chứa sự tồn vong, suy thịnh của gia chủ, là nhãn quan thấu hiểu, thấu nhìn mọi suy nghĩ, hành vi của các thành viên gia đình trong quan hệ nội bộ…”.

Mặc dù có nhiều lý giải qua nhiều công trình nghiên cứu, tuy nhiên đến nay vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng là Mắt cửa bắt nguồn từ quốc gia hay dân tộc nào.

Có thể nói, ban đầu mắt cửa là chi tiết kiến trúc để trang trí mang tính thẩm mỹ, về sau phát triển thành nét kiến trúc độc đáo gắn với tín ngưỡng, tâm linh của người Hội An. Có lẽ trên mảnh đất nổi trội với sự giao thoa văn hóa, người Hội An đã biết cách “Việt hóa” các đặc trưng văn hóa từ các vùng khác, chắt lọc và tiếp biến thành “mắt cửa” và biến chúng thành “linh hồn” của phố Hội.

Mắt cửa đã trở thành một nét đặc trưng trong nghệ thuật tạo hình dân gian ở Hội An. Qua bàn tay khéo léo, trí sáng tạo của người Hội An, mà cụ thể hơn là các nghệ nhân đến từ làng nghề truyền thống mộc Kim Bồng đã khắc họa nên. Dựa trên am hiểu về các học thuyết xa xưa về âm dương ngũ hành, về các yếu tố gốc tạo nên vũ trụ của các bậc hiền triết, mà người Hội An đã vận dụng, biến đổi và chế tác ra nhiều loại hình trang trí mắt cửa vừa bắt mắt, tinh tế nhưng cũng hàm chứa các thông điệp ẩn sâu bên trong. 

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Hội An, có đến hơn 20 loại mắt cửa khác nhau tại phố cổ Hội An như vòng tròn âm dương, hình bát quái để trừ tà, hình con dơi biểu trưng cho phúc lộc…

Người dân Hội An cho biết: “Con mắt nhà này có từ lâu đời, từ thời ông bà để lại, cũng giúp cho ngôi nhà đẹp hơn. Ý nghĩa thì nó như con mắt trông nhà, giống mắt người để nhìn mọi thứ”.

Mắt cửa hay còn gọi là những đôi mắt của phố - thể hiện cho khát vọng về một cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc, tránh được hoạn nạn, rủi ro, tránh không cho tà ma xâm phạm vào nhà... Có thể nói, mắt cửa cũng chính là nét văn hóa sáng tạo độc đáo của người Hội An.

 

Bài viết: Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An

Ảnh minh họa: Báo ảnh Việt Nam

Go top