Nghề thủ công

Nghề thủ công

Lưu giữ nghề may đo truyền thống

 Faifo Tailor - thương hiệu thuộc Công ty CP Sản xuất, thương mại, tư vấn và đào tạo học viện Faifo ra đời với mong muốn lưu giữ vẻ đẹp truyền thống, lan tỏa giá trị văn hóa tinh thần của sản phẩm may đo thủ công Hội An trải qua hàng trăm năm nghề. 

Giấc mơ về làng may phố Hội

Dự án khởi nghiệp Faifo Tailor với khát vọng lưu giữ nghề may đo truyền thống Hội An

Năm 2018, Faifo Tailor được thành lập. Vào thời điểm đó, chị Đinh Thị Thùy Nga nhanh chóng được Giám đốc điều hành Hồ Thế Sơn tuyển dụng khi có kinh nghiệm hơn 6 năm làm nghề dệt may tại một công ty Hàn Quốc chuyên xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ.

Nga bảo, từ lâu đã mang trong mình khao khát trở về quê hương phát triển sản phẩm địa phương nên có cơ hội là Nga về "đầu quân" ngay.

Không bon chen chạy theo xu hướng thời trang hiện đại, Hồ Thế Sơn và Đinh Thị Thùy Nga tìm kiếm giá trị cốt lõi nghề may của Hội An xưa cũ đầy tinh xảo, chỉn chu.

“Tôi và anh Sơn muốn Faifo Tailor là nơi kết nối những nghệ nhân may mặc của Hội An với nguồn nhân lực trẻ. Để từ đó nghề may truyền thống của Hội An sẽ được tiếp nối lưu truyền. Và đặc biệt, điều hướng đến là không dừng lại ở một công ty may mặc mà xây dựng một làng nghề may mặc như làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng hay làng rau Trà Quế…” – Nga chia sẻ.

Để hiện thực mơ ước đó, Faifo Tailor tìm kiếm, kết nối những thế hệ. Đến nay, tại công ty này có 2 nghệ nhân may mặc với kỹ thuật may đo tinh xảo bậc nhất vùng phố Hội, 4 nhân viên thuộc thế hệ 8x được truyền dạy và đạt trình độ may đo thượng thừa. Và tương lai gần, Faifo Tailor sẽ hướng tới phát triển cho nhóm đối tượng genY, genZ người địa phương có đam mê với nghề may truyền thống.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Hải kể chuyện đất và người phố Hội qua từng đường kim mũi chỉ

Mỗi sản phẩm một câu chuyện

Theo bà Đinh Thị Thùy Nga, Faifo Tailor được biết đến là một trong những thương hiệu may đo Âu phục cao cấp. Khách hàng mục tiêu của công ty là những doanh nhân ưa chuộng những bộ vest lịch lãm, sang trọng. Thế nhưng thứ mà Faifo Tailor bán ra không đơn thuần là một bộ Tây phục mà còn là một câu chuyện về nghề may, người may, giá trị tinh thần của sản phẩm may đo thủ công. Ngay trong tên gọi thương hiệu Faifo Tailor đã ẩn chứa câu chuyện về đất và người Hội An với nghề may đo truyền thống trải qua hơn 400 năm.

Nghệ nhân may đo Phan Văn Hải cho biết: “Tôi lớn lên với nghề may học từ cha mẹ và cũng nhờ nghề nên tôi nuôi con khôn lớn. Trải qua 44 năm hành nghề, tôi biết đây là một giá trị văn hóa lớn, không chỉ đối với gia đình tôi mà còn đối với mảnh đất tôi sinh sống. Hội An thực sự là nơi có thể phát triển được nghề may không chỉ của cá nhân ai mà là chung của thành phố sáng tạo. Tôi tin có một ngày không xa người Hội An sẽ có một làng nghề may đo”.

Mỗi sản phẩm của thương hiệu Faifo Tailor đều đề cao tính cá nhân hóa theo yêu cầu của khách hàng, từ việc tư vấn, chất liệu vải, số đo cá nhân đến những chi tiết nhỏ như nút xà cừ được khắc tên riêng… khiến khách hàng hài lòng vì mỗi sản phẩm hoàn thiện chỉ dành cho một khách hàng duy nhất.

Đây cũng là một chiến lược kinh doanh hướng vào bản thể “cái tôi” của con người hiện đại, tạo dấu ấn cá nhân được khắc họa độc bản qua nghệ thuật may đo.

Dấu ấn cá nhân của khách hàng "in đậm" trên mỗi sản phẩm

Không dừng lại ở đó, câu chuyện mà Faifo Tailor mang đến trong từng bộ âu phục còn giải quyết bài toán giữa hiệu suất và con người. Đây không chỉ là một công ty mà còn là nơi truyền cảm hứng, là ngôi nhà chung của những nghệ nhân ngành thời trang.

Nga bảo, khi những con người được thấu hiểu như người thân trong gia đình, chạm tới sự đồng điệu thì hiệu suất làm việc được nâng cao, những sản phẩm được tạo ra đúng nghĩa là đứa con sinh thành bằng công sức, tình yêu, sự trân quý.

Faifo Tailor còn tạo nên câu chuyện về sự tiên phong trong việc sử dụng các chất liệu thân thiện với môi trường, có giá trị bền vững như chất liệu tái tạo từ vỏ hàu, chai nhựa, bả cafe, sợi tre, sợi dứa, sợi sen... Nhất là việc sử dụng trí tuệ nhân tạo AI, thông qua ứng dụng Digital Uniform để phát huy ưu thế của kỹ thuật may đo “không chạm”.

Hoàng Đạo- Thúy Hiền- Báo QN

 

Go top