Với hình dáng nhỏ xinh, màu trắng trông như những đóa hoa hồng nên bánh bao bánh vạc còn được những thực khách ưu ái đặt cho một cái tên đẹp và dễ thương là hoa hồng trắng “white rose”. Đây là một món ăn nổi tiếng ngon và lạ, đặc trưng của phố cổ Hội An, phổ biến trong thực đơn của các nhà hàng tại Hội An. Bánh bao bánh vạc sẽ cho vị ngọt của nhân tôm, mùi thơm của gạo trắng cùng những lát hành phi béo ngậy và cay nồng của ớt. Đừng bỏ lỡ thưởng thức món ngon trứ danh này ở Hội An.
Bánh bao bánh vạc đã có từ rất lâu với tuổi đời lên đến trăm năm được người Hội An xem như là vật “gia bảo”. Theo ông chủ cửa hàng của hàng bánh bao bánh vạc nổi tiếng nhất ở Hội An “Lò bánh bao bánh vạc Bông Hồng Trắng” thì loại bánh này là của ông ngoại của ông sáng chế ra và truyền lại đến đời ông. Tính đến nay loại bánh nỳ đã có mặt ở Hội An hơn 100 năm rồi.
Nếu để ý chúng ta sẽ thấy rằng bánh bao và bánh vạc tuy là hai loại bánh, hai tên gọi khác nhau nhưng chúng luôn có mặt cùng nhau trên một đĩa bánh. Nhìn bề ngoài bánh bao vẫn là chiếc bánh có hình tròn quen thuộc nhưng nhỏ hơn các loại bánh bao khác và miệng bánh được xếp xòe ra có dáng vẻ như một bông hoa hồng. Bánh vạc có hình dạng như một chiếc bánh bột lọc mà chúng ta vẫn thường hay ăn, khuyết như mặt trăng nhưng tô hơn và được nặn một cách tỉ mỉ hơn, nó có hình dáng như chiếc quai vạc nên gọi là bánh vạc.
Cách làm bánh bao bánh vạc Hội An
Ảnh: Visit Hoi An
Hương vị của bánh bao bánh vạc luôn khiến cho người ăn cảm thấy quen thuộc nhưng cũng không kém phần lạ miệng bởi nguyên liệu làm nên chiếc bánh của Hội An đất Quảng Nam. Mang đặc trưng của món ăn xứ Quảng nên việc chế biến món ăn này cũng khá đơn giản nhưng đòi hỏi người làm bánh phải thật cẩn thận tỉ mỉ, nhẫn nại trong từng gia đoạn chế biến.
Nguyên liệu chính để làm vỏ bánh là bột gạo được lựa chọn từ loại gạo thơm, hạt chắc, được ngâm rửa thật sạch sao cho không còn vỏ trấu, sạn. Sau đó đem gạo đã được làm sạch vào nồi nước rồi xay thành bột. Nước dùng để xay bột phải lấy nước giếng không có phèn, không nhiễm tạp chất, nói chung là loại nước giếng tinh khiết thì mới làm ra được loại vỏ bánh trắng mịn đúng chuẩn nhất.
Tiếp theo là công đoạn chắt lọc bột với nước mà người dân Hội An hay gọi là “bồng bột”, công đoạn này được làm đi làm lại khoảng 15 – 20 lần cho đến khi bột lắng xuống và phần nước trong veo thì chắt nước ra nhào bột lại và cho ra một thau sạch.
Phần nhân bánh gồm hai loại khác nhau, phân biệt giữa bánh bao và bánh vạc. Bánh bao thì sử dụng nguyên liệu chính là tôm được giã kĩ, quết thành chả trộn cùng các gia vị như hành, tiêu, muối... Còn bánh vạc cũng có tôm nhưng có thêm thịt heo, mộc nhĩ, nấm hương, giá đỗ, hành lá, hạt tiêu, gia vị và vào mùa măng thì sẽ có thêm măng, nhân được trộn đều, sau đó hỗn hợp nhân này được xào chín trước khi gói.
Bột sau khi được bồng sẽ được nhồi thành khuôn dài, dùng hai ngón tay nhúng vào chén dầu thoa đều vào hai tay rồi sau đó ngắt từng cục bột dùng ngón tay vê dần cục bột sao cho tạo thành một miếng vỏ thật mỏng và đều, dùng ngón cái nhấn vào giữa vỏ bánh để lấy khoảng trống nhồi nhân vào.
Nhân được nhồi vào bánh một cách tỉ mỉ, với bánh được nặn to hơn là bánh vạc còn bánh nhỏ là bánh bao. Sau khi nặn xong thì bánh được cho vào xửng và chưng cách thủy trên bếp khoảng từ 10 đến 15 phút là có thể thưởng thức.
Thưởng thức hương vị bánh bao bánh vạc Hội An
Sau khi bánh được hấp chín sẽ được bày ra đĩa và thưởng thức ngay khi còn nóng hổi là ngon nhất. Để làm nổi bật màu trắng của bánh người ta thường lót một lớp lá xanh xuống đĩa trước khi xếp bánh vào.Trên một đĩa bánh, bánh bao thường được bày ở giữa còn bánh vạc được bày xung quanh đĩa, một lớp hành phi được rải đều lên phía trên đĩa bánh. Bánh bao bánh vạc có cùng một loại nước chấm chua ngọt được pha chế theo công thức bí truyền của gia đình.
Sự kết hợp giữa nước chấm và bánh khiến cho người ăn có thể cảm nhận được vị ngọt của nhân tôm, nhân thịt, mùi vị bùi thơm béo dẻo dai của bột gạo trắng, cùng vị béo ngậy của hành phi và hương vị cay nồng của ớt.
Bánh bao mang hương vị đậm đà của nhân thịt, cay nồng của hạt tiêu hoà lẫn vào cái tươi mát của phần vỏ bột gạo. Còn bánh vạc thì lạ miệng hơn đôi chút bởi phần nhân tôm béo béo, ngọt ngọt, bùi bùi. Một chút cay cay từ nước mắm ớt sẽ càng kích thích, khiến hương vị của hai món bánh ngon hơn rất nhiều.
4. Lò Bánh Bao Bánh Vạc - Bông Hồng Trắng – địa điểm sản xuất bánh lâu đời
Bánh bao bánh vạc là món ăn khá phổ biến trong thực đơn của các nhà hàng, quán ăn ở Hội An. Thế nhưng, muốn tìm hiểu từ A tới Z về món đặc sản Hội An này thì nhất định phải ghé thăm Lò Bánh Bao Bánh Vạc - Bông Hồng Trắng lâu đời trên đường Hai Bà Trưng.
Tại đây, du khách không chỉ thưởng thức được món bánh bao bánh vạc đúng điệu đặc sản Hội An mà còn có thể tận mắt nhìn thấy quá trình làm bánh công phu, tỉ mỉ của những người thợ làm bánh và có thể thử tự tay gói những chiếc bánh xinh đẹp này.
Đến Hội An mà chưa thưởng thức món bánh bao bánh vạc là chưa hưởng được cái vị đặc trưng của ẩm thực phố Hội – vùng đất quyến rũ với nét văn hóa ẩm thực đầy tinh tế. Nếu như có dịp đến với Hội An, đừng bỏ lỡ món đặc sản bánh bao bánh vạc trong suốt đến mỏng manh thanh tao nhưng cũng rất đậm đà này để hiểu thêm về văn hóa ẩm thực của thành phố cổ kính nhỏ bé nằm bên bờ sông Thu Bồn xinh đẹp của xứ Quảng.
Theo Cattour