Không chỉ nổi tiếng với kho tàng ẩm thực phong phú như: Mỳ Quảng, cao lầu, cơm gà…
Vừa nghe qua, không ít người sẽ nhầm bánh sắn đập với bánh đập, hay còn gọi là bánh tráng đập ở Cẩm Nam (Hội An), nhưng bánh sắn đập lại là một món hoàn toàn khác. Quay ngược trở lại thời khó khăn xưa, bánh sắn đập chỉ là một trong những món ăn qua bữa những lúc giáp hạt, mất mùa. Ngày ấy, nhà nào cũng có vài thùng sắn lát phơi khô để cầm cự đến mùa giáp hạt. Theo năm tháng, cùng những gánh hàng rong vào phố, bánh sắn đập giờ lại thành món ăn vặt nổi tiếng xứ Quảng.
Bánh sắn đập theo chân các bà, các chị trên những đôi quang gánh vào phố Hội và thường tập trung ở góc ngã 5 Trần Phú - chợ Hội An.
Mới nhìn thoáng qua, bánh sắn đập trông rất hấp dẫn với những sợi dừa trắng nõn, những hạt đậu li ti trải đều trên bề mặt. Đưa vào miệng cắn nhẹ một miếng, bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của hương đồng cỏ nội, vị bùi bùi của sắn, ngọt ngào béo nhẹ của dừa, của đậu phộng.
Nguyên liệu làm bánh sắn đập, dĩ nhiên là từ sắn, nhưng là loại sắn dẻo, ít xơ, mới được đào ngoài rẫy về. Sau đó, sắn được lột vỏ và rửa sạch, cắt đoạn vừa, để ráo.
Khi đem thắc mắc vì sao bánh sắn lại “kèm thêm” chữ “đập”, người bán vui vẻ cho biết: Như nhiều món ăn khác ở xứ Quảng, dựa theo cách chế biến mà tên gọi được hình thành. Ví như bánh lăn lúc gần thành phẩm phải lăn bột, bánh đập dùng hai thứ bánh đập vào nhau... Còn với bánh sắn đập, người ta phải dùng chày gỗ đập sao cho củ sắn dẹt ra. Tiếp đến, từng củ sắn dẹt được xếp gọn vào xửng hấp cách thủy, rải lên trên lớp sắn đó một ít dừa tươi nạo thành sợi trước khi hấp. Bánh hấp xong cho thêm một ít lạc rang giã nhỏ với muối, đường.
Bánh sắn đập ăn lúc nóng hay khi để nguội đều ngon. Chỉ là thứ bánh kết hợp hài hòa những sản vật cây nhà, lá vườn nhưng bánh sắn đập đã trở thành món quà gây thương nhớ khi đến Hội An. Dạo chơi phố Hội, hãy thử món quà thơm thảo xứ Quảng, để rồi cảm nhận vị sắn dẻo thơm, vị béo của lạc rang giã nhỏ cùng vị mằn mặn, ngọt bùi như đang phảng phất trên môi...
Baogiaothong.vn