Trong bối cảnh Khu phố cổ – di sản văn hóa thế giới và là trung tâm du lịch của TP.Hội An đang bị quá tải do giới hạn không gian nhỏ hẹp và lượng khách tham quan ngày càng tăng cao thì việc liên kết các điểm đến, tạo thêm tuyến tham quan du lịch là hết sức cần thiết, phù hợp với định hướng xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái – văn hóa và du lịch theo Nghị quyết 31 của Tỉnh ủy vừa đề ra.
Du khách đạp xe khám phá nội vùng sinh thái ở phường Cẩm Châu, TP.Hội An
Cùng với hạt nhân là Khu di sản văn hóa thế giới – đô thị cổ Hội An, không gian du lịch Hội An đang được mở rộng, đa dạng ngành nghề và khai thác hợp lý tài nguyên sinh thái. Du lịch làng quê, ven biển và hải đảo đã được phát huy, Cù Lao Chàm trở thành điểm đến yêu thích, ngày càng thu hút đông đảo du khách gần xa.
Trong phát triển du lịch – dịch vụ – thương mại, ngoài việc tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, lãnh đạo thành phố chủ trương liên kết, mở rộng không gian phát triển du lịch ra vùng ven đô. Theo đó, lãnh đạo thành phố đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch – dịch vụ, phát triển du lịch xã đảo Tân Hiệp, làng mộc Kim Bồng – xã Cẩm Kim; đồng thời chỉ đạo xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, đấy nhanh các dự án kinh tế đâm… Trên cơ sở đó, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng du lịch cho các khu vực biển – đảo – làng quê, chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị sinh thái – nhân văn của từng địa phương, gắn với đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các khu vực này, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia và được hưởng lợi từ du lịch. Ông Lương Sơn – Bí thư Đảng ủy phường Cẩm Châu cho biết: “Với lợi thế của một phường nhưng còn hơn 180ha đất sản xuất nông nghiệp và 40ha mặt nước ao hồ nuôi tôm, thành phố đã chỉ đạo lập phương án kết hợp phát triển du lịch tại đây. Chúng tôi đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo theo định hướng sinh thái, đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân trong vùng vừa làm nông nghiệp vừa gắn với các loại hình du lịch để từ đó nâng cao đời sống của nhân dân”.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng phấn khởi nhưng hiện tại, du lịch Hội An đang đối mặt với những thách thức không nhỏ. Sau sản phẩm du lịch di sản phố cổ, sản phẩm du lịch biển đảo Cù Lao Chàm cũng được xem là sản phẩm đặc trưng nhưng chưa hoàn thiện và còn phát sinh nhiều vấn đề về quy mô, loại hình, không gian khai thác… nên cần được đầu tư hoàn thiện các tour, tuyến du lịch, các sản phẩm dịch vụ. Cù Lao Chàm vẫn còn thiếu định hướng quy hoạch phát triển rõ ràng, đồng bộ nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng và dịch vụ, mở rộng không gian chưa tương xứng, còn lúng túng. Trước mắt, thành phố triển khai hoàn chỉnh hạ tầng phục vụ giao thông đường thủy, đường bộ, hạ tầng dịch vụ về môi trường, về kinh doanh tại các bãi biển trên đảo. Tiếp tục triển khai các chương trình bảo vệ tài nguyên biển, rừng gắn với phát triển dịch vụ du lịch theo hướng du lịch sinh thái đảo. Nghiên cứu thu hút đầu tư các điểm tham quan giới thiệu giá trị Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, các giá trị văn hóa lịch sử đặc trưng nhằm làm phong phú tuyến tham quan và làm cơ sở tăng giá trị nguồn thu bán vé tham quan. Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh – Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho rằng, Cù Lao Chàm là tập hợp của 3 yếu tố: con người, rừng và biển. “Đặt rừng – biển – người là một tuyến hay là biển – rừng – người thì tập hợp đó có thể là 6 tuyến, 7 tuyến hoặc 9 tuyến. Như vậy 3 tập hợp phải gắn chặt với nhau và con người phải là chủ thể. Mà con người đã là chủ thể thì mối quan tâm lớn nhất là Bãi Làng và Bãi Hương”, ông Trinh nói.
Du khách trải nghiệm đời sống người nông dân ở vùng ven đô Hội An
Những năm gần đây, với lợi thế về tiềm năng phong phú, thành phố đã tạo điều kiện phát triển đạt hiệu quả loại hình du lịch khám phá, trải nghiệm nghề và đời sống cộng đồng cư dân tại các làng nghề truyền thống, các khu dân cư mang tính đặc trưng về tự nhiên, kinh tế… Không gian du lịch nhờ vậy được mở rộng ra các làng quê, làng nghề với nhiều chương trình hấp dẫn, được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng như: chuốt gốm, trồng rau, cày ruộng, trải nghiệm sông nước, khám phá rừng dừa… Các điểm du lịch này cũng đã góp phần kéo dài thời gian lưu trú, tham quan của du khách.
Tuy nhiên nếu có được những chính sách, kế hoạch hỗ trợ, khuyến khích cụ thể, sát hợp mới và mang tính đột phá hơn thì loại hình du lịch ở các vùng ven đô, biển đảo sẽ trở thành hệ thống sản phẩm hỗ trợ du lịch phố cổ thực sự đồng bộ và hiệu quả. Bởi vì với Hội An không chỉ có làng rau Trà Quế – xã Cẩm Hà, làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng – xã Cẩm Kim, rừng dừa nước Cẩm Thanh, làng nông nghiệp An Mỹ – phường Cẩm Châu… mà còn những làng quê có nhiều tiềm năng khác biệt về tài nguyên thiên nhiên, nhân văn và sinh thái. Ông Trần Ánh – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết, Hội An đang thực hiện các giải pháp để tiếp tục kích thích cho sự phát triển hơn nữa về ngành kinh tế du lịch – dịch vụ. Đầu tư thêm các điểm đến, tour tuyến tham quan, mở rộng không gian du lịch ra ngoại ô. Ngoài khu phố cổ, ngoài rừng dừa Bảy mẫu, làng gốm Thanh Hà, Cù Lao Chàm, hiện nay Hội An đang xúc tiến mở rộng thêm ra làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng… “Xu hướng chung là để mọi địa danh trên thành phố đều là điểm đến độc đáo và hấp dẫn để vừa kéo giãn du khách vừa tăng thêm nguồn thu, tạo thêm sinh kế cho người dân ở vùng ven”, ông Ánh nhấn mạnh.
Các mô hình hoặc điểm đến dù quy mô ở mức vừa và nhỏ nhưng có lợi thế về giá trị đặc thù để đáp ứng nhu cầu của du khách thì hấp lực vẫn mạnh mẽ và tạo được sức lan tỏa sâu rộng, đảm bảo được lợi ích cho cộng đồng.
ĐỖ HUẤN