Nghề thủ công

Nghề thủ công

Lễ hội lồng đèn Hội An- Định danh thương hiệu quốc tế

Lồng đèn- sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hội An được du khách yêu thích

Lồng đèn Hội An lung linh trong đêm...

Đèn lồng là sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang tính sáng tạo cao của người Hội An, tính sáng tạo thể hiện rõ trong cách thức chế tạo, biến tấu sản phẩm đa dạng cũng như con đường phát triển thương hiệu lồng đèn Hội An ra thế giới.

Sản phẩm lồng đèn Hội An ngày càng đổi mới về quy mô, kích thướt, màu sắc, chất liệu… phù hợp với thị hiếu thời đại và được bạn bè trong và ngoài nước yêu thích, mua về làm quà. Có thể nói lồng đèn Hội An đã xuất hiện từ Bắc vào Nam Việt Nam, ra đến nước ngoài, không chỉ ở các nước Châu Á mà còn sang tận Châu Âu. Gần đây nhất là lễ hội lồng đèn Hội An lần thứ 3 tổ chức tại thành phố Wernigerode, CHLB Đức từ ngày 25-27/8/2023 và show diễn thời trang “Phương Đông rực rỡ” của hai nhà thiết kế Vũ Ngọc Sơn và Đinh Trường Tùng vào cuối tháng 7 năm 2023 tại chợ Hội An đã lấy lồng đèn làm nguồn cảm hứng sáng tạo trong bộ sưu tập mới nhất của thương hiệu VuNgoc&Son.

Sự sáng tạo trong kỹ thuật chế tạo sản phẩm

Cách chế tác lồng đèn đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ...

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, do điều kiện tự nhiên và điều kiện về thị trường tiêu thụ, cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng tại chỗ nên từ khá sớm nghề làm lồng đèn đã có mặt tại Hội An. Nghề này đã có sự giao lưu về kỹ thuật chế tác giữa các nơi có lịch sử làm lồng đèn, giữa người Việt, Hoa, Nhật và các nước khác.

Trong khi người Việt chuyên làm các loại lồng đèn truyền thống bằng khung tre, dán giấy hình bánh ú, ông sao, cá chép thì người Hoa chuyên làm các loại đèn khung gỗ, đèn kéo quân, trang trí chữ Hán… Khi người Pháp đến Hội An, họ cũng để lại một số loại lồng đèn bằng sứ, nhôm… Ông Trần Văn An- Nhà nghiên cứu văn hóa Hội An cho hay “Các kinh nghiệm, kỹ thuật từ nhiều phong cách khác nhau đã được thu nhập vào Hội An, tạo điều kiện cho nghề làm lồng đèn ở Hội An phát triển”.

Đèn lồng Hội An hiện nay đa phần được bọc bằng vải lụa, gấm vừa bền vừa đẹp và không sợ cháy như các loại giấy và nilon. Một số nghệ nhân cũng đã sáng tạo khuôn đèn bằng thép hoặc tre nhưng có thể xếp gọn và mang đi được. Hình dáng từ hình tròn, lục giác, kéo quân, củ tỏi, con cá…, cách chế tác lồng đèn tương đối đơn giản. Tre sau khi khai thác phải đem xử lý, ngâm lâu ngày trong nước hoặc bùn, rồi sau đó đem phơi khô để chống mối mọt. Rồi đến công đoạn uốn tạo khung, sau đó phết keo và bọc vải chung quanh. Những công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ để vải không bị nhăn hay rách. Và cuối cùng là khâu trang trí, hoàn thiện. Chi tiết trang trí trên đèn hết sức đơn giản, có thể gọi là bình dân. Nó giống như tính cách người Hội An– chân chất, mộc mạc và thuần hậu.

Lễ hội lồng đèn Hội An - đã trở thành thương hiệu mang tính quốc tế

Lễ hội lồng đèn Hội An tại CHLB Đức năm 2023

Năm 2015 tạp chí du lịch nổi tiếng toàn cầu Wanderlust của Anh đã công bố danh sách bình chọn 7 lễ hội ấn tượng nhất Việt Nam trong đó “Lễ hội lồng đèn Hội An” xếp ở vị trí đầu tiên.

Quảng trường trung tâm TP Wernigerode được thắp sáng bởi hàng trăm chiếc đèn lồng thủ công tinh xảo từ Hội An

Các hoạt động giới thiệu, quảng bá nghề thủ công Hội An nói chung và nghề lồng đèn nói riêng rộng khắp trên nhiều kênh tiếp cận, điều nãy đã mang lại kết quả khả quan cho việc quảng bá, xúc tiến du lịch và phát triển kinh tế thủ công nghiệp tại Hội An. Đặc biệt trong giai đoạn Hội An đang hướng tới hệ thống mạng lưới sáng tạo toàn cầu của UNESCO về Nghề thủ công và Nghệ thuật dân gian, các sản phẩm lồng đèn Hội An được đầu tư và phát triển mạnh mẽ hơn, khẳng định giá trị của một ngành nghề thủ công truyền thống đủ bản lĩnh tồn tại qua những thăng trầm.

Những ngày cuối tháng 8 năm 2023, các ngôi nhà, cửa hàng và quảng trường Trung tâm thành phố Wernigerode được thắp sáng bởi hàng trăm chiếc đèn lồng thủ công tinh xảo từ thành phố Hội An, mang đến một không gian lung linh, huyền ảo, rực rỡ sắc màu của Hội An giữa lòng Wernigerode.

Bà Trương Thị Ngọc Cẩm- Giám đốc Trung tâm văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An chia sẻ “Những chiếc lồng đèn không đơn thuần chỉ mang vẻ đẹp lộng lẫy, khoe sắc mà nó còn là linh hồn phố Hội. Đèn lồng trở thành thương hiệu đặc trưng, góp phần mang Hội An đến gần hơn với thế giới, một sản phẩm tinh tế, giàu giá trị văn hóa sáng tạo của cộng đồng người Hội An trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai”.

Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An

 

Go top