Tài nguyên du lịch

Tài nguyên du lịch

Làng rau Trà Quế - Những giá trị Văn hóa- Lịch sử

1.Ngoài Khu phố cổ Hội An - Di sản văn hoá thế giới, Cù Lao Chàm - Khu dự trữ sinh quyển thế giới còn có các làng nghề truyền thống như làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng, làng rau Trà Quế…  Chính các làng nghề này đã tạo lên một Hội An đầy đủ màu sắc và đặc trưng riêng mà không phải địa phương nào cũng có được. Với lịch sử phát triển lâu dài của mình, các cư dân sinh sống ở Hội An đã dần dần phát triển những ngành nghề đa dạng như nghề mộc, làm gốm mỹ nghệ, trồng rau, nghề thuốc, làm lồng đèn…. để phục vụ nhu cầu đời sống của mình, đồng thời cũng làm nên sự phồn thịnh, tấp nập cho cảng thị Hội An từ thế kỷ XVII - XIX.

Có thể nói các làng nghề truyền thống ở Hội An là một bộ phận rất quan trọng và không thể tách rời khởi kho tàng di sản văn hóa Hội An. Chúng được coi là sự kết tinh của quá trình lao động đầy sáng tạo, năng động của các tầng lớp cư dân kế tục nhau trên mảnh đất Hội An để phục vụ cuộc sống cũng như giao lưu buôn bán. Ngày nay với sự phát triền của du lịch thì một số làng nghề nổi tiếng ở Hội An đã tham gia vào phục vụ du lịch, trong số đó phải kể đến LÀNG RAU TRÀ QUẾ.

2. Cách đây khoảng 400 năm, tổ tiên của cư dân Trà Quế là những ngư dân gắn bó với dòng sông Đế Võng. Họ thuộc các tộc Phạm, Mai, Nguyễn, Lê sống bằng nghề đánh bắt cá tôm trên sông. Càng về sau, việc đánh bắt ngày càng khó khăn do chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, thời tiết thất thường nên những ngư dân tại đây không duy trì nghề bền vững được. Họ quyết định lên bờ định cư, khai canh trồng rau. Do địa hình và đất đai nơi đây màu mỡ nên những luống rau này thích ứng rất nhanh. Các loại rau không chỉ mọc xanh tốt mà còn có hương vị đặc biệt thơm ngon. Qua quá trình sinh sống, giao lưu giữa tộc họ trong các làng đã phát triển thêm dân cư các tộc Trần, Hồ… Làng rau Trà Quế dần được trở nên nổi tiếng, vang xa những khu vực lân cận và trở thành một thương hiệu ẩm thực nổi tiếng. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mặc dù chiến tranh ác liệt nhưng bà con nơi đây vẫn bám đất sinh sống với nghề trồng rau là chính.

Làng rau Trà Quế thuộc xã Cẩm Hà thành phố Hội An, cách trung tâm phố cổ khoảng 2,5km về phía Đông Bắc và cách thành phố Đà Nẵng gần 20km về phía Nam. Nơi đây có vị trí như một cù lao sông nước, sông Đế Võng bao bọc vùng Trà Quế ở mạn Đông, Bắc và Tây Bắc, trong khi đó đầm Trà Quế ôm vòng phía Nam và phần đất Trà Quế.

3. Làng nghề truyền thống nổi tiếng canh tác, gieo trồng các loại rau thơm mang hương vị đậm đà, riêng có của cả nước như rau húng, rau é, hành, rau răm, rau cải, hẹ... Tương truyền làng này cách đây hàng trăm năm có danh xưng là “Nhự Quế” với ý nghĩa là mùi thơm của cây rau như mùi hương của cây Quế; sau được cải danh xưng thành “Trà Quế” cũng hàm ý ngợi ca mùi thơm của cây rau như Trà, như Quế.

Được thiên nhiên khá hậu đãi, nên ẩm thực làng rau cũng là nét văn hóa thu hút nhiều du khách khi trải nghiệm tại đây. Mỗi loại rau nơi đây mang một hương vị đặc trưng: rau răm, rau húng, rau quế có vị cay, rau đắng có vị đắng, diếp cá vị chua, giá đậu xanh vị ngọt, bắp chuối vị chát…khi trộn các loại rau này với nhau sẽ có 5 vị: cay, ngọt, đắng, chua, chát.  Mỗi loại rau Trà Quế thích hợp với từng món ăn riêng; chẳng hạn như hành, ngò dùng trong món sứa trộn, củ hành phi dùng trong bánh bao, bánh vạc, bánh đập sẽ làm cho những món ăn này thêm hấp dẫn. Người dân nơi đây thường trộn hến với rau răm, rau húng, hành để cho món ăn vừa the vừa nóng khi ăn. Người dân Quảng Nam thường trộn nhiều bắp chuối lẫn rau sống Trà Quế vào mì Quảng hay bánh xèo. Một số loại rau, củ được dùng chế biến để khử mùi tanh của ếch, lươn, lạch như hành, tỏi, sả… Rau Trà Quế cũng được đặc chế để làm những vị thuốc dân gian có tác dụng trị bệnh cảm cúm, phong hàn, phát ban… như lá hẹ trị bệnh ho, hành hương chống cảm…

 

Bài viết tham khảo tài liệu của Trung tâm QLBTDSVH Hội An

Go top