Tài nguyên du lịch

Tài nguyên du lịch

Làng mộc Kim Bồng: Những giá trị lịch sử, văn hóa

Làng mộc Kim Bồng thuộc xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm ở hữu ngạn hạ lưu sông Thu Bồn chảy qua Hội An, có ba mặt giáp sông, phía Bắc đối diện với Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An. 

Vào khoảng thế kỷ XVI, tổ tiên của cư dân địa phương đã đến đây định cư lập nghiệp. Qua quá trình lao động, sản xuất, nghề mộc được hình thành và phát triển trở thành nghề truyền thống nổi tiếng của Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung với bốn nhóm chính: mộc xây dựng, mộc gia dụng, mộc đóng thuyền và mộc mỹ nghệ. Với đôi tay khéo léo, bản tính cần cù kết hợp với quá trình dung nạp chọn lọc các yếu tố văn hóa bên ngoài, thợ mộc Kim Bồng đã không ngừng lao động, bồi đắp tạo dựng nên thương hiệu mộc Kim Bồng có bản sắc riêng, nhất là mộc xây dựng.

Thợ mộc Kim Bồng từng được triều đình nhà Nguyễn chiêu mộ ra kinh thành Hế xây dựng cung điện, lăng tẩm. Đặc biệt, thợ mộc Kim Bồng đã có

đóng góp rất lớn cho sự hình thành và phát triển của đô thị thương cảng quốc tế Hội An vào thế kỷ thứ XVII - XVIII cũng như trong công cuộc bảo tồn di sản kiến trúc Đô thị cổ Hội An. Hiện nay, làng mộc Kim Bồng được bảo tồn, lưu truyền kỹ thuật với đội ngũ “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, thợ có kinh nghiệm cùng hàng trăm thợ trẻ vẫn đang nhiệt huyết kế nghiệp, ngày ngày miệt mài lao động, sáng tạo để gìn giữ nghề truyền thống của tổ tiên.

Ngoài Khu phố cổ Hội An - Di sản văn hoá thế giới, Cù Lao Chàm - Khu dự trữ sinh quyển thế giới còn có các làng nghề truyền thống như làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng, làng rau Trà Quế… Chính các làng nghề này đã tạo lên một Hội An đầy đủ màu sắc và đặc trưng riêng mà không phải địa phương nào cũng có được. Với lịch sử phát triển lâu dài của mình, các cư dân sinh sống ở Hội An đã dần dần phát triển những ngành nghề đa dạng như nghề mộc, làm gốm mỹ nghệ, trồng rau, nghề thuốc, làm lồng đèn…. để phục vụ nhu cầu đời sống của mình, đồng thời cũng làm nên sự phồn thịnh, tấp nập cho cảng thị Hội An từ thế kỷ XVII - XIX. Làng mộc Kim Bồng là nơi hình thành nghề thủ công truyền thống nổi tiếng mang tên Nghề mộc Kim Bồng.

Thăm Làng mộc Kim Bồng cho ta hình dung về quá trình hình thành khối cộng đồng cư dân, về lịch sử phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống ở Hội An. Đồng thời, thấy rõ những đóng góp lớn lao của mộc Kim Bồng với di sản văn hoá kiến trúc Đô thị cổ Hội An thông qua những thành tựu về kỹ thuật mộc - nề và khả năng chế tác của thợ mộc - nề địa phương. Kỹ thuật và kỹ năng này không những thể hiện ở những công trình kiến trúc, tác phẩm mỹ thuật đặc sắc mà còn mang phong cách riêng hiện tồn tại ngay chính ở địa phương và một số nơi trên phạm vi cả nước.

Nghề mộc nơi đây bao gồm 4 nhóm chính: mộc mỹ nghệ, mộc gia dụng, mộc xây dựng và mộc đóng sửa tàu thuyền. Sản phẩm mộc mỹ nghệ được biết đến như các loại tượng, tranh, mô hình, dĩa lồng bàn quy phụng...; mộc gia dụng như tủ, giường, bàn ghế...; mộc xây dựng tạo nên các công trình kiến trúc tiêu biểu như các nhà cổ ở Hội An, nhà thờ tộc, đình chùa, những ngôi nhà khung gỗ thông thường "Tam gian nhị hạ"...; mộc đóng sửa tàu thuyền chuyên sửa chữa và đóng các loại ghe, từ ghe đua đến các loại ghe đi sông, đi biển. Bên cạnh đó, khi đến với làng mộc Kim Bồng chúng ta sẽ biết thêm về các nghề truyền thống khác đã từng một thời phát triển như: đan tre, làm guốc, dệt chiếu, trồng dâu... góp phần hình thành nên làng nghề truyền thống Kim Bồng được nhiều người biết đến.

Từ cuộc sống thôn quê dân dã của một làng nghề truyền thống đã tạo nên tính cách người dân Kim Bồng hiền hòa, giản dị, những người thợ cần cù, chất phác cùng đôi bàn tay khéo léo, tinh xảo, sự tiếp thu, kế thừa kỹ thuật đóng thuyền của người Chàm, tiếp thu kiến trúc dân dụng - tín ngưỡng và sản xuất đồ dùng gia đình của người Hoa, người Nhật đã giúp họ tạo nên những sản phẩm độc đáo, những công trình kiến trúc ấn tượng được nhiều người biết đến, tạo nên một phong cách, một sắc thái riêng của nghề mộc Kim Bồng.

Hằng năm vào ngày 20 tháng Chạp âm lịch, người dân Kim Bồng họp mặt tất niên kết hợp giỗ Tiền Hiền tại Đình Tiền hiền ở thôn 3 ( cách trung tâm làng khoảng 2km về hướng Tây). Riêng các hiệp thợ tập trung về Đình Tiền hiền để cúng Tổ nghề vào ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch, tại đây thờ cúng các vị Tiền hiền khai canh gồm 4 tộc họ Nguyễn - Huỳnh - Phan - Trương.

Theo tài liệu Trung tâm QLBTDS Hội An

Go top