Làng mộc Kim Bồng (tên cũ là Kim Bồng Châu) thuộc phần lớn xã đảo Cẩm Kim, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Cẩm Kim là một hòn đảo nằm ở phía hữu ngạn hạ lưu sông Thu Bồn chảy qua Hội An trước khi đổ ra biển. Cẩm Kim chỉ cách phố cổ Hội An hơn 1 cây số đường sông với một chuyến đò ngang, là vị trí thuận lợi gần trung tâm đô thị xưa, thuận lợi về giao thông thủy lộ.
Mộc Kim Bồng là một “thương hiệu” của Hội An cùng với khu phố cổ. Làng mộc Kim Bồng cùng với nhiều làng nghề khác như làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế… tạo thành vành đai làng nghề bao quanh khu phố cổ thương mại, gắn liền với sự phát triển của cảng thị Hội An trong quá khứ.
Làng mộc Kim Bồng đã có hơn 600 năm tuổi, được hình thành từ thế kỷ 15 do ông tổ nghề là người từ Thanh Nghệ di cư vào, dừng chân và lập nghiệp ở mảnh đất này. Tới cuối thế kỷ 16, thế kỷ 17, cùng với Hội An, nghề mộc Kim Bồng phát triển rực rỡ và có đóng góp to lớn trong sự phát triển của cảng thị này với các công việc đóng tàu thuyền, dựng nhà, làm đồ mộc dân dụng, đồ thủ công mỹ nghệ.
Rất nhiều kiến trúc nhà cửa, chùa quán... ở khu phố cổ Hội An in dấu bàn tay thợ mộc Kim Bồng. Những công trình này đẹp, đặc sắc bởi nét chạm trổ tinh xảo, tài hoa của thợ Kim Bồng; là sự hài hòa giữa kiến trúc và điêu khắc.
Thợ Kim Bồng cũng tự hào được các chúa Nguyễn ở Đàng Trong và sau là triều đình nhà Nguyễn vời ra Kinh đô Huế để xây dựng các công trình. Sản phẩm mộc Kim Bồng không chỉ giới hạn trong phạm vi nước Việt mà đã vượt biển đến nhiều quốc gia trong khu vực.
Địa danh Kim Bồng và nghề mộc địa phương đã được Lê Quý Đôn đề cập trong sách Phủ biên tạp lục vào thế kỷ 18. Từ trung tâm đô thị thương cảng ngoại thương này, với sự định cư của nhiều thương nhân nước ngoài đã giúp cho nghề mộc Kim Bồng, trên cơ sở truyền thống của người Việt, có sự kế thừa kỹ thuật đóng thuyền của người Chăm, đã tiếp thu kiến trúc dân dụng - tín ngưỡng và đồ dùng gia đình của người Hoa, Nhật. Những yếu tố đó được chắt lọc, hòa quyện, nhuần nhuyễn để tạo ra một phong cách, một sắc thái riêng của nghề mộc Kim Bồng Hội An.
Do hoàn cảnh lịch sử, chiến tranh, làng mộc Kim Bồng vang bóng đã có thời gian dài “ngủ yên” và có nguy cơ thất truyền. Rất may mắn, nhờ sự quan tâm kịp thời của chính quyền địa phương và tâm huyết của một số ít nghệ nhân làng, nghề mộc Kim Bồng đã “thức dậy”, hồi sinh và dần phát triển cùng với việc vinh danh di sản của phố cổ Hội An.
Trong những nghệ nhân có công hồi sinh nghề mộc Kim Bồng, không thể không nhắc tới ông Huỳnh Ri. Nghệ nhân Huỳnh Ri được coi là chuyên gia về nhà cổ. Ông cùng cộng sự của mình đã đóng góp không nhỏ vào quá trình bảo tồn, trùng tu nhiều ngôi nhà cổ ở Hội An trong những năm qua.
Hiện nay, cơ cấu làm nghề cũng đã có nhiều thay đổi. Những công việc chính của ngày xưa là đóng tàu thuyền, dựng nhà giờ vẫn còn nhưng không là chính yếu nữa; bây giờ nghề mộc ở Kim Bồng đa phần sản xuất hàng mỹ nghệ và các mặt hàng gia dụng. Khu vực sản xuất mộc thủ công mỹ nghệ hiện đã được quy hoạch tập trung với các cơ sở chế tác, trưng bày sản phẩm là các kiến trúc có mái ngói, với diện tích từ vài chục tới hơn 100m2 thuận tiện cho sản xuất và tham quan.
Các mặt hàng chủ yếu hiện nay Kim Bồng sản xuất và chế tác là các loại hoành phi, câu đối, án thờ, tủ thờ, tượng thờ; các loại bàn, ghế, tủ gia dụng; các loại tượng trang trí, phù điêu, đồ chơi lưu niệm phục vụ du lịch…
Các mặt hàng này đã được khẳng định uy tín chất lượng và có chỗ đứng trên thị trường. Dẫu qua những thăng trầm thời gian và nhiều đổi thay, thì vẫn còn đó tinh hoa của một làng nghề...
Từ tháng 3 tới tháng 9 được coi là thời điểm vàng để đến Hội An, trong đó có làng Kim Bồng. Lúc này, thời tiết nơi đây rất đẹp, nắng vàng, ít mưa, thuận tiện cho các hoạt động tham quan. Sau khi đi hết các điểm du lịch du khách có thể tắm biển, thả bộ hay đạp xe hít thở không khí trong lành từ những ruộng lúa, vườn rau. Còn nếu không thể đến vào mùa khô, du khách vẫn có thể tới đây vào từ tháng 9 tới tháng 2 năm sau. Tuy là mùa mưa nhưng vẫn có những khoảng nắng, thời tiết dịu mát.
Đến tham quan một làng nghề truyền thống tồn tại hàng trăm năm như làng Kim Bồng, điều ý nghĩa nhất không chỉ là đến trực tiếp ngắm nghía quy trình sáng tạo của người dân mà còn là mua một vài món đồ kỷ niệm mang về làm quà. Du khách cũng có thể nếm thử những món ăn dân dã đã làm nên nét ẩm thực đậm chất Quảng Nam tại làng cổ Kim Bồng.
Hà Thành