Tài nguyên du lịch

Tài nguyên du lịch

Kim Bồng - Điểm đến không thể bỏ lỡ tại Hội An

Làng Mộc Kim Bồng toạ lạc ở hữu ngạn hạ lưu sông Thu Bồn chảy qua Hội An trước khi đổ ra biển, nay thuộc thôn Trung Hoà, xã Cẩm Kim, thành phố Hội An. Đây là một trong những làng nghề nổi tiếng tại Hội An ghi dấu nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật và những giá trị văn hoá đặc sắc còn lưu lại đến ngay nay.

Có thể nói, làng mộc Kim Bồng là cái nôi thể hiện sự hòa quyện tinh hoa của các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng, đã góp phần làm nên quần thể kiến trúc đô thị cổ Hội An. Đồng thời từ cuối thế kỷ 18 và 19 các chúa, vua Nguyễn đã triệu nhiều thợ giỏi Kim Bồng ra Huế để tham gia xây dựng nhiều công trình kiến trúc cung điện, lăng mộ tại kinh đô Huế lúc bấy giờ.

Theo nhiều tài liệu sử sách, tổ tiên của làng mộc Kim Bồng, đã từ các vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh di cư vào Quảng Nam làm ăn và sinh sống, mang theo kinh nghiệm truyền thống về nghề mộc của mình. Họ là những người đầu tiên manh nha cho ngành gỗ, thông qua việc tự tạo nên những ngôi nhà tranh, tre cho đến các khung gỗ thông thường. Rồi từ đó, nghề mộc được khởi tạo và phát triển hơn, khi họ đã sáng tạo thêm nhiều thứ khác như các tiện nghi đồ gỗ, ghe, thuyền. Tuy vậy, đến cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 mới thực sự là giai đoạn hoàng kim của làng mộc Kim Bồng. Bởi lúc đó, Hội An với vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngỏ ra vào của các tỉnh và biển Đông, hầu như các tàu buôn của nước ngoài đều đến đây neo đậu. Từ đó, Hội An nhanh chóng phát triển một cách mạnh mẽ, trở thành một đô thi thịnh vượng ở xứ Đàng Trong.

Cùng với làng gốm Thanh Hà, nghề Yến Thanh Châu, nghề mộc Kim Bồng đã phát triển gắn liền với sự hình thành của các công trình kiến trúc đô thị, chùa chiền, ghe thuyền, đồ mộc dân dụng. Từ đó, làng mộc Kim Bồng Hội An không chỉ có đóng góp đối với thời kỳ phát triển rực rỡ của cảng thị mà còn để lại nhiều dấu ấn nghệ thuật ở các di tích tại Hội An và cả Đà Nẵng, Huế. Từ một làng nghề chỉ với vài người chủ chốt, nhờ nét văn hóa cha truyền con nối, đã đưa các sản phẩm của làng mộc đi đến nhiều tỉnh thành trong cả nước và đi theo các thuyền buôn vượt đại dương đến với các đất nước xa xôi khác.

Ngày nay, làng mộc Kim Bồng đã trở thành một điểm đến có sức hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm. Không chỉ cung cấp các mặt hàng gỗ trang trí, dân dụng mà làng mộc còn có các nghệ nhân đóng tàu, thuyền với tải trọng lên đến 20 tấn. Đặc biệt, làng mộc Kim Bồng cũng đóng góp rất lớn trong việc trùng tu, tôn tạo các di tích của phố cổ, góp phần đưa Hội An trở thành điểm sáng của du lịch miền Trung.

 

Bài và ảnh: Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An

Go top