Hơn 500 năm tồn tại, trải qua bao thăng trầm, những người thợ làng gốm Thanh Hà, TP Hội An vẫn bền bỉ bảo lưu các tri thức kỹ thuật sản xuất gốm truyền thống. Gần đây, những người trẻ ở một gia đình theo nghề gốm lâu đời ở làng đang nỗ lực khôi phục nghề làm gốm men, gốm sành đang có nguy cơ thất truyền của làng.
Làng gốm Nam Diêu - Thanh Hà được hình thành vào khoảng thế kỷ XVI, XVII, hưng thịnh nhất vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, được triều đình Nguyễn ghi vào sách Đại Nam Nhất Thống Chí, phần thổ sản Quảng Nam. Tháng 8.2019, nghề gốm Thanh Hà đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia.
Nguyễn Viết Lâm, con trai anh Sơn nối nghiệp tạo men gốm
Giữ lại màu men gốm
Cơ sở gốm Sơn Thủy của gia đình anh Nguyễn Viết Sơn là lò gốm tiên phong, kiên trì với hành trình phục hồi, phát triển lại kỹ thuật làm gốm tráng men từng vang danh một thời của làng nghề Thanh Hà.
Anh Sơn kể, lúc sinh thời, bà nội anh là nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Được vẫn hay nhắc chuyện khi bà về làm dâu gia đình đã được bà nội chồng truyền lại nghề làm gốm men, gốm sành. So với loại gốm đỏ phổ thông thì kỹ thuật làm gốm men, sành khó và tinh tế hơn rất nhiều. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Được theo nghề làm gốm từ khi mới 13 tuổi, nghề gốm gắn với cụ cho đến khi qua đời vào năm 95 tuổi. Xưa, gốm Thanh Hà có nhiều loại như gốm men, gốm sành, gốm không tráng men, gốm đỏ. Theo tư liệu, vào năm 1955-1960, ông Nguyễn Chước đã đưa kỹ thuật làm gốm lên đỉnh cao với việc chế tạo gốm, ngói tráng men màu, được sử dụng để tu bổ kinh thành Huế vào năm 1959. Nhưng ngói tráng men màu có giá thành cao, khó tiêu thụ nên không còn được chế tác vào sau này.
Hiện nay làng chỉ còn sản xuất chủ yếu là dòng gốm đỏ, dòng gốm không tráng men với các sản phẩm gia dụng, mỹ nghệ để trang trí nội - ngoại thất, tín ngưỡng. “Những ngày trước khi mất, bà nội vẫn luôn kể lại chuyện này với mong ước con cháu mình có thể khôi phục, lưu giữ lại nghề gốm men, gốm sành truyền thống của làng đã bị quên lãng, gần như thất truyền công thức”, anh Sơn nhớ lại. Thực hiện ước nguyện của bà nội, anh Sơn cùng con trai của mình đã dành thời gian đến nhiều nơi còn lưu giữ sản phẩm gốm men, gốm sành của làng xưa kia để tìm hiểu, nghiên cứu. May mắn, nhờ những người bạn Nhật Bản giới thiệu, cha con anh Sơn đã sang Nhật Bản và tìm được rất nhiều đồ gốm men và sành của làng xưa kia vẫn còn được lưu giữ, được giúp đỡ, trao tặng lại sản phẩm để tìm hiểu công thức xưa để sản xuất trở lại.
Tại cơ sở gốm Sơn Thủy, những người con trai, con gái, dâu, rể của anh Sơn đã là thế hệ thứ 6 của gia đình theo nghề. Đến nay, thế hệ cháu nội, ngoại của anh Sơn cũng có rất nhiều người học và làm nghề thành thạo. Với kỹ thuật làm gốm men, sành, mỗi người trong nhà đảm nhận một công việc. Anh Sơn cùng con trai phụ trách kỹ thuật sản xuất, tạo men, sáng tác mẫu mã. Anh Sơn đảm nhận khâu nung, sản xuất gốm men kích cỡ vừa và nhỏ, Nguyễn Viết Lâm, con trai anh Sơn đảm nhận những loại trung và lớn.
Chị Mỹ Dung, vợ anh Sơn cùng con dâu phụ trách mảng sản xuất gốm đỏ truyền thống như lâu nay. Trong nhà, dành một khoảng không gian để trưng bày, lưu giữ những sản phẩm, di nguyện của Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Được, cũng là nơi để mỗi khi thấy mệt mỏi, khó khăn với nghề, mọi người cùng tụ họp, cùng nhìn vào chặng đường đã qua để có thể phấn chấn, tự tin đi tiếp. Sản phẩm gốm men Thanh Hà tại cơ sở Sơn Thủy tuy chỉ mới phục hồi sản xuất vài năm trở lại đây nhưng đã góp phần giúp cơ sở trở thành địa chỉ thu hút du khách trong và ngoài nước tham quan, tìm hiểu nghề. Để đáp ứng nhu cầu khách, cơ sở sản xuất đa dạng hàng gốm men, gốm đỏ với mẫu mã sáng tạo từ hàng lưu niệm, trang trí, mỹ nghệ… Anh Sơn cho biết, gia đình rất mong muốn khôi phục lại nghề gốm sành nhưng quỹ đất không còn để làm lò nung.
Vợ chồng anh Lâm đang tạo tác sản phẩm...
Người trẻ nối nghề truyền thống
Trải qua bao thăng trầm, làng nghề gốm hơn 500 tuổi Thanh Hà vẫn bền bỉ tồn tại và bảo lưu được tri thức kỹ thuật sản xuất gốm truyền thống chính là nhờ những nghệ nhân làm gốm tay nghề cao như cụ Được, anh Sơn. Bên cạnh đó, một thế hệ nghệ nhân trẻ, lành nghề với nhiều sáng tạo đã chế tác nhiều mẫu mã mới phù hợp với xu thế hiện đại nhưng vẫn giữ được tinh hoa của nghề thủ công mỹ nghệ.
Nguyễn Viết Lâm, con trai anh Sơn là một trong cái tên tiêu biểu, đại diện cho một thế hệ những người trẻ ở làng gốm hàng trăm năm tuổi này. Năm 2017, TP Hội An triển khai dự án khuyến công nhằm phát triển nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ lưu niệm, tạo sựphong phú, quảng bá cho sản phẩm đặc trưng từlàng nghề trởthành sản phẩm du lịch đặc trưng Hội An. Nguyễn Viết Lâm và Lê Văn Nhật là hai trong số những người thợ trẻ được chọn để làm “hạt nhân” cho chương trình phát triển này. Hai bạn trẻ đã được nghệ nhân Mai Nguyễn Minh Lan Phương (TP.HCM) hướng dẫn kỹ thuật chế tác đất sét công nghiệp. Từ ý tưởng kết hợp giữa nghệ thuật tạo hình món ăn và nghệ thuật tạo hình sản phẩm thủ công của nghệ nhân Lan Phương, hai người thợ trẻ của làng gốm Thanh Hà đã chế tác bộ sản phẩm gốm thủ công mỹ nghệ “Dấu ấn ẩm thực Hội An” 9 món xinh xắn, nhỏ gọn như bánh bao, bánh vạc, tôm hữu, cơm gà, mì Quảng, cao lầu, bánh xèo, góp phần phát triển nhóm sản phẩm lưu niệm đặc trưng từ làng nghề.
Các bạn cũng đã hướng dẫn lại kỹ thuật làm ra nguyên liệu đất sét công nghiệp cho người dân làng nghề, kết hợp với các thao tác trau chuốt, xoay gốm truyền thống của làng. Đây là nguyên liệu thân thiện với môi trường, có thể tự sản xuất được từ đất thường nhờ đó cũng khắc phục tình trạng nguồn nguyên liệu đất sét tự nhiên ngày càng hạn chế. Không dừng ở đây, Viết Lâm tiếp tục tìm hiểu cách tạo men gốm để có thể làm nhiều sản phẩm độc đáo hơn và hoàn thiện để bộ sản phẩm lưu niệm này đẹp, sắc sảo hơn.
Cháu nội cụ Được trình diễn nghề...
Câu chuyện học nghề gốm, sự trăn trở của những người như Lâm cũng chính là khúc quanh thăng trầm của làng nghề. Nhiều người trẻ ở làng gốm này đã từng ra đi, từng thử sức với nhiều nghề ở những vùng đất khác nhau và rồi quyết định quay về làng, gắn bó với cái nghề làm gốm truyền thống từ bao đời nay của ông bà, cha mẹ mình bằng những suy nghĩ, sáng tạo trẻ trung để giữ nghề truyền thống.
“Tôi vẫn nghĩ, ngày xưa làng nghề đối diện nguy cơ mai một nhưng ông bà, cha mẹ vẫn giữ được nghề. Bây giờ, cùng với sự phát triển của du lịch Hội An, làng nghề đã có được nhiều cơ hội để phát triển, tại sao mình không thử sức tìm cho mình những hướng đi mới hơn để gốm không chỉ là những mặt hàng vật dụng sinh hoạt mà còn là những sản phẩm lưu niệm để du khách lựa chọn mang về khi đến tham quan làng nghề”, Lâm chia sẻ.
Nguồn: Thu Hoài- Báo Văn hóa