Phát huy tiềm năng và lợi thế của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, những năm qua lãnh đạo và nhân dân Hội An đã nỗ lực khai thác những giá trị đặc trưng, riêng có (kiến trúc, văn hóa, làng nghề và câu chuyện sản xuất) để tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo.
Không phải nơi nào cũng có nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa quý hiếm như TP. Hội An. Một thành phố có diện tích tự nhiên không lớn, khoảng 62 km2 nhưng có 2 di sản thế giới là khu phố cổ – di sản văn hóa thế giới và Cù Lao Chàm – Hội An – khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Là “bảo tàng sống”, di sản phố cổ không chỉ có diện mạo của quần thể kiến trúc cổ mà còn có “hồn cốt” riêng, làm nên “vẻ đẹp không trùng lặp” với các di sản khác trong cũng như ngoài nước. Những không gian thiêng gắn với từng di tích, những liễn đối, hoành phi được trân trọng giữ gìn. Những sản phẩm du lịch đặc trưng của Hội An như “Phố dành cho người đi bộ”, “Đêm phố cổ” hay các chương trình, sự kiện văn hóa nghệ thuật, các lễ hội, lễ lệ truyền thống… diễn ra thường xuyên đã được người dân hưởng ứng tích cực, tham gia hiệu quả. Những chợ ẩm thực đặc sản Hội An – Quảng Nam trên phố, “chợ đêm Nguyễn Hoàng” thực sự thu hút, níu kéo chân du khách. Đặc biệt tập quán, lối sống, nếp ứng xử của người dân đã rút ngắn khoảng cách, xóa nhòa ranh giới ngôn ngữ của hàng triệu người ở muôn phương khi đến với phố cổ, với Hội An…
Không chỉ “chung sống” hài hòa với di tích để vượt qua thử thách khắc nghiệt của thiên tai, người dân Hội An còn phải “tự đấu tranh” với chính mình trước những tiện ích, lợi nhuận mới của nhu cầu cuộc sống để giữ gìn nét đẹp của “phố xưa nhà cổ”; phải đồng thuận sẻ chia để tạo thêm và nâng lên những giá trị đặc sắc độc đáo của văn hóa phố . Việc bày bán kinh doanh, việc lưu thông đi lại, việc thắp sáng đèn lồng, việc ăn vận, đồng hành diễn xướng cùng cả cộng đồng những dịp hội hè, lễ tết… là những hoạt động riêng có mà chỉ có người dân nơi đây chứ không nơi nào khác có thể làm được. Nhưng xem ra các sản phẩm hiện có đã quá quen thuộc, chưa mới để hấp dẫn du khách. Cùng với việc tạo điểm nhấn về sắc màu đèn lồng, ông Phạm Vũ Dũng – Giám đốc Công ty Du lịch – dịch vụ Hoa Hồng cho rằng, Hội An cần khai thác vẻ đẹp của những con đường “cong một cánh cung đầy” và kiệt, hẻm đáng yêu trong phố cổ. “Thật sự Hội An rất đẹp. Những dãy phố và những dãy hoa là nét đẹp không thể thiếu được trong bức tranh du lịch của Hội An. Cần vận động tạo thêm nhiều sắc thái về hoa trong hẻm, trong các tuyến phố để tạo sắc màu điểm đến cho khách checkin du lịch, cho các bạn trẻ khi chụp hình đám cưới. Đây là một sản phẩm cần tập trung quan tâm đầu tư để tạo sự khác biệt cho Hội An với các điểm đến khác”, ông Dũng nói.
Không chỉ có di sản văn hóa thế giới – khu phố cổ, ở vùng chuyển tiếp của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An còn có các làng nghề truyền thống cũng là giá trị di sản đặc trưng độc đáo. Sự ra đời, phát triển của các ngành nghề là sự kết nối và giao lưu của quá trình phát triển đô thị thương cảng Hội An xưa và nay.
Theo các nguồn tư liệu thư tịch, hoạt động nghề truyền thống ở thương cảng cổ Hội An xưa rất nhộn nhịp, với khoảng hơn 50 nghề tập trung vào 4 nhóm gồm: thủ công mỹ nghệ, dịch vụ khai thác, chế biến gia công và nhóm nghề đặc biệt. Những năm qua, việc bảo tồn và khai thác du lịch ở các làng nghề: mộc Kim Bồng (Cẩm Kim), gốm Thanh Hà, rau Trà Quế, tre – dừa nước Cẩm Thanh, quật – hoa cây cảnh Cẩm Hà, sản xuất nông nghiệp ở An Mỹ (Cẩm Châu)… theo hướng giữ gìn nguyên vẹn cảnh quan, không gian sinh động của làng nghề để tạo thành điểm du lịch sinh thái cho du khách hay trình diễn, giới thiệu các công đoạn, các sản phẩm của làng nghề… là hướng đi đúng đắn và phát huy được giá trị đặc sắc. Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, ngoài khu phố cổ – quần thể kiến trúc đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, Hội An còn có một kho tàng văn hóa hết sức đồ sộ về những giá trị văn hóa phi vật thể, trong đó có các làng nghề như: làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, làng mộc Cẩm Kim, làng tre – dừa nước Cẩm Thanh. Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển của du lịch Hội An, thành phố cũng đã bảo tồn, phát huy giá trị của các làng nghề để phục vụ du lịch
Chủ trương của thành phố mở rộng không gian du lịch ra các làng nghề là nhằm phát triển các dịch vụ du lịch ở nông thôn trên cơ sở phát huy tài nguyên văn hóa và giá trị nhân văn kết hợp khai thác tài nguyên sinh thái, đa dạng sản phẩm phục vụ du khách, góp phần tăng nguồn thu nhập cho nhân dân. Tuy vậy, một số điểm như làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng chưa phát triển đồng đều so với các làng nghề khác, như làng gốm Thanh Hà, làng tre dừa nước Cẩm Thanh. “Vì vậy, trong năm 2019 Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hội An đã quyết định xây dựng 2 đề án phát triển làng mộc Cẩm Kim và làng rau Trà Quế với mục đích tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến với 2 làng nghề này, góp phần giải quyết đời sống của người dân cũng như phát huy giá trị của làng nghề”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sơn nói tiếp.
Còn ở vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, vùng biển đảo nơi này được xác định có độ đa dạng sinh học vào loại cao nhất Việt Nam với các loài san hô, cỏ biển, các loại thân mềm, các loại hải sản như tôm hùm, cá rạn… Trong những năm qua, du lịch Cù Lao Chàm phát triển nhanh chóng, thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm các loại hình du lịch sinh thái biển như: tham gia các hoạt động thể thao biển, tắm biển, lặn ngắm san hô; kết hợp theo tour tham quan các di tích lịch sử, đi dạo trên đảo và một số hoạt động dã ngoại khác rồi thưởng thức đặc sản biển, rau rừng, cua đá…
Trong chương trình đối tác phát triển của JICA từ năm 2016, trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) đã triển khai thực hiện “Dự án Đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản ở các làng nông, ngư nghiệp”. Dự án này nhằm mục tiêu thúc đẩy các hoạt động du lịch cộng đồng, đa dạng hóa sinh kế của người dân. “Trong dự án này, người ta tìm ra sức hấp dẫn tiềm năng ở Cù Lao Chàm, phát triển du lịch hướng đến văn hóa và ngành nghề có kế thừa truyền thống lâu đời. Đưa những ngành nghề địa phương và những câu chuyện được truyền từ xa xưa vào du lịch, quảng bá hình ảnh, cung cấp những chương trình trải nghiệm văn hóa cho du khách, tiếp cận và phát triển du lịch”, Tiến sĩ Ando Katsuhiro (Đại học Yamanashi, Nhật Bản) cho biết
Cách làm đó đã giúp du khách hiểu hơn về cuộc sống của những người dân địa phương, biết đến những ngành nghề lao động, từng bước thương mại hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm tiềm năng như: trà lá rừng, võng đan từ cây ngô đồng, bánh ít lá gai, điểm tham quan Suối Tình… góp phần đáng kể nâng cao sinh kế cho người dân, tạo thương hiệu điểm đến của Cù Lao Chàm.
Đỗ Huấn
Đài truyền thanh - truyền hình Hội An