Hội An nổi tiếng về đèn lồng là chuyện không cần phải bàn cãi. Nhưng phía sau chiếc đèn lồng có những câu chuyện thú vị mà không nhiều người biết được. Viết lại câu chuyện này cũng chỉ để nói lên một điều rằng:
“Hội An được công nhận kết nối vào "Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu" của UNESCO, là điều hoàn toàn xứng đáng. Bởi, trong 30 năm làm du lịch người Hội An vẫn luôn tìm mọi cách để thích ứng với nền “công nghiệp không khói”. Để được vậy họ phải không ngừng sáng tạo trên cái nền văn hóa truyền thống đã sẵn có, mà câu chuyện về đèn lồng là một ví dụ sinh động”.
Những chiếc lồng đèn có mặt tại Hội An từ bao giờ thì chịu, không ai biết được. Nói là nó đến từ Trung Hoa hay Nhật Bản lại càng võ đoán, bởi đơn giản chiếc lồng đèn đã có mặt từ rất lâu, ở khắp nơi trên thế giới. Vào cái thời mà người ta chưa biết đến điện là gì, nó chỉ là vật che cho ngọn đèn khỏi bị gió thổi tắt trong lúc đang sử dụng. Lâu dần, lồng đèn có thêm chức năng trang trí, có vậy thôi.
Chỉ biết một điều là từ trước những năm 90, ở Hội An rất hiếm có nhà nào treo đèn lồng ra trước cửa nhà. Chủ yếu, đèn lồng được treo ở trong nhà, tại sảnh chính hoặc những nơi thờ tự của những nhà giàu có. Nhiều nhất là ở những nơi thờ tự lớn như các chùa chiền, hội quán, nhà thờ tộc họ.
Thậm chí, cho đến thời du lịch, lúc Tây qua, ngoài những ngôi nhà sản xuất lồng đèn, còn lại những ngôi nhà khác vẫn chưa có khái niệm treo đèn lồng lên trước cửa.
Trở lại những năm 94, khi tôi đang ở tại nhà thờ tộc Trương. Bên trong gian thờ tại đây, ngoài bốn chiếc đèn lồng lục giác vẽ tích “Bát tiên quá hải” treo giữa sảnh chính, phía trước còn có cặp đèn lồng tròn được đan theo kiểu lưới mắt cáo bằng cật tre ngâm.
Cặp đèn lồng này bên ngoài bồi giấy bản, trang trí hoa dây và đề hai đại tự “Trương Phủ” chiếm gần hết không gian của lồng đèn. Ngày trước, cụ tổ chúng tôi là ngài Thuấn Phu Trương Đồng Hiệp làm quan dưới thời nhà Nguyễn. Ban đêm, khi Ngài xuất hành ra phố sẽ có hai người hầu cầm theo cặp đèn lồng này đi theo.
Họ đi trước xe hoặc võng để soi đường, đồng thời báo hiệu cho người dân biết mà nhường đường. Sau khi Ngài Thuấn Phu qua đời, cặp đèn lồng này được treo ngay mặt tiền gian thờ chính để tưởng niệm. Cặp đèn lồng này được tộc nhân các đời xem như là báu vật của gia tộc.
Một hôm, có một cặp vợ chồng người Pháp khá luống tuổi đến tham quan ngôi nhà thờ của gia tộc tôi. Họ rất mê cặp lồng đèn tròn, bèn hỏi tôi ở Hội An có còn ai làm lồng đèn như vậy không.
Tôi trả lời, vẫn có người làm nhưng đan lưới mắt cáo như vậy hầu như bất khả. Tôi cho họ biết, ở đây vẫn còn vài người lớn tuổi có khả năng đan lưới mắt cáo bằng cật tre ngâm. Tuy nhiên, họ đan không được tròn trịa, và quan trọng là tiền công quá cao, nên khó lòng làm được.
Trò chuyện một chặp, thấy hai vị khách vẫn quyết tâm đặt làm cho được một cặp lồng đèn, tôi nhận lời làm cho họ. Tôi thỏa thuận với họ chỉ làm theo kiểu trục dọc như các loại lồng đèn sau này, chứ không thể đan lưới mắt cáo như cặp lồng đèn kia được.
Vòng ngang tôi dùng các vòng tròn bằng tre, cố định bằng dây chỉ nhợ để giữ cho lồng đèn được tròn rồi bồi giấy. Nghe tôi nhận làm, cặp vợ chồng người Pháp rất mừng.
Họ đặt làm một cặp lồng đèn có đường kính sáu mươi phân, hẹn hai tháng sau sẽ quay lại nhận. Tất nhiên, lúc đó những chiếc đèn lồng vẫn chưa xếp thẳng lại được như bây giờ.
Trương Nguyên Ngã