Nghề thủ công

Nghề thủ công

Giá trị sáng tạo của nghề thủ công mỹ nghệ mộc Kim Bồng

1.Tìm hiểu về nghề mộc truyền thống Kim Bồng

Trải qua bao biến thiên lịch sửnhưng cư dân trên mảnh đất này vẫn còn giữ đượcnghề truyền thống do ông bà truyền lại mấy trăm năm nay. Điều kiện tự nhiên, lịch sử đã tạo nên làng mộc Kim Bồng là nơi hội tụ, phát triển nhiều ngành nghề thủ công trong đó nổi bật là nghề mộc mà sau đó đi vào câu ca dao tục ngữ như muốn diễn bày niềm tự hào của bao thế hệ người dân:

“ Phú Bông dệt lụa dệt sa

Kim Bồng thợ mộc, Ô Gia thợ rừng”

Các loại gỗ thường được mộc Kim Bồng chọn mua thuộc nhóm tứ thiết: đinh, lim, sến, tấu cùng các loại khác như sơn, dỗi, kiền kiền...trong đó lim, hương, kiền kiền được chọn nhiều nhất. Các loại gỗ trên hầu hết được khai thác ở các vùng thượng nguồn sông Thu Bồn như Hiên, Giằng, Trà My, Tiên Phước...Sau khi mua gỗ tại các vùng trên, người ta kết thành bè thả xuôi theo hạ nguồn Thu Bồn về cập vào các bến ở Kim Bồng rất thuận tiện.

Với quy trình sản xuất của nghề mộc trải qua nhiều công đoạn phức tạp, do vậy công cụ chế tác truyền thống rất đa dạng, gồm nhiều loại khác nhau như cưa đục, khoan, bào...Mỗi bộ lại chia theo nhiều kiểu, cỡ. Để hoàn thiện một sản phẩm, người thợ sẽ tiến hành các khâu, mỗi khâu sử dụng một số dụng cụ nhất định. Các bước sẽ tiến hành theo một trình tự chung của nghề là : vẽ mẫu, ra cây, dọn cây, lấy mực, tạo mộng, nhập, trau.

Kỹ thuật và kỹ năng chế tác của thợ làng Kim Bồng xưa kia được thể hiện qua hàng vạn công trình nhà cửa và kiến trúc khắp cả nước. Tại đô thị cổ Hội An, các công trình hội quán, chùa chiền, đình làng, nhà thờ, là nơi minh chứng rõ nhất tài nghệ đắp vẽ, trang trí nội ngoại thất. Những chim công múa, Lý Ngư Vọng Nguyệt, các Đức Thánh, các linh vật Long –Lân –Quy -Phụng đều do thợ Kim Bồng thực hiện. Tại các Hội quán Quảng Triệu, Miếu Quan Công hay tại các đình chùa những điêu khắc Giao Long do thợ Kim Bồng thực hiện hết sức sống động với đầy đủ các chi tiết. Với bàn tay khéo léo và nghệ thuật tài hoa của mình, thợ mộc làng Kim Bồng đã góp phần tạo nên một phố cổ Hội An cổ kính đầy quyến rũ như ngày nay. Bên cạnh đó, dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã sáng tạo những vật dụng gắn liền với đời sống dân gian được điêu khắc cực kì tinh tế.

2. Tham quan các cơ sở sản xuất:

* Cơ sở điêu khắc gỗ Xuân Nguyên

Cơ sở do ông Phan Xuân Nguyên (sinh năm 1978) làm chủ. Ông được sinh ra và lớn lên ở làng nghề truyền thống mộc Kim Bồng, gia đình có truyền thống làm nghề mộc lâu đời nên ông sớm được tiếp xúc với nghề. Năm 1997, ông tham gia học lớp đào tạo nghề mộc do nghệ nhân Huỳnh Ri tổ chức. Năm 2003, ông mở cơ sở điêu khắc gỗ tại địa điểm này, chuyên về mộc xây dựng, mộc sản xuất đồ gia dụng, đặc biệt là mộc mỹ nghệ với những sản phẩm đa dạng, độc đáo, nhiều kiểu dáng, kích cỡ khác nhau, nổi bật như: tranh điêu khắc, tượng. Với những thành tựu trong việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa nghệ thuật của làng nghề truyền thống, cá nhân ông và cơ sở đã nhận được nhiều giải thưởng như: năm 2017, tác phẩm “Dấu ấn di sản Phố Hội” của ông đạt được giải C trong cuộc thi “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Tỉnh”; năm 2019, UBND tỉnh Quảng Nam

trao tặng cho ông danh hiệu “Thợ giỏi” (mảng chạm khắc gỗ).

* Xưởng dạy nghề điêu khắc gỗ Kim Bồng

Xưởng dạy nghề điêu khắc gỗ Kim Bồng do “nghệ nhân nhân dân” Huỳnh Ri thành lập vào năm 1996. Ông sinh năm 1940, là thế hệ thứ 12 kế nghiệp truyền thống làm mộc của gia đình ở làng mộc Kim Bồng. Trước năm 1975, ông chuyên về sản xuất mộc gia dụng và mộc mỹ nghệ. Sau năm 1975, ông bắt đầu hành nghề ở nhiều nơi trong tỉnh Quảng Nam. Sau đó, ông trở về quê hương, tham gia trùng tu nhiều di tích trong Khu phố cổ Hội An, các chùa, miếu, nhà thờ tộc trong và ngoài Tỉnh. Đến năm 1997, cơ sở được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá.

Liên Hiệp Quốc (UNESCO) và chính quyền địa phương hỗ trợ trong công tác đào tạo nghề, từ thời điểm này bảng hiệu “Xưởng dạy nghề điêu khắc gỗ Kim Bồng” xuất hiện cho đến ngày nay. Với những nỗ lực cống hiến đó, ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng, danh hiệu cao quý. Đặc biệt, ông được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu “nghệ nhân ưu tú” vào năm 2010, danh hiệu “nghệ nhân nhân dân” vào năm 2016. Đây là sự tôn vinh xứng đáng cho tài năng và công lao đóng góp của ông đối với việc khôi phục và phát triển nghề mộc Kim Bồng.

* Mộc truyền thống Kim Bồng - Nghệ nhân Huỳnh Ri

Cơ sở này do “nghệ nhân nhân dân” Huỳnh Ri thành lập vào năm 1996, nay do con trai ông là ông Huỳnh Sướng trực tiếp quản lý. Ông Huỳnh Sướng (sinh năm 1969) là thế hệ thứ 13 kế nghiệp trong một gia đình có truyền thống về nghề mộc tại làng mộc Kim Bồng. Vốn tiếp xúc với nghề mộc từ rất sớm, ông cùng cha trùng tu nhiều di tích ở Khu phố cổ Hội An và một số địa phương khác. Từ năm 1996 đến nay, ông làm thợ mộc chạm trổ và trực tiếp dạy nghề tại cơ sở mộc truyền thống Kim Bồng. Hiện nay, cơ sở chuyên sản xuất mộc mỹ nghệ để trưng bày, giới thiệu sản phẩm, trình diễn kỹ thuật phục vụ du khách. Với những nỗ lực, cống hiến đó, ông được trao tặng nhiều giải thưởng, danh hiệu cao quý. Đặc biệt, năm 2013, ông được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu “nghệ nhân ưu tú”. Đây là sự tôn vinh xứng đáng cho tài năng và công lao đóng góp của ông đối với việc khôi phục và phát triển nghề mộc Kim Bồng.

Theo tài liệu nghiên cứu của Trung tâm QLBTDS Hội An

Go top