Nghề thủ công

Nghề thủ công

Giá trị đặc biệt làng nghề truyền thống mộc Kim Bồng

Điêu luyện, tinh tế trong kỹ thuật chạm trổ, những nghệ nhân mộc Kim Bồng đã tạo ra những sản phẩm mang tính nghệ thuật và giá trị đặc biệt cho làng nghề.

Những nghệ nhân luôn phát huy tinh hoa, giá trị truyền thống để mộc Kim Bồng không bao giờ mai một

Sản phẩm mộc Kim Bồng được tạo ra là cả quãng thời gian dài với bao công sức và tâm huyết của những nghệ nhân và người thợ nơi đây. Sự tinh tế và khéo léo trong từng đường nét, từng phách gỗ của nghề mộc Kim Bồng không chỉ biểu tượng của sự hòa quện giữa con người và thiên nhiên mà còn là biểu tượng của sự kiên trì, sáng tạo và tâm hồn văn hóa sâu sắc của người thợ mộc Kim Bồng. Họ luôn gìn giữ, phát huy tinh hoa, giá trị truyền thống để mộc Kim Bồng không bao giờ mai một.

Mỗi tác phẩm là biểu tượng của sự kiên trì, sáng tạo và tâm hồn văn hóa sâu sắc của người thợ mộc Kim Bồng

Nghệ nhân Trần Cao Lượng làng nghề mộc Kim Bồng cho biết: Nghề mộc Kim Bồng được hình thành từ cuối thế kỷ 15, bởi những người thợ tài hoa từ đồng bằng Bắc Bộ vào khai khẩn vùng đất Kim Bồng (Hội An, tỉnh Quảng Nam). Cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, nghề mộc Kim Bồng bắt đầu phát triển nhờ sự phồn thịnh của thương cảng Hội An. Đến thế kỷ 18, nghề mộc phát triển mạnh mẽ và thịnh vượng với 3 nhóm nghề: Mộc xây dựng các công trình kiến trúc đô thị, mộc dân dụng và nghề đóng sửa tàu thuyền.

Mỗi tác phẩm mộc Kim Bồng mang tính nghệ thuật và giá trị đặc biệt cho làng nghề truyền thống

Năm 2005, làng mộc Kim Bồng được công nhận Làng nghề truyền thống. Vinh dự và tự hào năm 2016, nghề mộc truyền thống Kim Bồng được Bộ Văn hóa - Thể thao vàlịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đến nay, nghề mộc truyền thống ở Kim Bồng vẫn được lưu truyền và gìn giữ.

Du khách mê mẩn trước kỹ thuật chạm trổ của của nghệ nhân làng mộc Kim Bồng

Rất nhiều kiến trúc nhà cửa, chùa quán... ở khu phố cổ Hội An in dấu bàn tay thợ mộc Kim Bồng. Những kiến trúc này đẹp, đặc sắc bởi nét chạm trổ tinh xảo, tài hoa của thợ Kim Bồng. Thợ Kim Bồng cũng tự hào được các chúa Nguyễn ở Đàng Trong và sau là triều đình nhà Nguyễn mời ra Kinh đô để xây dựng các công trình. Điêu luyện, tinh tế trong kỹ thuật chạm trổ trên từng sản phẩm là minh chứng rõ ràng cho bàn tay tài năng của các nghệ nhân nghề mộc Kim Bồng. Mỗi tác phẩm được những nghệ nhân mộc Kim Bồng tạo ra mang tính nghệ thuật và giá trị đặc biệt cho làng nghề truyền thống đồng thời khẳng định những giá trị đặc biệt mà nghề mộc Kim Bồng mang lại cho cộng đồng và xã hội.

Trong quá trình hội nhập và phát triển, những người thợ mộc Kim Bồng không chỉ gìn giữ những tinh hoa chạm khắc gỗ của cha ông mà còn biết phát triển kỹ năng để hội nhập với nền chạm khắc gỗ mỹ nghệ hiện đại. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những sản phẩm của mộc Kim Bồng bây giờ khác biệt với mộc của các làng nghề khác, đó là ít khi sơn phết, nếu có chỉ đánh bóng nhẹ nhàng để giữ màu gỗ tự nhiên.

Trong những năm qua, làng mộc Kim Bồng không chỉ làm ra hàng triệu sản phẩm được tiêu thụ trong và ngoài nước, mà còn là điểm đến du lịch độc đáo để du khách có cơ hội được trải nghiệm làng nghề. Cùng với các làng nghề truyền thống khác như làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng là một trong những địa điểm du lịch trải nghiệm độc đáo dành cho du khách trong và ngoài nước.

Phạm Tiệp- Báo Công thương

 

Go top