Nghề thủ công

Nghề thủ công

Ghe bầu - sản phẩm nổi tiếng tại làng mộc Kim Bồng

Trong các thế kỷ trước, làng mộc Kim Bồng không những nổi tiếng với nhiều sản phẩm độc đáo chiếm được lòng tin của những người làm ăn trên biển mà còn tạo được uy tín đối với giới thương nhân. Một trong những sản phẩm nổi tiếng ấy là ghe bầu, loại ghe có trọng tải lớn, phù hợp với việc chuyên chở hàng hoá trên biển. Ưu điểm nổi trội so với các loại ghe khác là: Lái, mũi cân nhau, có lúc mũi cao hơn lái, mũi lái đều nhọn hoặc mũi nhọn lái bầu; buồm vuông (cánh én) và bánh lái đeo sau sỏ lái.

“Ghe bầu” là sự tổng hợp các kinh nghiệm mà người thợ Kim Bồng thâu nhận được từ ghe thuyền phương Tây và Champa. Về cơ bản, quy trình đóng ghe bầu cũng như đóng các loại ghe thuyền khác có nhiều điểm giống nhau, gồm các công đoạn: Vẽ mẫu, ra cây, làm long cốt, ghim, bắt sỏ mũi, bắt sỏ lái bắt be, làm mê, bắt dang, làm đà giữ mê, bắt be hông, bắt be chính, đóng then, bắt be vành, làm sa quạ, đắp hầm ( ván sàn), làm mui, làm buồm ( nếu là ghe buồm), vẽ mắt ghe, xảm biên- sơn, hạ thủy, gắn bánh lái. Trong quá trình đóng ghe, chủ ghe cùng thợ ghe thường duy trì các lễ cúng tín ngưỡng quan trọng bởi chiếc ghe được xem là ngôi nhà. Các chính lễ của chủ ghe và thợ cũng tham gia thực hiện là phạt mộc, giáp ghim, hạ thủy, khai quan điểm nhãn, đưa dăm tống mộc.

Những miêu tả của các thuyền trưởng phương Tây cho ta hinh dung được rằng “Ghe bầu khi nổi thân ghe cao, mũi lái bằng nhau, có chiếc mũi cao hơn lái, mui bằng cót đan trét dầu rái, đậy kín từ mũi đến lái; Trong khoang có ngăn dành riêng để nước và vật dụng. Bụng ghe phình ra để chứa hàng. Khi đã ăn hàng thì ghe đằm gặp sóng vẫn bình thản vững vàng, ít chao. Bánh lái đeo theo sỏ lái ôm theo hình cong của sỏ. Toàn bộ bánh lái được trượt khít lên xuống theo lô. Gỗ để đóng ghe bầu là loại gỗ quý chịu nước như lim, kiền kiền... ”.

Ngoài ghe bầu, ghe thường đi biển được lưu truyền phổ biến đến nay, cũng chính là sản phẩm độc đáo của thợ Kim Bồng. Theo các nhà nghiên cứu, từ lâu loại ghe này đã được ghi nhận miêu tả trong tài liệu: có 3 loại lái: lái cồi, lái âm dương và lái ống. Mũi ghe có trang bị một thanh gỗ, hình thức hơi cong nằm ngang, hai bên ló ra khỏi be thuyền và được gọi là cái ngà với chức năng để gác neo. Hai bên mũi thuyền còn có hai con mắt hình dài, trước tròn, đuôi mắt nhọn, khắc chìm vào be thuyền lại thêm một cặp đếm hay mang sơn màu đen hay màu lá cây, đường viền sơn vàng. Cấu kiện giang, đà, long cốt làm cho thuyền có khả năng nới rộng chiều ngang, chiều dài làm tăng thêm trọng tải của thuyền. Các ngăn khoang cũng làm cho thuyền thêm vững chãi chịu đựng được va chạm nặng và nhất là ngăn ngừa nước tràn vào gấp trong khi thuyền đâm phải đá ngầm. Ngoài ra, các khoang riêng biệt còn cho phép tải các loại hàng hoá khác nhau cùng trong một chiếc thuyền.

Nhiều tài liệu cho biết, từ thế kỷ 17 ghe bầu từng chở tơ lụa từ Quảng Nam đến Sài Gòn - Nam Vang, đồ gốm từ Nam ra Bắc, tới tận Malaysia, Philipin, Indonesia... Đồng thời chở gạo, lúa, đường đen từ Nam ra Trung. Hàng năm từ Kim Bồng cho xuất xưởng khoảng trên dưới 10 chiếc ghe bầu. Sử sách cũ còn ghi lời một thương nhân nước ngoài “... song từ lâu rồi những ghe bầu An Nam đã thực hiện những chuyến đi xa đến Trung Quốc, Singapo, Thái Lan. Chắc chắn các vương triều An Nam là kẻ cung cấp muối cho Trung Quốc. Năm 1768, đội thương thuyền Đàng Trong có 447 chiếc chuyên chở hàng hóa lưu thông trên các cảng từ Bố Chính đến Gia Định. Nhiều người ở Hội An đã giàu có lên nhờ nghề buôn ghe Bầu (Khu Lăng Ông Cẩm Nam nay còn có miếu thờ các Vạn Ghe Bầu). Dù không được cấp phép họ thường lén lút chở hàng đến tận Indonexia, Malaixia và một số nước khác trong khu vực để buôn bán. Bộ mặt phồn thịnh ở thương cảng Hội An được tạo nên bởi chi chít thuyền đậu dày đặc loại của Nhà nước, loại của tư nhân, loại của nước ngoài như Thích Đại Sán miêu tả “xa trông cột buồm như rừng tên xúm xít”. Năm 1742-1743, thuyền trưởng Pierre Poivre được cử đến nghiên cứu thương mãi để mở đầu kế hoạch buôn bán của người Pháp với Đại Việt đã viết trong bài ký thuật, coi Hội An là một thương cảng lớn nhất ở Đàng Trong.

Tuy nhiên, do ở hạ lưu sông Thu Bồn nên đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, sông bị bồi cạn dần chấm dứt thời kỳ hưng thịnh của cảng thuyền buồm, nhường lại vị thế cho tàu cơ khí hơi nước cần cảng nước sâu là Đà Nẵng. Sau năm 1975, chỉ còn 10 trại đóng sửa tàu thuyền, đóng mới hàng năm gần 20 tàu lớn nhỏ thuộc các loại. Hiện nay, dọc sông còn 2 xưởng trong khu trung tâm làng nghề đang phát huy tốt truyền thống xưa, hàng năm đóng sửa được hàng chục tàu lớn. Thăm xưởng đóng tàu để hình dung về sự đóng góp lớn của các hiệp thợ mộc Kim Bồng không chỉ cho di sản văn hoá kiến trúc Khu phố cổ mà còn trong cả việc chuyên chở thương mãi hàng hoá làm cho Đô thị - Thương cảng Hội An thực sự sống động. trong cả việc đánh bắt cá trên biển vì sự sinh tồn và phát triển của cộng đồng cư dân Hội An hiện hữu từ xa xưa đến nay.

Cơ sở đóng sửa tàu thuyền Lữ Dui

Cơ sở do ông Lữ Dui (sinh năm 1962) làm chủ. Ông sinh ra và lớn lên tại làng nghề truyền thống mộc Kim Bồng; cùng với đó là truyền thống 3 đời làm nghề mộc đóng ghe thuyền của gia đình đã vun đắp trong ông tình yêu với nghề đóng ghe thuyền từ rất sớm. Năm 1991, ông mở Cơ sở đóng sửa tàu thuyền tại vị trí bến đò cũ, nhận đóng mới rất nhiều ghe đi sông, biển, ghe làm nghề đánh bắt sông nước. Đến năm 1997, cơ sở được di dời về vị trí này và hoạt động đến ngày nay. Hiện nay, cơ sở chủ yếu nhận sửa chữa ghe thuyền đi biển, ghe phục vụ du lịch và nhận đóng mới các loại ghe nhỏ, thuyền du lịch theo đơn đặt hàng. Ngoài ra, cơ sở còn kinh doanh vật tư phục vụ đóng, sửa ghe thuyền cho bà con trong làng. Cơ sở của ông nhiều lần được UBND thành phố Hội An trao tặng danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” mảng: “Ngành tiểu thủ công nghiệp, đóng sửa tàu thuyền” vào các năm 2006, 2008, 2012.

Cơ sở đóng sửa tàu thuyền Nguyễn Nhân

Cơ sở do ông Nguyễn Nhân (sinh năm 1956) làm chủ. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống 4 đời theo nghề tại làng mộc Kim Bồng. Từ đời thứ 3 đến nay chuyên về nghề mộc đóng, sửa ghe thuyền (đặc biệt, thời ông nội của ông Nguyễn Nhân chuyên về mộc đóng ghe bầu - phương tiện vận chuyển hàng hoá nổi tiếng vào thế kỷ XVII - XVIII). Từ năm 1980, ông Nguyễn Nhân mở cơ sở tại địa điểm này để làm nghề. Giai đoạn đầu, Cơ sở của ông nhận đóng mới ghe thuyền là chính. Hiện nay, cơ sở chủ yếu nhận việc sửa chữa các loại ghe thuyền, đóng mới các loại ghe phục vụ du lịch trên sông. Ngoài ra, tại cơ sở còn kinh doanh một số mặt hàng vật tư phục vụ việc đóng, sửa ghe thuyền cho bà con trong làng. Với những nỗ lực của bản thân trong nghề đóng, sửa tàu thuyền, ông Nguyễn Nhân đã được UBND xã Cẩm Kim nhiều lần trao tặng danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”.

Theo tài liệu Trung tâm QLBTDS Hội An

Go top