Tại một góc vỉa hè đường Nguyễn Trường Tộ (TP Hội An, Quảng Nam), gánh xí mà nhà cụ Thiểu tồn tại một cách lặng lẽ và đã trở thành "di sản" của phố cổ.
Giữ gìn "di sản" xí mà phố Hội
Suốt gần thế kỷ qua, món xí mà phù đặc biệt của cụ ông Ngô Thiểu (107 tuổi) đã trở thành một đặc sản và gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ người dân phố Hội. Trong hơn 10 năm trở lại đây, khi sức khỏe không cho phép, cụ nghỉ ngơi. Thật may mắn, những người con của cụ được truyền nghề và tiếp tục gánh vác di sản của cụ để lại.
Mặc dù đã chính thức "về hưu", nhưng có lẽ trong tâm trí của nhiều người, dáng người gầy gò và tiếng rao yếu ớt bên "gánh hàng huyền thoại" ấy vẫn còn vẹn nguyên cùng năm tháng.
Những ngày cuối tháng Giêng, trong làn gió se lạnh, gánh xí mà của bà Ngô Thị Thị nghi ngút khói, thơm lừng bên góc vỉa hè đường Nguyễn Trường Tộ, TP Hội An. Thoạt nhìn, nó không có gì đặc biệt so với bao gánh hàng rong qua lại nơi phố cổ. Lặng lẽ, mộc mạc giữa con phố tấp nập người và xe.
Trong nồi, một món chè làm từ mè đen đang sôi sùng sục. Thứ chè có vị béo, bùi bùi của mè đen, ngọt thanh của đường và ngai ngái hương thơm như thuốc bắc. Bà Thị nhanh tay múc từng chén chè sền sệt, tươi cười kể chuyện về phong vị đặc biệt của phố Hội này.
Bà Ngô Thị Thị là con gái thứ của cụ Ngô Thiểu, một trong những "truyền nhân" của gánh xí mà trứ danh. Cha bà có tất thảy 3 người con, bà là con gái giữa, trước đây bà là giáo viên dạy cấp 2, còn chồng là nhân viên ngành địa chính ở Đà Nẵng.
Cách nấu xí mà chỉ được cụ truyền lại cho con cái trong nhà, không một ai nữa biết tới. Nguyên liệu nấu ra xí mà không khó kiếm, nhưng không có nồi nào "qua mặt" được nồi xí mà của gia đình cụ.
Bà Thị chỉ "bật mí" 2 thứ không thể thay thế trong gánh xí mà "độc truyền" này là mè Duy Xuyên (huyện Duy Xuyên) và nước từ giếng Bá Lễ (giếng Chăm cổ 1.000 năm tuổi, TP Hội An). Nguồn nước làm chén xí mà thêm ngọt lành mà cha bà đã nấu sáu bảy chục năm qua.
"Chúng tôi âm thầm học nghề, rồi tính toán khi cha mẹ yếu đi cả ba anh em sẽ nối nghiệp. Năm 2015, khi cha mẹ bắt đầu yếu thì chúng tôi tranh thủ vừa đi làm vừa thay nhau về nấu xí mà rồi đưa ra phố bán. Gánh xí mà không phải để mưu sinh mà đó là chữ hiếu, chúng tôi muốn cha mẹ vui, muốn để 2 cụ yên tâm khi đã có người nối nghiệp", bà Thị kể.
Ký ức "xí mà phù"
Xí mà vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng nhờ cụ Thiểu, dần đã trở thành một món ăn của người Hội An. Nghề làm xí mà du nhập vào phố Hội trong giai đoạn hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An.
Từ thế kỷ XVII-XIX, sự giao lưu văn hóa, trong đó có văn hóa ẩm thực, diễn ra mạnh mẽ giữa người Việt, Hoa, Nhật và một số nước phương Tây. Cụ Ngô Thiểu khi ấy làm cho một gia đình người Hoa kinh doanh ẩm thực ở phố cổ. Trong các món ăn cụ được học từ chủ có món xí mà. Khi gia đình chủ nhà rời Hội An, cụ đã mang những bí quyết và kỹ thuật tiếp thu được để ngày ngày làm nên những gánh xí mà nóng hổi để mưu sinh.
Mấy chục năm qua, Hội An đã đổi thay nhiều, nhưng lò xí mà nhà cụ Thiểu cha truyền con nối vẫn chưa ngày nào tắt lửa. Gánh xí mà dân dã hàng ngày tỏa khói trên con đường quen, một cách lặng lẽ, mang hương vị vẹn nguyên như thuở ban đầu.
Theo bà Thị, lúc nhỏ bà từng nhiều lần được theo cha đi bán xí mà khắp Hội An, nhờ gánh chè giản dị này mà ông đã nuôi 3 con ăn học thành tài. Về sau, khi sức khỏe yếu, ông Thiểu ngồi bán cố định trên vỉa hè đường Nguyễn Trường Tộ.
Nhiều người ăn xí mà cụ Thiểu khi còn là những đứa trẻ đến tuổi thất thập, mỗi ngày vẫn ghé gánh xí mà của con gái cụ. Lúc bé, họ háo hức chờ đợi mỗi sáng nghe tiếng cụ Thiểu rao để được thưởng thức bát chè mè đen nóng hổi. Khi lớn lên, họ vẫn không bỏ thói quen tìm mua xí mà ăn trước khi đi làm, ra chợ.
Gánh xí mà đã trở thành một nét đặc trưng ở Hội An. Người ta có thể bắt gặp những đặc sản khác của vùng đất này như cao lầu, mì quảng ở bất cứ đâu trên dải đất chữ S, nhưng xí mà thì chỉ có ở nơi đây. Không chỉ là món ăn vừa lạ vừa quen, mà còn là hình ảnh đẹp đẽ về văn hóa buôn bán xa xưa, với đôi quang gánh, ghế con bình dị.
Năm 2019, UBND TP Hội An đã quyết định đưa ngôi nhà và gánh xí mà của gia đình cụ Thiểu thành một điểm tham quan văn hóa. Hàng ngày, khách du lịch được đưa tới để trò chuyện trực tiếp với 2 người đặc biệt của Hội An, thưởng thức những bát xí mà sền sệt, nóng hổi.
Đây là một tour du lịch rất đặc biệt và thu hút rất đông du khách không chỉ bởi câu chuyện một món ăn "di sản" mà còn là nơi duy nhất ở phố cổ Hội An được biến thành điểm du lịch từ một gánh hàng rong mưu sinh của một gia đình.
Ngô Linh