1.Tiếp tục phát huy giá trị các làng nghề truyền thống, nghề thủ công mỹ nghệ
1.1 Làng gốm Thanh Hà: Sau hơn 20 năm hoạt động với tư cách một sản phẩm du lịch văn hoá, hiện nay, Hội An đang tiếp tục giữ gìn không gian cảnh quan một làng cổ như cây đa bến nước, đường làng được lát gạch theo phong cách truyền thống, hàng rào chè tàu..., đồng thời phục dựng và duy trì lễ giổ tổ nghề hàng năm. Hội An đã tổ chức bán vé tham quan và có cơ chế phát huy tài hoa của các nghệ nhân, vừa tạo sản phẩm phục vụ du khách, vừa truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ kế cận, tránh nguy cơ thất truyền nghề làm Gốm có lịch sử 500 năm trước. Việc triển khai có hiệu quả phương án Phát huy làng nghề truyền thống gốm Thanh Hà đã giúp các hộ dân tham gia chuốt gốm tăng thu nhập. Bên cạnh việc cải thiện thu nhập cho người dân địa phương, hoạt động tham quan du lịch ở đây còn tạo thêm công ăn việc làm cho hàng trăm lao động bằng các hoạt động sản xuất hàng gốm lưu niệm, hàng gốm trang trí, gốm mỹ nghệ, gốm gia dụng và gốm xuất khẩu và mở ra những không gian giàu chất sáng tạo nghệ thuật, mỹ nghệ như: Công viên đất nung Thanh Hà, được mệnh danh là một công viên đất nung lớn nhất Việt Nam. Cũng tại đây đã hình thành các Không gian Cococasa và trại chế tác các tác phẩm bằng củi gỗ lũ - một loại gỗ tái chế làm nên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đầy sáng tạo, cùng Không gian “Xưởng tái sinh” với những tác phẩm tái chế độc đáo của các họa sỹ, nghệ sỹ nổi tiếng hội tụ.
1.2 Làng Rau Trà Quế và Làng Mộc Kim Bồng: với cách làm du lịch làng nghề hiệu quả từ Làng gốm, thành phố tiếp tục ban hành các phương án “Phát triển du lịch Cộng đồng tại làng rau Trà Quế” và “Khôi phục và phát triển Du lịch tại Làng mộc Kim Bồng”. Với những nội dung hoạt động của Phương án đều dựa vào người dân, cùng nhau gìn giữ, cùng nhau xây dựng và phát huy nghề truyền thống và cùng nhau phát triển kinh tế - xã hội, bước đầu đã đạt được những hiệu quả nhất định. Do ảnh hưởng của dịch bệnh trong những năm đầu triển khai thực hiện phương án, lượng khách chưa nhiều, tuy nhiên, với mô hình đặc sắc của làng rau, cách trình diễn nghề và quy tụ các sản phẩm nghề đặc sắc, cùng với cảnh làng quê sông nước của Làng Kim Bồng, dự báo trong những năm đến chắc chắn sẽ thu hút du khách.
Từ những cách làm đầy sáng tạo đó, vừa qua, Làng rau Trà Quế và Làng gốm Thanh Hà Hội An đã được công nhận là Di sản văn hóa vật thể quốc gia. Ngoài ra, các ngành nghề thủ công khác cũng rất phát triển tại Hội An như nghề tre, nghề làm lồng đèn. Với nguồn nguyên vật liệu phong phú, qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân nơi đây đã cho những sản phẩm có tiến, được xuất đi nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt từ những chiếc đèn lồng một thời còn sót lại trong các di tích, đến nay Hội An đã phục hồi nghề làm lồng đèn, trở thành nghề truyền thống và thu hút hơn hàng ngàn lao động tham gia các khâu trong việc chế tác, sản xuất lồng đèn thành hàng lưu niệm và cũng đã được xuất khẩu sang các nước. Và đèn lồng trở thành mặt hàng đặc trưng, được đăng ký bản quyền nhãn hiệu "Đèn lồng Hội An" .
2. Phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững
Từ nay đến năm 2030, thành phố Hội An định hướng phát triển theo hướng bền vững. Trong đó, tập trung phát triển mô hình du lịch xanh và xây dựng sản phẩm du lịch xanh dựa trên nền tảng: kiên trì bảo tồn, bồi đắp di sản văn hóa, tôn tạo tài nguyên thiên nhiên, nỗ lực bảo vệ môi trường; đảm bảo sự tham gia của cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm và lợi ích từ du lịch cho cộng đồng. Sản phẩm du lịch được tạo ra gắn liền với tính thân thiện với môi trường, đem đến những giải pháp an toàn đối với môi trường và sức khỏe, giảm tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng; ngoài ra đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, đáp ứng xu thế phát triển du lịch gắn với sinh thái, với cộng đồng và nông nghiệp - thủ công mỹ nghệ; trải nghiệm, tìm hiểu đời sống văn hóa, sinh hoạt của cư dân địa phương.
Để những giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, những làng nghề truyền thống Hội An khẳng định được vị thế của mình cần có thêm những cách tiếp cận mới, hướng đi mới; tạo thêm những sản phẩm đa dạng, có giá trị gia tăng cao, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm và tạo liên kết nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm; hình thành nhiều không gian giới thiệu, trưng bày, sáng tạo…
Tất cả những hoạt động, định hướng đó đều tạo dựng cơ hội góp phần giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc Hội An trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp và xứng đáng là trung tâm du lịch, trung tâm sáng tạo của khu vực và quốc tế./.
Trung tâm VH-TT&TT-TH Hội An