Kiến trúc

Kiến trúc

Di tích kiến trúc nghệ thuật

Di tích kiến trúc nghệ thuật ở Hội An là một bộ phận quan trọng cấu thành di sản văn hóa Hội An. Bộ phận di sản này được hình thành liên tục trong quá trình lịch sử và được các thế hệ cư dân Hội An gìn gữ, bảo tồn gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay.

         

Đường Nguyễn Thị Minh Khai - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
 

        Theo kết quả khảo cứu, di tích kiến trúc nghệ thuật hiện có trên địa bàn thành phố Hội An chiếm số lượng cực kỳ lớn (hơn 1.329 di tích), chiếm trên 85% tổng số di tích nằm trong danh mục của Thành phố và thuộc nhiều loại hình khác nhau như đình, chùa, miếu, lăng, hội quán, nhà thờ tộc, mộ cổ, giếng cổ,... và nhà ở. Trong đó, có hơn 80% di tích là các ngôi nhà buôn ở phố, nhà vườn ở vùng ven, các nhà thờ tộc, đình, chùa được cấu thành từ hệ khung (cột, vì, kèo, xiên, trính, rui, lách...) bằng gỗ được chạm trổ theo nhiều kỹ thuật khác nhau và khá công phu. Bên cạnh đó, những di tích là giếng, mộ được cấu thành chủ yếu bằng gạch, tô vữa hợp chất vôi ghè vỏ hến. 
 

         Về mặt qui mô, các di tích kiến trúc nghệ thuật ở Hội An không có diện tích quá lớn, đồ sộ như nhiều nơi khác. Ngược lại các di tích kiến trúc nghệ thuật ở Hội An có qui mô nhỏ và vừa phân bố hết sức tập trung trong không gian nhỏ hẹp. Kết cấu những công trình kiến trúc truyền thống (chủ yếu là nhà ở, nhà thờ tộc, miếu, đình, chùa) thường là nhà 1 gian, 3 gian - hai chái, một tầng, hoặc là nhà phố hình ống.

         Các công trình này thường được chạm trổ, điêu khắc, trang trí trên các bờ nóc, bờ chảy, ô hộc, bẩy hiên, đuôi kèo, bài trí hoành phi, liễn đối bằng các Hán tự, đồ án văn hoá truyền thống Việt Nam hoặc có ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa, Nhật Bản. Những chi tiết trang trí đó thể hiện ước mong cát tường, bình an, thịnh vượng của những nghệ nhân mộc/nề và của những chủ nhân xây dựng nên các công trình đó.

        Mỗi loại hình mang một chức năng riêng, đặc điểm riêng, sắc thái riêng. Nghiên cứu lịch sử hình thành của mỗi di tích cũng góp phần làm bổ sung, làm sáng tỏ lịch sử hình thành cộng đồng dân cư, làng xã, lịch sử hình thành, phát triển thương cảng quốc tế Hội An, đô thị Hội An qua các thời kỳ. Bản thân mỗi di tích cũng thể hiện rõ nét sự giao lưu tiếp biến văn hóa với các nền văn hóa Nhật Bản, Trung Hoa, Phương Tây,...

        Điểm đặc biệt là các di tích kiến trúc nghệ thuật này hiện là những di sản văn hóa sống, đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày hoặc trong đời sống văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của người dân trong Khu phố cổ.

        Là những di sản văn hóa sống chứa đựng những thông tin về giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng nên các di tích kiến trúc nghệ thuật đã góp phần làm tăng thêm tính đa dạng, độc đáo, vẻ đẹp riêng có, không trùng lặp của di sản văn hóa Hội An. 
 


 

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Go top