Sản phẩm du lịch “Đêm phố cổ” tồn tại và phát triển đến nay vừa tròn chặng đường 25 năm. “Đêm phố cổ” đã định vị được thương hiệu lớn với du khách nhưng cần chỉn chu, đổi mới để giữ được sức hút lâu dài.
“Thắp lửa” cho di sản văn hóa thế giới
Tháng 8/1998, UBND thị xã Hội An lúc đó đã ban hành Quyết định số 336 phê duyệt Đề án “Nghiên cứu, phục hồi Ngày phố cổ tại Khu phố cổ Hội An” (sau này gọi là “Tái hiện đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ 20” và được gọi tắt là “Đêm phố cổ”) nhằm mục đích từng bước phục hồi cảnh quan và các sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân phố cổ Hội An xưa. Như vậy, sản phẩm du lịch này hình thành trước khi Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999.
Không sôi động, hào nhoáng như các sản phẩm du lịch đêm khác, “Đêm phố cổ” với giai điệu, ánh sáng mộc mạc đã dẫn dắt du khách vào không gian lắng đọng, hoài niệm của Hội An những ngày xưa cũ.
Theo các đơn vị lữ hành, nhiều du khách quốc tế đã chia sẻ rằng việc được lãng đãng ở Hội An trong thời điểm diễn ra “Đêm phố cổ” khiến họ được chạm vào cảm xúc khó tả mà chưa điểm đến nào mang lại trên hành trình.
Bà Trương Thị Ngọc Cẩm - Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH Hội An cho hay, thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân, các ban ngành, đoàn thể trong và ngoài nước đã chọn Hội An vào những ngày thực hiện “Đêm phố cổ” để tổ chức hội nghị, hội thảo, hội thi, sự kiện… để các khách mời có thể tham gia trải nghiệm.
Nhiều công ty du lịch, lữ hành xây dựng chương trình tham quan đặc biệt “Đêm phố cổ” để giới thiệu, các du khách ưu tiên chọn thời gian diễn ra “Đêm phố cổ” để đến với Hội An.
“Đặc biệt, “Đêm phố cổ” được lựa chọn phục dựng một phần không gian tại các sự kiện văn hóa - du lịch, quảng bá Hội An ở các thành phố trên cả nước trong những năm qua.
Bao gồm các sự kiện: “Tuần văn hóa Hội An tại Hà Nội” (2005) và Tuần văn hóa xứ Quảng tại Hà Nội - Nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội (2010); Hội chợ Triển lãm Quốc tế APEC tại TP.Đà Nẵng (2009); “Những ngày Hội An tại TP.Hồ Chí Minh (2012); “Những ngày văn hóa Thanh Hóa - Hội An” tại TP.Thanh Hóa từ năm 2015 đến nay; “Những ngày văn hóa tại Cao Lãnh, Đồng Tháp” - bà Cẩm chia sẻ.
Nốt trầm của “Đêm phố cổ”
Đi qua chặng đường dài, “Đêm phố cổ” đến nay đã có nhiều sự thay đổi. Điểm sinh hoạt Thơ Đường đã dời đến địa điểm mới số 89 Trần Phú được trang trí mới lạ, không gian thoáng đãng, kết hợp với thưởng trà để phù hợp hơn với không khí sinh hoạt.
Hoạt động trò chơi bịt mắt đập nồi, các hoạt động trong “Không gian Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản” tại đình Cẩm Phô và hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại 78 Lê Lợi, hoạt động Hát bội tại vòng cung Chùa Cầu… đều được dời đến địa điểm phù hợp hơn cho du khách.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đưa thêm các hoạt động trình nghề, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ và điểm thư pháp vào phố đêm làm đa dạng trải nghiệm của du khách.
Theo ông Võ Phùng - nguyên Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH Hội An, người đi cùng sản phẩm trong những ngày đầu tiên, không dễ gì để một sản phẩm du lịch đi được chặng đường 25 năm và vẫn còn sức lôi cuốn với du khách.
“Điều đáng tiếc là có cảm giác tự chúng ta ngày càng làm mờ nhạt đêm phố cổ khi dần biến nó thành một phố đêm đơn thuần. Việc thiếu kiểm soát, để hỗn tạp các âm thanh, ánh sáng dẫn đến ô nhiễm tiếng ồn trong khu vực phố cổ khiến nhiều du khách cũng không còn hứng thú thưởng thức sản phẩm “Đêm phố cổ” nữa - ông Võ Phùng bộc bạch.
Nhân sự phục vụ cho các loại hình nghệ thuật cũng là một khó khăn lớn trong việc duy trì các hoạt động “Đêm phố cổ”.
Theo nhìn nhận của Trung tâm VH-TT&TT-TH Hội An, từ sau dịch COVID-19, hoạt động hò khoan đối đáp trên sông đang tạm dừng cho đến nay và chưa có điều kiện hoạt động trở lại vì lý do nhân sự biểu diễn; các chương trình nghệ thuật như “Sắc màu của lụa”, “Đêm Hoài Giang” chưa thể tổ chức thường xuyên vì cần số lượng lớn diễn viên cũng như kinh phí tổ chức... Bởi vậy, đơn vị chưa thể đưa vào phục vụ du khách một cách thường xuyên hằng tháng…
Quốc Tuấn