Từ bến cảng Cửa Đại thuộc TP Hội An, chúng tôi lên cano dập dềnh sóng nước hơn 20 phút đến “hòn ngọc thô” của Quảng Nam - cụm đảo Cù Lao Chàm. Đang giữa mùa hè, cái nắng miền Trung càng tôn lên vẻ đẹp của một vùng biển đảo xanh ngắt trong lành.
Ảnh: Visit Hoi An
Lưu giữ ký ức văn hóa
Nơi chúng tôi cập bến là đảo chính mang tên Hòn Lao, có diện tích lớn nhất và tập trung đông đảo dân cư Cù Lao Chàm. Cả nhóm thuê xe máy đi dạo vòng quanh đảo, tham quan những di tích, công trình kiến trúc cổ lưu giữ văn hóa của người Việt và người Chăm.
Nằm tại ngã ba xóm Cấm có một giếng cổ Champa, là nơi cung cấp nước ngọt sinh hoạt chủ yếu cho người dân đảo. Thật kỳ lạ khi giếng nằm cách bờ biển chỉ khoảng 100m nhưng chưa bao giờ nguồn nước bị nhiễm mặn. Nước giếng trong vắt, ngọt thanh, mát lạnh, giúp giải khát giữa trưa hè nắng nóng.
Trong dân gian còn lưu truyền tin đồn thú vị: đây là giếng tiên giúp “thoát ế”. Nam thanh nữ tú đang độc thân chỉ cần uống vài ngụm sẽ nhanh chóng… có người yêu. Thậm chí các cặp vợ chồng cùng nhau uống nước giếng Chăm và nguyện ước sẽ có tin vui ngay sau đó.
Sau khi thử qua vài ngụm nước giếng, chúng tôi đến chùa Hải Tạng. Theo ghi chép, ngôi chùa có kiến trúc độc đáo được xây dựng từ thời nhà Lê. Chùa Hải Tạng còn là nơi các thương thuyền ghé vào hành lễ, cầu may mắn trên con đường buôn bán và mong được phù hộ bình an, tránh gió bão thiên tai.
Ngô đồng nở thắm đảo xanh
Trên chặng đường vi vu bằng xe máy khám phá Hòn Lao, chúng tôi đặc biệt ngẩn ngơ trước một khung cảnh thiên nhiên. Đó là đoạn dốc đi về phía bãi Xếp, một bên là eo biển cong cong với bờ cát trắng mịn trải dài, một bên là đá núi nhấp nhô cùng rừng cây xanh ngát bạt ngàn. Nổi bật giữa nền biển trời mênh mang xanh biếc là sắc đỏ cam rực rỡ của hoa ngô đồng. Chúng tôi hít hà hương biển, say sưa ngắm cảnh hoa rừng.
Cây ngô đồng đỏ mọc rải rác khắp các sườn núi trên đảo, được coi là biểu tượng của Cù Lao Chàm và được công nhận là cây di sản Việt Nam. Sống ở vùng đất khô cằn, một mùa nắng rát một mùa bão giật, cây có vỏ thân nứt dọc xù xì xám bạc, gốc vặn vẹo mà vẫn cứng cáp hiên ngang. Sức sống bền bỉ của cây ngô đồng sao mà giống sức sống kiên cường của người dân cù lao!
Đầu hạ, khi cái nắng trở nên gay gắt, lá cây ngô đồng dần ngả vàng và rơi rụng. Chừng cuối tháng Sáu, khi cành đã trút hết lá, từng chùm hoa nở bung lấp lánh triền núi. Hoa nở kéo dài sang tháng Tám, đợi tháng Chín cây ra lá non và kết trái khi mùa khô kết thúc.
Chúng tôi đến Cù Lao Chàm vừa đúng dịp ngô đồng bắt đầu trổ những bông hoa đầu tiên, tô thêm vẻ quyến rũ cho góc trời biển đảo. Dưới ánh nắng, đảo xanh mùa hoa ngô đồng khoe sắc đỏ thắm quả thật là bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ.
Khám phá những điều mới lạ
Chúng tôi không quên ghé Hợp tác xã Du lịch làng nghề ở bãi Làng để trải nghiệm đan võng ngô đồng. Người dân bóc vỏ thân cây ngô đồng và ngâm trong nước cho mềm, lấy phần xơ trắng đục rửa sạch, phơi khô. Tước mảng xơ khô ra sợi nhỏ mềm, rồi tỉ mẩn miết se thành những sợi dài thẳng, chắc chắn. Sau đó, họ khéo léo bện sợi thành chiếc võng với các mối nan hoa đều nhau, không quá căng cũng không chùng.
Chiếc võng ngô đồng có màu vàng kem đẹp mắt, rất mềm mại nhưng chịu lực tốt. Võng khá bền chắc, có thể sử dụng tới 20 năm mà không phai màu hay ẩm mốc.
Nghề đan võng Cù Lao Chàm đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quóc gia
Ngày hè nắng nóng mà nằm võng ngô đồng thì thích vô cùng bởi vừa êm ái vừa mát mẻ. Người dân Cù Lao Chàm kỳ công đan võng ngô đồng qua mấy thế kỷ. Đến nay, nghề đan võng ngô đồng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Khi trời nhạt bớt nắng, chúng tôi đi thuyền thúng ra biển ngắm san hô. Du khách có thể chọn lặn nổi, lặn sâu hoặc đi bộ dưới đáy biển với các mức giá và thiết bị hỗ trợ khác nhau. Cù Lao Chàm có nhiều bãi biển nước sâu, chia từng tầng màu xanh biếc, xanh lam, xanh ngọc, nhìn thấy tận đáy trong vắt, là điều kiện lý tưởng để du khách thỏa thích lặn ngắm san hô.
Nhờ áo phao, chúng tôi thả mình trôi bồng bềnh trên mặt biển, ngắm nhìn mây trời biếc xanh trên cao rồi ngụp lặn trong làn nước mát lạnh, tận mắt chiêm ngưỡng các rạn san hô đẹp rực rỡ với nhiều hình dáng kỳ lạ, tưởng như đưa tay ra có thể chạm tới những đàn cá đủ màu sắc đang tung tăng bơi lội. Cảm giác ấy tuyệt vời khó tả khiến tôi vẫn còn lưu luyến mãi.
Địa điểm cắm trại lý trưởng
Hòn Lao có 7 bãi biển với vẻ đẹp hoang sơ. Chúng tôi ngắm hoàng hôn rơi ở bãi Xếp và di chuyển sang bãi Ông dựng lều cắm trại thay vì lựa chọn ở lại nhà nghỉ hay homestay như những khách du lịch khác.
Bữa tối được người dân chuẩn bị sẵn, đầy ắp hải sản tươi rẻ bất ngờ; nào ốc cừ, vẹm xanh, tôm tít… Chúng tôi nướng thêm một ít mực một nắng và cá chỉ vàng để nhấm nháp rồi hát hò đùa vui.
Đến khuya, chúng tôi ngồi trên bãi biển tĩnh lặng, từ hòn đảo đưa ánh mắt về phía đất liền, đoán xem trong những chùm sáng lấp lánh đằng xa xa chân trời, phía nào là khu phố cổ Hội An, phía nào là thành phố xanh Đà Nẵng… Có lẽ rất nhiều người trẻ ở vùng cù lao yên bình này cũng đã thao thức bao đêm ngóng về phía náo nhiệt, trăn trở lựa chọn giữa việc rời đi đến phố xá xa hoa hay ở lại phát triển biển đảo quê hương mình.
Ngoài sự nhiệt tình của người dân, Cù Lao Chàm còn một điều cực kỳ đáng yêu. Để giữ đảo xanh, sạch, đẹp, nơi đây nói không với túi ni lông và rác thải nhựa. Du khách sẽ được nhắc nhở điều đó ở cổng soát vé trước khi lên cano tới đảo. Sáng hôm sau, lúc dọn lều trại, chúng tôi đã thu gom hết chai nhựa, hộp nhựa để gửi người dân xử lý hoặc mang về lại đất liền.
Từ giữa tháng Sáu đến hết tháng Bảy, Hội An diễn ra Festival biển 2024, trong đó có lễ hội “Cù Lao Chàm - Mùa hoa ngô đồng đỏ” chào đón du khách 4 phương về tham quan, thưởng thức sắc hoa ngô đồng xứ Quảng. Nếu chọn ghé miền Trung dịp hè này, đặc biệt là đến Hội An, bạn nhớ dành một vài ngày khám phá Cù Lao Chàm trong mùa hoa ngô đồng nở.
Ny An